Xử lý nghiêm vi phạm quyền chọn SGK của học sinh

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
17/09/2018 08:35 GMT+7

Trước nhiều thông tin trái chiều về việc có nhiều bộ sách giáo khoa và cơ chế vận hành, ông Nguyễn Xuân Thành, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT, đã trao đổi với Thanh Niên về quan điểm và chủ trương thực hiện của Bộ.

[VIDEO] GS Nguyễn Minh Thuyết nói về chuyện "một chường trình nhiều bộ sách giáo khoa"
Đang xây dựng hướng dẫn việc lựa chọn SGK
Xử lý nghiêm vi phạm quyền chọn SGK của học sinh
Ông Nguyễn Xuân Thành Tuệ Nguyễn
Xin ông cho biết sắp tới khi thực hiện một chương trình, nhiều sách giáo khoa (SGK), Bộ GD-ĐT sẽ có quy định ra sao để đảm bảo việc có nhiều bộ hoặc nhiều cuốn SGK trên thị trường tồn tại và cạnh tranh một cách lành mạnh?
Thực hiện vai trò quản lý nhà nước về SGK giáo dục phổ thông, Bộ GD-ĐT đã ban hành Thông tư số 33/2017/TT-BGDĐT quy định tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa; tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân biên soạn; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định SGK.
Căn cứ thông tư này, các tổ chức, cá nhân đủ điều kiện có quyền bình đẳng và cạnh tranh một cách lành mạnh trong việc biên soạn, đề nghị thẩm định SGK. Nếu được Hội đồng quốc gia thẩm định, SGK “đạt” sẽ được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT quyết định phê duyệt, cho phép sử dụng. Bộ GD-ĐT cũng đang xây dựng thông tư hướng dẫn việc lựa chọn SGK trong các cơ sở giáo dục phổ thông bảo đảm công bằng, minh bạch, tất cả vì quyền lợi của học sinh (HS).
Bộ GD-ĐT có lo ngại không khi dư luận xã hội và ngay cả trong ngành GD-ĐT chưa quen với việc có nhiều bộ/cuốn SGK, dẫn tới những phản ứng tiêu cực trước những vấn đề khác biệt, mới mẻ?

Đúng là từ trước đến nay thực hiện một bộ SGK duy nhất nên việc lựa chọn chưa bao giờ được đặt ra. Nay theo Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội, “Thực hiện xã hội hóa biên soạn SGK; có một số SGK cho mỗi môn học”, HS, phụ huynh, giáo viên và các trường lần đầu tiên đứng trước việc phải lựa chọn SGK có thể có sự bỡ ngỡ nhất định. Để tránh xảy ra những ứng xử không phù hợp do thiếu thông tin, Bộ GD-ĐT sẽ tăng cường truyền thông để xã hội hiểu rõ quy định về việc biên soạn, thẩm định, lựa chọn SGK để HS, phụ huynh, giáo viên và nhà trường chủ động thực hiện.
Cơ chế chọn SGK ra sao để đảm bảo mỗi cuốn sách được chọn thực sự vì người học, chứ không bị ảnh hưởng bởi lợi ích cá nhân hoặc “lợi ích nhóm”, thưa ông?
Bộ GD-ĐT đang xây dựng Thông tư hướng dẫn việc lựa chọn SGK trong các cơ sở giáo dục phổ thông theo hướng giao quyền lựa chọn cho cơ sở giáo dục phổ thông theo nguyện vọng của HS, phụ huynh; quy định cụ thể trách nhiệm của sở, phòng GD-ĐT, người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông trong việc quản lý, việc lựa chọn, sử dụng SGK trong các cơ sở giáo dục phổ thông; có chế tài xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quyền lựa chọn của HS, cha mẹ HS. Làm tốt được việc này sẽ bảo đảm các SGK có chất lượng tốt, sẽ được đông đảo HS lựa chọn.
Bộ SGK của bộ chủ trì sẽ do ngân sách nhà nước bảo đảm
Dư luận lo ngại khi Bộ GD-ĐT vẫn chủ trì việc biên soạn SGK dẫn tới các tỉnh sẽ chọn bộ SGK của Bộ. Vậy chủ trương của Bộ khi chủ trì biên soạn SGK ra sao?
Nghị quyết 88 của Quốc hội quy định để chủ động triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ GD-ĐT tổ chức việc biên soạn một bộ SGK. Bộ sách này cũng phải được thẩm định, phê duyệt công bằng với sách do tổ chức, cá nhân biên soạn.
Về kinh phí, nghị quyết cũng nêu “kinh phí thực hiện đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông do ngân sách nhà nước bảo đảm và huy động từ xã hội”. Thực hiện nghị quyết này, Bộ GD-ĐT chủ trì biên soạn một bộ SGK do ngân sách nhà nước bảo đảm. Việc tổ chức biên soạn được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 33 đã đề cập ở trên. Trường hợp cần lựa chọn nhà xuất bản chủ trì biên soạn SGK thì việc lựa chọn sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.
Từ nhiều năm nay, Bộ GD-ĐT đã giao quyền chủ động cho các cơ sở giáo dục xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục nhà trường. Đến nay, các cơ sở giáo dục đã xây dựng được kế hoạch giáo dục phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, nhà trường; cùng với việc thực hiện phương pháp dạy học tích cực, hoạt động dạy học hiện nay đã không còn quá lệ thuộc vào SGK. Vì vậy, tôi cho rằng sẽ không xảy ra tình trạng muốn “an toàn” hay làm “đẹp lòng” Bộ mà phải chọn SGK do Bộ chủ trì biên soạn.
Để bảo đảm cạnh tranh bình đẳng, Bộ sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính trình Chính phủ phương án cụ thể về giá SGK.
Vậy việc cho phép những người biên soạn chương trình được tham gia viết SGK liệu có hợp lệ và khách quan không, thưa ông?
SGK cụ thể hóa yêu cầu của chương trình nên sau khi chương trình đã được phê duyệt thì những người đủ tiêu chuẩn theo quy định đều có thể tham gia biên soạn SGK, không ngoại trừ người đã tham gia biên soạn chương trình. Một khi chương trình đã được ban hành sẽ bảo đảm bình đẳng đối với mọi tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn SGK. Hơn nữa, SGK do các tổ chức, cá nhân biên soạn đều phải được Hội đồng quốc gia thẩm định.
Đến thời điểm này, Bộ đã ban hành hướng dẫn biên soạn SGK ra sao?
Hiện nay, dự thảo các chương trình môn học đã được các hội đồng quốc gia thẩm định và thông qua. Bộ GD-ĐT đang thực hiện các thủ tục theo quy định để ban hành thông tư về chương trình giáo dục phổ thông. Sau khi ban hành thông tư, Bộ sẽ ban hành tài liệu hướng dẫn biên soạn. Các tổ chức, cá nhân có nhu cầu sẽ thực hiện việc biên soạn, đề nghị thẩm định SGK theo quy định của Thông tư số 33. Mọi tổ chức, cá nhân đủ điều kiện theo quy định đều có thể tổ chức biên soạn hoặc tham gia biên soạn.
Thi cử sẽ ra sao khi có nhiều bộ SGK?
Theo ông Nguyễn Xuân Thành, khi có nhiều SGK thể hiện mục tiêu phát triển phẩm chất, năng lực HS thì việc kiểm tra, đánh giá, thi phải bảo đảm không yêu cầu ghi nhớ, tái hiện thông tin, kiến thức mà tập trung vào đánh giá năng lực HS (để phù hợp với các SGK khác nhau). Khi đó, việc dạy học không thể chỉ truyền thụ kiến thức theo một SGK cụ thể nào đó mà phải tập trung vào thực hành, trải nghiệm, vận dụng kiến thức để phát triển năng lực. SGK nào có chất lượng tốt, tạo thuận lợi cho việc dạy và học tích cực để phát triển năng lực sẽ có lợi thế, được đông đảo HS, giáo viên lựa chọn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.