Nhiều năm nay, khu vực Bãi Trường (thuộc ấp Đường Bào, xã Dương Tơ, TP.Phú Quốc) nổi lên là một trong những điểm nóng về xây dựng trái phép, bao chiếm đất nhà nước khiến tình hình an ninh trật tự trở nên phức tạp.
Những căn biệt thự được xây dựng trong khoảng 2 năm trở lại đây và có thiết kế gần giống nhau |
XUÂN LAM |
Tháng 6.2022, khi được thành lập, Tổ công tác đặc biệt của UBND tỉnh Kiên Giang đã tiến hành rà soát, kiểm tra xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về lĩnh vực đất đai, lâm nghiệp và xây dựng trên địa bàn
TP.Phú Quốc. Theo báo cáo của UBND xã Dương Tơ, trên địa bàn xã hiện có 229 căn nhà xây dựng trái phép trên đất nhà nước quản lý, nổi cộm là 79 căn biệt thự không phép xây dựng trong khu đất 18,9 ha, gây bất bình trong dư luận.
Xử lý ra sao với 79 căn biệt thự không phép ở Phú Quốc? |
Hành trình “con voi chui lọt lỗ kim”
Theo UBND xã Dương Tơ, trước năm 1998, khu vực này là đất cây rừng tự nhiên. Ngày 18.6.1998, UBND tỉnh Kiên Giang ban hành quyết định thành lập rừng phòng hộ và đặc dụng Phú Quốc; đồng thời cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Ban quản lý rừng phòng hộ Phú Quốc quản lý theo thẩm quyền. Ngày 14.12.2012, UBND tỉnh Kiên Giang ban hành quyết định thu hồi đất, giao đất cho UBND xã Dương Tơ quản lý.
Làm sao cả đảo Phú Quốc những sai phạm sẽ được xử lý một cách đầy đủ, đúng quy định pháp luật, thời gian có thể kéo dài nhưng tinh thần là phải làm tới nơi tới chốn, làm cho hết.
Ông Lê Quốc Anh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang
Năm 2019, UBND xã Dương Tơ kiểm tra phát hiện trên phần diện tích 15 ha không đủ điều kiện bồi thường hỗ trợ theo quy định pháp luật, đã có các cá nhân vào chiếm đất, đổ đường bê tông nhằm mục đích phân lô. Quá trình kiểm tra làm việc thì không có người nào thừa nhận thực hiện hành vi vi phạm.
Ngày 4.12.2019, UBND xã Dương Tơ ban hành thông báo và tiến hành phá dỡ đường bê tông xây dựng trái phép. Đến ngày 9.1.2020, UBND xã Dương Tơ phát hiện 24 căn xây dựng trái phép và ra thông báo yêu cầu phá dỡ toàn bộ vật kiến trúc. Tuy nhiên, hồ sơ không đảm bảo trình tự thủ tục nên không thực hiện được.
Đến tháng 5.2022, UBND xã Dương Tơ phát hiện thêm 50 căn biệt thự xây dựng trái phép. Và đến thời điểm này lên đến 79 căn. Các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình đã xây dựng các công trình tường rào gạch với chiều cao bình quân 1,2 m, xây theo hình thức phân lô và đổ 7 đoạn đường bê tông.
Hiện nay, UBND xã Dương Tơ mới chỉ lập biên bản vi phạm hành chính được 4 trường hợp. Trong đó, có 2 trường hợp trình UBND TP.Phú Quốc ra quyết định xử phạt, đồng thời thu thập hồ sơ và lập biên bản làm việc được 57 trường hợp. Đối với 2 trường hợp bị xử phạt vi phạm thì UBND TP.Phú Quốc đã cưỡng chế, phá dỡ vào ngày 9.11 vừa qua.
Dư luận đặt vấn đề vì sao trên đất nhà nước quản lý mà hàng loạt căn nhà không phép có thể được xây dựng và tồn tại ngang nhiên như vậy? Đáng nói, trong 79 căn biệt thự không phép, có căn đã có người vào ở và một số căn đang hoàn thiện thì mới được phát hiện và xử lý.
Khởi tố 3 bị can liên quan 79 căn biệt thự không phép ở TP.Phú Quốc |
Xử lý như thế nào?
Lãnh đạo UBND tỉnh Kiên Giang cho rằng trước mắt cưỡng chế 2 căn đủ điều kiện. Sau đó sẽ tiếp tục rà soát tính pháp lý để cưỡng chế, tháo dỡ tất cả những căn nhà xây dựng không phép, xây dựng trên đất nhà nước quản lý đảm bảo đúng quy trình, đúng quy định để trả lại hiện trạng, trả lại đất cho nhà nước. “Trước hết là phải trả lại đất nhà nước, trả lại hiện trạng, khắc phục hiện trạng. Tiếp đến là bàn tới trách nhiệm của các cơ quan chính quyền địa phương, rồi các cơ quan chuyên môn và sẽ có xử lý nghiêm túc, nhưng không phải lúc này”, một lãnh đạo UBND tỉnh Kiên Giang khẳng định.
Ông Lê Quốc Anh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt của tỉnh, nhấn mạnh: “Hiện nay, 79 căn biệt thự này của rất nhiều chủ, mỗi người có 3 ha, 5 ha, 7 ha… Họ mua giấy tay xong rồi phân lô bán. Họ bán đúng quy định thì không sao. Mình chỉ cưỡng chế những trường hợp xây dựng trên đất nhà nước, không có giấy phép xây dựng, tự xây dựng trên đất khi chưa chuyển mục đích sử dụng đất. Còn nếu có dấu hiệu lừa đảo thì sẽ hình sự hóa, khởi tố bị can. Trước mắt xử lý cho xong 79 căn, sau đó sẽ mở rộng sang các khu khác. Làm sao cả đảo Phú Quốc những sai phạm sẽ được xử lý một cách đầy đủ, đúng quy định pháp luật, thời gian có thể kéo dài nhưng tinh thần là phải làm tới nơi tới chốn, làm cho hết”.
Liên quan đến 79 căn biệt thự xây dựng không phép, đại tá Diệp Văn Thế, Phó giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Kiên Giang, cho biết cơ quan công an đã xác định được 3 bị hại; đồng thời đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 3 bị can về hành vi lừa đảo mua bán đất nhà nước.
“Trước mắt, bắt và xử lý 3 bị can ngoài xã hội lừa đảo bán đất của nhà nước. Tới đây, chúng tôi mở rộng điều tra và sẽ bắt tiếp tục nữa. Còn F1, F2, F3 nữa chứ không phải dừng lại ở đó. Trong 79 căn biệt thự xây dựng không phép trên đất nhà nước, có 2 vấn đề đặt ra. Một là, quản lý về đất đai như thế nào. Hai là, quản lý nhà nước về xây dựng như thế nào, trách nhiệm thuộc về ai thì tỉnh sẽ làm rõ và có xử lý đến nơi đến chốn”, đại tá Thế nói.
Từ đầu năm 2019 đến nay, địa bàn TP.Phú Quốc xảy ra 1.744 vụ vi phạm về đất đai, lâm nghiệp và xây dựng. Liên quan đến vấn đề này, cơ quan công an đã khởi tố vụ án hình sự 7 vụ, 15 bị can; đang thụ lý hồ sơ điều tra 7 vụ có dấu hiệu tội hủy hoại rừng. Đồng thời, các cơ quan chức năng tỉnh Kiên Giang cũng đang tiến hành thanh tra trách nhiệm về công tác quản lý nhà nước trên địa bàn Phú Quốc và sẽ thanh tra làm rõ về việc cung cấp điện sinh hoạt, sản xuất kinh doanh cho các tổ chức, cơ sở và hộ dân tại các khu vực không hợp pháp.
Bình luận (0)