Xử lý trách nhiệm giao đất dự án điện đè lên vùng dự trữ khoáng sản quốc gia

Quế Hà
Quế Hà
31/05/2024 14:10 GMT+7

Ngày 31.5, Giám đốc Sở Nội vụ Bình Thuận Đỗ Thái Dương cho biết đang thực hiện quy trình xử lý kỷ luật, kiểm điểm trách nhiệm các đơn vị, cá nhân có vi phạm tại kết luận của Thanh tra Chính phủ về các dự án điện.

Theo ông Đỗ Thái Dương, sau khi có Kết luận số 1027 ngày 28.4.2023 của Thanh tra Chính phủ (TTCP) về sai phạm liên quan đến các dự án điện mặt trời, điện gió tại Bình Thuận, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện các kiến nghị xử lý. Đến nay, Sở Công thương đã có tổng hợp trách nhiệm các đơn vị liên quan và gửi kết quả đến Sở Nội vụ để tham mưu UBND tỉnh xử lý trách nhiệm, xử lý kỷ luật.

"Do việc tổng hợp của Sở Công thương chưa sát nội dung nên UBND tỉnh yêu cầu làm lại. Ngày 27.5 vừa qua, UBND tỉnh tiếp tục có công văn gửi Sở Nội vụ yêu cầu thực hiện quy trình xử lý kiểm điểm, kỷ luật các tổ chức, cá nhân liên quan đến sai phạm mà TTCP đã chỉ ra tại các dự án nhà máy điện trên địa bàn", ông Đỗ Thái Dương cho biết.

Xử lý trách nhiệm giao đất dự án điện đè lên vùng dự trữ khoáng sản quốc gia- Ảnh 1.

Nhà máy điện mặt trời Hàm Kiệm 1 xây dựng trên vùng dự trữ khoáng sản quốc gia khi chưa có sự đồng ý của cấp có thẩm quyền

QUẾ HÀ

Trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Đoàn Anh Dũng ban hành kế hoạch về việc thực hiện các kiến nghị của TTCP (Kết luận số 1027), nhằm làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan trong công tác tham mưu, chỉ đạo tổ chức thực hiện việc đầu tư xây dựng các công trình điện theo Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh. Đồng thời, triển khai các biện pháp khắc phục khuyết điểm, vi phạm mà TTCP đã chỉ ra.

Các tổ chức phải kiểm điểm gồm có: UBND tỉnh, Sở Công thương, Sở TN-MT, Sở KH-ĐT, Sở NN-PTNT, Sở Xây dựng và Văn phòng UBND tỉnh; UBND các huyện: Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam và TP.Phan Thiết.

Các đơn vị phải tổ chức kiểm điểm còn có: các xã Hồng Phong, Hòa Thắng, TT.Chợ Lầu (H.Bắc Bình); xã Phong Phú (H.Tuy Phong); các phường Mũi Né, Thiện Nghiệp (TP.Phan Thiết); xã Hàm Kiệm (H.Hàm Thuận Nam) và xã Hồng Liêm (H.Hàm Thuận Bắc).

Xử lý trách nhiệm giao đất dự án điện đè lên vùng dự trữ khoáng sản quốc gia- Ảnh 2.

Có 13 dự án nhà máy điện tại Bình Thuận được cấp phép xây dựng chồng lấn lên vùng dự trữ khoáng sản quốc gia

QUẾ HÀ

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu thu hồi diện tích đất cho thuê vượt mức quy định, tăng sai đến 15,79 ha của Công ty CP năng lượng Hồng Phong, Công ty CP điện gió Hồng Phong và các dự án khác mà Phụ lục 2 (Kết luận số 1027) đã nêu. Trên cơ sở điều chỉnh chủ trương đầu tư, yêu cầu điều chỉnh quyết định giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất. 

Theo tìm hiểu, kế hoạch phải hoàn thành trong tháng 5, nhưng đến nay chưa thực hiện xong.

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Võ Văn Hòa, Giám đốc Sở Công thương Bình Thuận cho biết đã thực hiện lại việc tổng hợp, Sở Nội vụ chủ trì công tác kiểm điểm, xử lý kỷ luật cán bộ vi phạm. Ông Hòa cho biết đã khắc phục cơ bản về vấn đề tài chính, thuế. Riêng việc khắc phục trong lĩnh vực đất đai, Sở TN-MT đang xử lý.

Xử lý trách nhiệm giao đất dự án điện đè lên vùng dự trữ khoáng sản quốc gia- Ảnh 3.

Nhà máy điện gió Phú Lạc giai đoạn 2, xây dựng trên vùng dự trữ khoáng sản quốc gia, thuộc H.Tuy Phong

QUẾ HÀ

Giao đất xây nhà máy "đè" lên vùng dự trữ khoáng sản quốc gia

Theo Kết luận số 1027, tại Bình Thuận có đến 13 dự án điện mặt trời, điện gió đè lên vùng dự trữ khoáng sản quốc gia, vi phạm quy định tại khoản 3, điều 3, Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 6.5.2014 của Thủ tướng Chính phủ, chỉ được giao đất trên vùng dự trữ khoáng sản khi có sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ.

Trong đó, 11 dự án (3 dự án điện gió và 8 điện mặt trời) đã được Bình Thuận giao đất để xây dựng nhà máy: nhà máy điện gió Phú Lạc (giai đoạn 2) của Công ty CP phong điện Bình Thuận; nhà máy điện gió Thái Hòa của Công ty CP năng lượng Pacific - Bình Thuận; nhà máy điện gió Hồng Phong 1 của công ty CP điện Hồng Phong 1 (dự án này cho thuê vượt diện tích cấp phép 0,75 ha)...

Nhiều nhà máy điện gió, điện mặt trời còn được thuê đất với thời gian 50 năm, trái với Thông tư 02 ngày 15.1.2019 của Bộ Công thương như: nhà máy điện gió Phú Lạc (giai đoạn 2), nhà máy điện mặt trời Hồng Phong 1B, Hồng Phong 5.2, nhà máy điện mặt trời Mũi Né, nhà máy điện mặt trời Hàm Kiệm, Hàm Kiệm 1...

Xử lý trách nhiệm giao đất dự án điện đè lên vùng dự trữ khoáng sản quốc gia- Ảnh 4.

Việc Bình Thuận cho thuê đất để đầu tư xây dựng các nhà máy điện thời hạn 50 năm được TTCP kết luận là vi phạm các quy định pháp luật hiện hành

QUẾ HÀ

Cũng theo TTCP, nhiều dự án chưa được cho thuê đất nhưng chủ đầu tư đã xây dựng nhà máy (có nhà máy thời điểm đoàn thanh tra đến làm việc, dù đã khánh thành, nhưng vẫn chưa được giao đất) như nhà máy điện gió Đại Phong, nhà máy điện gió Phong Điện 1 (giai đoạn 2), nhà máy điện gió Hòa Thắng 1.2; hoặc cho thuê đất vượt giấy phép (nhà máy điện mặt trời Hồng Phong 1A, được Sở TN-MT Bình Thuận cho thuê đất vượt 15,4 ha so với giấy phép).

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu các cơ quan rà soát, xử lý phần diện tích đất các dự án đảm bảo phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; xử lý diện tích đất được thuê 50 năm (điều chỉnh thời gian rút ngắn).

Đặc biệt, tham mưu UBND tỉnh xử lý diện tích 40,57 ha đất rừng (chưa chuyển đổi công năng) của nhà máy điện gió Hòa Thắng 1.2. Xử lý diện tích 14,75 ha đất cho thuê 50 năm của nhà máy điện gió Hồng Phong 1. Xử lý diện tích tăng sai 15,04 ha để xây dựng nhà máy điện mặt trời Hồng Phong 1A. Xử lý diện tích đất 56,32 ha chưa được cấp thẩm quyền cho thuê đất, bàn giao trên thực địa ở nhà máy điện mặt trời Phong Phú. Khắc phục việc cho thuê 55,47 ha đất chưa được Thủ tướng đồng ý cho phép xây dựng trên vùng dự trữ khoáng sản quốc gia ở nhà máy điện mặt trời Hồng Phong 5.2.

Tại Phụ lục 2, TTCP cho biết, đã chuyển toàn bộ hồ sơ các sai phạm tại Kết luận số 1027 (Phụ lục 2 chỉ nói sai phạm tại Bình Thuận) đến Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an. Sau đó, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã có văn bản yêu cầu UBND tỉnh Bình Thuận cung cấp toàn bộ hồ sơ các dự án nhà máy điện sai phạm mà kết luận của TTCP đã nêu để phục vụ điều tra.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.