Nhiều bạn đọc bất ngờ khi biết trên mạng xã hội xuất hiện dịch vụ tạt sơn đòi nợ, yêu cầu các ngành chức năng phải có biện pháp xử lý triệt để dịch vụ thực hiện trò bẩn này để người dân không còn bất an, trật tự xã hội được đảm bảo.
Như Thanh Niên đã thông tin, thủ đoạn tạt sơn, chất bẩn... của các đường dây cho vay nặng lãigây bức xúc dư luận thời gian qua, nay càng thêm phức tạp khi trên mạng xã hội xuất hiện tình trạng nhận dịch vụ thực hiện trò bẩn này.
Mới đây, Công an Q.1 (TP.HCM) triệt phá một nhóm tạt sơn nhà dân trên đường Hai Bà Trưng (P.Tân Định, Q.1). Đáng chú ý, các nghi can khai phi vụ tạt sơn được kết nối thông qua mạng xã hội Facebook.
Một cán bộ trực tiếp điều tra vụ việc (thuộc Đội cảnh sát hình sự Công an Q.1) cho biết qua nhóm “Nợ xấu SG” trên Facebook, Nguyễn Quang Khương (33 tuổi, quê Hà Nội, tạm trú Q.11), sử dụng tài khoản tên “Uyên Uyên” để thuê Trần Hoàng Quân (30 tuổi, ngụ Q.Gò Vấp), Vũ Thị Minh Nguyệt (33 tuổi, ngụ Q.Tân Bình, thành viên nhóm “Nợ xấu SG”) tạt sơn vào một căn nhà mặt tiền đường Hai Bà Trưng (P.Tân Định, Q.1) nhằm đòi nợ.
Khi hoàn thành phi vụ, Quân gửi hình ảnh qua mạng cho Khương kiểm chứng, nếu “Ok” sẽ chuyển khoản 700.000 đồng tiền công cho Quân và Nguyệt. Theo tài liệu của cơ quan công an, trong nhóm “Nợ xấu SG” có nhiều thành viên “hành nghề” tạt chất bẩn, khóa cửa ngoài...
Xử phạt quá nhẹ nên không răn đe được
Quá bức xúc trước tình trạng tạt sơn, chất bẩn vào nhà người dân, bạn đọc (BĐ) Van Dungvung viết: “Có lẽ một điều đơn giản mà ai cũng hiểu là do hình thức răn đe cho tội danh này còn quá nhẹ, chỉ phạt hành chính, cảnh cáo hay khắc phục hậu quả là xong... Thật ra hành vi này gây hoang mang, mất an ninh trật tự trong xã hội, đúng lý phải phạt tù từ hàng chục năm trở lên đối với người thuê và những ai tham gia thực hiện thì hiệu quả răn đe có tác dụng tức thì. Tiếc rằng pháp luật, kỷ cương phép nước thì có nhưng những người thực thi có nơi làm khá nghiêm, nhưng cũng có nơi cứ xìu xìu, ển ển nên tình trạng này không thuyên giảm mà ngày càng gia tăng một cách đáng sợ”.
Nhiều BĐ khác cũng đồng quan điểm như trên. BĐ ph***@gmail.com cho rằng: “Phạt không đủ sức răn đe, không có tác dụng. Phải tăng hình phạt lên gấp 10 lần nữa mới được”. Còn BĐ Tran Ngoc thì đề nghị: “Mấy người này phải phạt thật nặng và công khai khắc phục hậu quả chúng mới sợ”.
Nên coi là “khủng bố”
Nhiều BĐ cho rằng các ngành chức năng phải mạnh tay xử lý dịch vụ trò bẩn trên, không để chúng tràn lên mạng xã hội, gây bất an cho người dân. BĐ phuong nguyen đề xuất: “Nên phạt theo hành động chứ không nên quy ra giá trị thiệt hại để phạt. Chỉ cần có hành động hăm dọa, cố ý phá hoại làm hư hỏng tài sản người khác là phạt tù và bắt bồi thường”. Mạnh mẽ hơn, BĐ Phuc cho rằng: “Mấy vụ này thuộc diện khủng bố, phải xử thật nặng để răn đe”.
Trong khi đó, BĐ Hoàng tỏ ra khó hiểu trước “dịch vụ bẩn” này: “Di chuyển đoạn đường 60 km để "hành sự", chứng tỏ chiêu kiếm tiền bất hợp pháp này cũng không hề dễ dàng. Mà cũng chẳng hiểu sao, một việc làm vừa khó, vừa bất hợp pháp, thu nhập bèo... nhưng người ta vẫn làm?!”. BĐ TTNQ cũng đặt câu hỏi: “Tại sao những chủ nợ không tìm đến cửa tòa án lại tìm đến dịch vụ biết là phạm pháp? Làm phải làm từ gốc”.
Bình luận (0)