Xử nghiêm các trường hợp 'đầu độc' cây xanh

11/06/2022 06:05 GMT+7

Nhiều bạn đọc bức xúc, yêu cầu phải có biện pháp mạnh với các trường hợp xâm hại, “đầu độc” cây xanh . Bên cạnh đó, cần phải đảm bảo an toàn cho người dân, nhất là trong mùa mưa, không để cây xanh ngã đổ gây tai nạn.

Như Thanh Niên đã thông tin, chiều 9.6, tại buổi họp báo định kỳ, ông Vũ Văn Điệp, Giám đốc Trung tâm quản lý hạ tầng kỹ thuật (thuộc Sở Xây dựng TP.HCM), cho biết quản lý cây xanh còn nhiều vấn đề phải làm.

Đáng lo ngại nhất có thể kể đến như nhiều hộ dân có cây xanh trước cửa nhà quyết liệt đòi dời cây đi chỗ khác, thậm chí có cả trường hợp xâm hại, “đầu độc” cây xanh. “Ở những vị trí đó, khi trồng lại cũng khó vì người dân ngăn cản không cho trồng, hoặc trồng rồi cũng chết đi chết lại”, ông Điệp nói.

Cần tính toán hợp lý vị trí cây trồng

ngọc dương

Về rủi ro cây xanh ngã đổ, ông Điệp cho hay công tác quản lý không cho phép bất kỳ tuyến đường nào có cây xanh ngã đổ. Do vậy, cơ quan quản lý phải thường xuyên kiểm tra, xử lý trước những cây có nguy cơ ngã đổ để đảm bảo an toàn.

Dù vậy, mỗi năm vẫn có hàng chục vụ cây xanh ngã đổ trên địa bàn TP, nhiều vụ đè hư hỏng xe cộ, gây tai nạn cho người đi đường, hư hại tài sản nhà dân. Lý giải về việc này, ông Điệp so sánh cây xanh cũng là cá thể sống, có thể mang bệnh mà cơ quan quản lý không thể biết được, nhất là bộ rễ ở dưới đất.

Nhiều trường hợp khi cây xanh đổ xuống thì mới biết bộ rễ bị xâm hại, bị mục, bị các công trình hạ tầng khác xâm lấn, cạnh tranh môi trường sống. Nhiều cây đang tươi tốt nhưng khi mưa gió vẫn ngã đổ.

Dù gì cũng không thể chấp nhận việc “đầu độc” cây xanh

“Đọc bản tin Nhiều nhà mặt tiền ở TP.HCM tìm cách “đầu độc” cây xanh trên Thanh Niên mà tôi bức xúc quá. Sao lại có người nhẫn tâm “đầu độc” cây xanh chỉ vì lợi ích cá nhân của mình? Như vậy là vi phạm pháp luật. Đề nghị phải xử lý nghiêm khắc”, bạn đọc (BĐ) Tien Lam bức xúc cho biết.

Tôi ở đường Nguyễn Minh Hoàng. Trước nhà có 2 cây xanh lớn tán lá to rậm rạp, mùa mưa muỗi bay vào nhà nhiều kinh khủng, lại đang có dịch sốt xuất huyết mà cơ quan quản lý không cắt tỉa bớt.

anna Nguyen

Cũng cần xem lại cách trồng cây xanh, không thể cứng nhắc khoảng cách giữa các cây, dẫn đến cây chắn trước cửa nhà dân, và nên chọn loại cây phù hợp.

Lâm Hùng

Cùng quan điểm, BĐ Hung cho biết: “Cây xanh trồng bao nhiêu năm mới được như thế mà lại “đầu độc” nó vì cho rằng nó “chắn cửa” nhà mình. Nhiều người cho rằng cây xanh lâu năm cũng có tình cảm, cũng biết đau đấy! Theo tôi, phải phạt nặng để răn đe những kẻ “đầu độc” cây xanh”.

Trong khi đó, BĐ Thanh Thanh đưa ra một góc nhìn khác: “Hãy nghiêm túc xem lại vì sao cây xanh bị xâm hại, “đầu độc”? Nếu là nó chắn mất mặt tiền làm ăn của nhà người ta? Trường hợp này nếu chủ nhà đề nghị di dời, ngành chức năng có làm không? Nhân đây cũng xin góp ý thẳng thắn: khi trồng cây xanh, đề nghị tính toán hợp lý vị trí cây trồng cũng như loại cây trồng. Tôi thấy có nhà mặt tiền bị trồng cái cây to đùng ngay giữa trước nhà, thật khó hiểu! Trồng thế thì ai chịu được? Có rất nhiều cây xanh được trồng ở vị trí giữa hai căn nhà, tuy nhiên cũng có những cây lại lệch về một phía, khiến chủ nhà bức xúc”. BĐ TC cũng cho rằng: “Trồng nhiều cây xanh là tốt. Nhưng nên xem lại cách trồng sao cho phù hợp với thực trạng trước nhà dân cũng như lựa chọn loại cây sao cho phù hợp”.

Không để cây xanh ngã đổ gây tai nạn cho người đi đường

BĐ Van Le Hai bày tỏ: “Nói thật, trời mưa to là tôi không bao giờ ra đường. Quá nhiều rủi ro “từ trên trời rơi xuống”, ví dụ như cây xanh gãy cành rơi xuống, dây điện, dây cáp treo lòng thòng… Ra đường mà vậy thì ở nhà cho nó lành”.

Đồng ý kiến, BĐ Tin Ho Van đặt câu hỏi: “Tôi thấy có những trường hợp cây xanh ngã đổ hoặc dây điện đứt… gây tai nạn, khiến người đi đường phải nhập viện, nhưng chưa bao giờ thấy lãnh đạo nào đứng ra nhận trách nhiệm, xin lỗi, và bồi thường thỏa đáng cho người bị nạn. Có phải đó là lỗi của người đi đường?”.

Trước khuyến cáo của ông Vũ Văn Điệp, Giám đốc Trung tâm quản lý hạ tầng kỹ thuật (thuộc Sở Xây dựng TP.HCM), là “người dân khi mưa to gió lớn không nên tránh, trú dưới cây lớn để tránh rủi ro”, nhiều BĐ thông cảm nhưng yêu cầu ngành chức năng phải có trách nhiệm nhiều hơn.

“Khuyến cáo “người dân khi mưa to gió lớn không nên tránh, trú dưới cây lớn để tránh rủi ro” là đúng, nhưng chưa đủ. Điều quan trọng nhất là phải đảm bảo an toàn cho người đi đường hết mức có thể. Đó là phải thường xuyên kiểm tra cây xanh, chặt cành, mé nhánh… Và nếu chẳng may có tai nạn, thì nhanh chóng xin lỗi, bồi thường, chứ đừng đùn đẩy…”, BĐ HaiGau ý kiến.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.