Tối 21.10, ô tô hiệu BMW, BKS 51F-279.10, do Nguyễn Thị Nga lái xe điều khiển, khi đến nút giao ngã tư Hàng Xanh, Q.Bình Thạnh, TP.HCM với tốc độ cao đã tông thẳng vào nhiều xe máy và một xe taxi đang dừng đèn đỏ cùng chiều. Vụ va chạm liên hoàn làm 1 người chết, 7 người bị thương. Xác định của cơ quan công an cho thấy, nữ tài xế Nguyễn Thị Nga khai nhận đã uống bia, rượu tại một nhà hàng ở Q.1, trên đường về quá buồn ngủ, không làm chủ tốc độ, nên đã gây tai nạn. Qua kiểm tra, trong hơi thở bà Nga có nồng độ cồn lên đến 0,94 mg/lít khí thở. Hiện cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam bà Nga để điều tra xác minh vụ việc.
Cũng cần phải nhắc lại, theo quy định, người điều khiển ô tô tuyệt đối không được phép sử dụng rượu bia, với xe máy và mô tô, nồng độ cồn cho phép không được vượt quá 50 mg/100 ml máu, hoặc phải dưới 0,25 mg/lít khí thở. Vì vậy, người điều khiển ô tô dù vi phạm cồn ở mức độ nào cũng sẽ bị xử phạt hành chính và tước giấy phép lái xe trong một thời gian.
Vụ tai nạn liên hoàn tại TP.HCM là một trong nhiều vụ TNGT nghiêm trọng do tài xế lái xe sau khi uống rượu, bia. Theo số liệu thống kê, trung bình mỗi năm VN có khoảng 10.000 người chết và hàng chục nghìn người bị thương vì TNGT, trong đó 4.800 trường hợp liên quan rượu, bia.
Theo thống kê của Cục CSGT, tỷ lệ TNGT do vi phạm nồng độ cồn tại VN xấp xỉ 5%, trong khi nghiên cứu độc lập của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy, tỷ lệ này vào khoảng 36%. Đặc biệt, vào các dịp cao điểm lễ, tết, số vụ TNGT nhập viện có liên quan tới rượu, bia lên tới hơn 60%, phần lớn là các vụ rất nặng. Vi phạm quy định về nồng độ cồn khi lái xe đang là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới TNGT tại VN.
Nguyên nhân của tình trạng nêu trên xuất phát từ thói quen uống rượu, bia của người VN. Càng gần đến tết, ngày nghỉ lễ, cuối tuần, nỗi lo về TNGT do bia rượu càng gia tăng. Dù đã có nhiều bài học nhãn tiền, nhưng trong các cuộc vui, nhiều người vẫn tìm hàng trăm nghìn nguyên nhân để chuốc rượu, “ép” rượu.
Theo ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia, các nghiên cứu gần đây cho thấy, uống rượu bia trước khi tham gia giao thông, người điều khiển phương tiện dễ hưng phấn, chạy xe với tốc độ cao. Rượu bia là nguyên nhân trực tiếp làm giảm tốc độ phản ứng của lái xe từ 10 - 30%, làm giảm khả năng điều khiển tự chủ, phản xạ, dẫn đến gia tăng mức độ rủi ro và TNGT.
Tại một hội nghị ATGT gần đây, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Trương Hòa Bình đã yêu cầu tăng cường xử lý vi phạm về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện, tập trung vào xử lý vi phạm của đảng viên, cán bộ, công chức để nêu gương cho toàn xã hội. Đặc biệt, Phó thủ tướng cũng nêu gợi ý nghiên cứu xử lý vi phạm uống rượu, bia khi lái xe theo hướng một người vi phạm đến lần thứ 3 có thể xem xét khởi tố hình sự.
Trao đổi báo chí, theo ông Trần Hữu Minh, Phó chánh văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia, phần lớn các quốc gia phát triển xếp hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn khi lái xe là tội phạm và xử phạt theo án lệ. Quy định pháp luật cho phép xử phạt theo mức độ vi phạm và phạt lũy tiến nếu tái phạm, có quy trình xử phạt qua hệ thống tư pháp và thực thi nghiêm. Bởi vậy, các quyết định được đưa ra rất nhanh chóng và hiệu lực thực thi rất tốt, khi cá nhân vi phạm không tuân thủ thì công tác cưỡng chế thực thi cũng rất mạnh và hiệu quả. Chính những điều này tạo ra tác dụng răn đe, người dân sợ không dám vi phạm.
Bình luận (0)