Xử phạt có ngăn được chuyện du khách trốn lại tại nước ngoài không?

06/01/2019 13:06 GMT+7

Những năm qua, du khách Việt lợi dụng visa đi du lịch để bỏ trốn vẫn xảy ra, nhưng quy mô nhỏ. Việc 152 du khách trốn tại Đài Loan cuối tháng 12.2018 cho thấy cần có biện pháp mạnh hơn trong xử lý vi phạm này.

Công ty làm visa cho 152 khách bỏ trốn từng có khách bỏ trốn tại Nhật
Năm 2016, 59 du khách Việt bỏ trốn tại Hàn Quốc trong chuyến du lịch tới đảo Jeju gây xôn xao dư luận tưởng chừng là hồi chuông cảnh báo cơ quan quản lý giám sát chặt chẽ các công ty du lịch quốc tế và việc sàng lọc du khách của các công ty được tổ chức tốt hơn đề giảm bớt tình trạng này. 
Tuy nhiên việc 152 du khách trốn tại Đài Loan cuối tháng 12.2018 lại cho thấy cần có biện pháp mạnh mẽ và kiên quyết hơn nữa trong xử lý các vi phạm này. Vụ việc đã ảnh hưởng đến uy tín quốc gia, hoạt động đi du lịch của du khách chân chính và hơn 100 công ty du lịch Việt Nam bị ảnh hưởng.
Được biết cách đây vài năm Công ty TNHH thương mại và du lịch Kỳ nghỉ Quốc tế đã từng tổ chức đoàn 21 người đi du lịch Nhật Bản và khoảng 20 khách đã bỏ trốn tại Nhật.
Đến nay công ty dời qua 162/20 đường số 10, phường 9, quận Gò Vấp và tiếp tục làm visa cho 152 khách mà không ký hợp đồng và quản lý đoàn khách.
Theo thông báo của các Sở Du lịch Hà Nội và Sở Du lịch TP.HCM, các công ty tổ chức và làm visa cho 152 khách đi nói trên bị phạt vi phạm hành chính và tước giấy phép trong một thời gian ở mức kịch trần.
Cụ thể theo Thanh tra sở Du lịch Hà Nội, Công ty Goleden Travel là đơn vị tổ chức đưa 1 đoàn khách 23 người đi Đài Loan đã vi phạm nhiều quy định như không thực hiện đúng chế độ báo cáo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định; không thực hiện đúng chế độ lập, lưu trữ hồ sơ, tài liệu theo quy định; không có hợp đồng lữ hành bằng văn bản với khách du lịch hoặc đại diện của khách du lịch; sử dụng người không có thẻ hướng dẫn viên để hướng dẫn cho du khách; không quản lý khách du lịch theo hợp đồng, chương trình du lịch đã ký kết. Tổng mức phạt là 48,5 triệu đồng.
Còn phía Công ty TNHH thương mại du lịch Kỳ nghỉ quốc tế, đơn vị làm visa cho 152 khách đi Đài Loan, bị Thanh tra Sở Du lịch TPHCM xử phạt 33 triệu đồng do thay đổi địa chỉ hoạt động của công ty mà không khai báo trong vòng 15 ngày; không có hợp đồng bằng văn bản với du khách hoặc đại diện của du khách và vi phạm không dẫn khách theo hợp đồng, theo chương trình tour.
Ngoài các vi phạm thông thường, các vi phạm liên quan cụ thể đến hành vi đưa khách đi nước ngoài các công ty này bị phạt là: Không có hợp đồng lữ hành bằng văn bản với khách du lịch hoặc đại diện của khách du lịch (theo Nghị định 158/2013/NĐ-CP tại Điều 42 Khoản 2 Điểm b, phạt từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng); Không quản lý khách du lịch theo hợp đồng, chương trình du lịch đã ký kết (theo Nghị định 158/2013/NĐ-CP tại điều 42 khoản 6 điểm c, phạt từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng). Tổng mức phạt 2 hành vi này về lĩnh du lịch theo quy định pháp luật Việt Nam cao nhất là 30.000.000 đồng.
Như vậy căn cứ theo Nghị định 158 quy định, các hành vi vi phạm này không cụ thể trực tiếp là vi phạm về vấn đề xin thị thực cho khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài.
Mức phạt các công ty có đủ sức răn đe?
Theo ý kiến một cán bộ phụ trách quản lý xuất nhập cảnh, hành vi xin cấp thị thực không đúng mục đích xuất cảnh của đoàn khách là hành vi vi phạm đối với quy định của cơ quan lãnh sự nước ngoài và chịu sự xử lý của pháp luật phía Đài Loan. Chỉ khi nào có bằng chứng cụ thể các công ty du lịch có “giúp đỡ, chứa chấp, che giấu, tạo điều kiện cho người khác đi nước ngoài” thì sẽ phạt thêm tiền theo điều 17 Vi phạm các quy định về xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú và đi lại. Cụ thể là khoản 5 điểm a điều 17 Nghị định 167/2013/ NĐ-CP quy định: Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng.
Hoặc nghiêm trọng hơn nếu xác định có chứng cứ ở mức độ “Tổ chức, đưa dẫn hoặc môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh Việt Nam trái phép” thì sẽ “Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng “ theo khoản 6 điểm đ của điều 17.
Rõ ràng, giả dụ có cộng thêm các mức phạt tiền theo Nghị định 167/2013 kể trên nhiều nhất cũng thêm 40 triệu đồng và tổng mức phạt cao nhất cho mỗi công ty (chưa tính các hành vi vi phạm thay đổi địa chỉ, sử dụng hướng dẫn viên..) về đưa khách đi nước ngoài là 70.000.000 đồng và có thể tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế một thời gian.
Mức phạt tiền này nếu so với số tiền một số du khách khai báo ban đầu được xác định sơ bộ là từ 15 triệu đồng đến 52 triệu đồng (giá tour đi Đài Loan hiện chỉ khoảng tối đa 12 triệu đồng cho tour 4 ngày) cho thấy sự chênh lệch đáng kể về lợi nhuận nếu tính cả 152 khách nhân lên. Chưa kể nếu có trường hợp thu cao hơn nữa được phát hiện. Như vậy, các biện pháp chế tài liệu có đủ răn đe các công ty du lịch vì lợi ích bất chính mà bất chấp kinh doanh trái phép, kể cả tước giấy phép 12 tháng?
Trường hợp xấu nhất bị thu hồi giấy phép (tiền ký quỹ kinh doanh lữ hành quốc tế 500 triệu đồng vẫn được trả lại công ty) thì liệu có khả năng tiếp tục thành lập công ty khác và kinh doanh theo con đường trái phép là tạo điều kiện cho việc du khách đi trốn nữa hay không? Đến nay trong vụ việc này cũng cần làm rõ lý do tại sao 2 công ty lữ hành tại Hà Nội thu gom khách tổ chức đi lại nhờ một công ty ở TPHCM xin visa?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.