Nâng cấp toàn diện khả năng kết nối lẫn phần mềm điều khiển đang là nền tảng để hải quân Mỹ phát triển tên lửa có độ chính xác cao.
Theo tạp chí quốc phòng Jane’s Defence Weekly(JDW), cho đến cuối thập niên 1980 khi Chiến tranh lạnh vẫn đang diễn ra, Mỹ chỉ chú trọng vào việc đẩy mạnh tầm xa và sức công phá của tên lửa chống tàu chiến. Tuy nhiên, khi Chiến tranh lạnh kết thúc vào năm 1991, nước này lại dần chuyển hướng vào khả năng tấn công tầm ngắn nhưng đa dạng hóa mục tiêu và ưu tiên độ chính xác cao. Từ giai đoạn này, Lầu Năm Góc bắt đầu đẩy mạnh chương trình tên lửa SLAM, phát triển các phiên bản hỏa tiễn đối hạm được khai hỏa từ chiến đấu cơ, đặc biệt là loại F/A-18 Hornet.
Thế hệ tối tân
Hiểu đơn giản, tên lửa SLAM là những loại hỏa tiễn có độ chính xác cao được tích hợp trên các loại chiến đấu cơ.
|
Trong đó, nền tảng để tên lửa SLAM đạt độ chính xác cao là một mạng lưới thông tin, định vị cập nhật liên tục theo thời gian thực kết hợp cùng hệ thống phần mềm linh hoạt, thông minh. Đến nay, chương trình trên chuyển sang một bước ngoặt mới với tên gọi SLAM-ER có tính chính xác và hiệu quả chiến đấu cao hơn đáng kể.
Sau khi ra khỏi bệ phóng, loại tên lửa này sẽ được dẫn đường đến mục tiêu bằng hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu (GPS). Đồng thời, tên lửa này cũng là một cơ sở thu thập thông tin đối tượng để kết hợp cùng trung tâm điều khiển trên chiến đấu cơ và hệ thống GPS. Khi đến gần đối tượng mục tiêu, hỏa tiễn SLAM-ER mới kích hoạt các hệ thống cảm biến để nhận diện mục tiêu. Tên lửa này sẽ chuyển các dữ liệu thời gian thực tại hiện trường để đối chiếu thông tin về mục tiêu. Nhờ vào ưu điểm này, loại tên lửa SLAM-ER có thể tấn công chính xác đối tượng mục tiêu giữa nhiều đối tượng khác. Chẳng hạn như tấn công chính xác một chiến hạm bất kỳ giữa một bến tàu đông đúc. Không những thế, khi ở gần mục tiêu, tên lửa SLAM-ER còn nối kết thông tin cùng trung tâm chỉ huy để chia sẻ mục tiêu tấn công với các phương tiện khác như UAV, chiến đấu cơ, tàu chiến, tên lửa khác. Thậm chí, trung tâm điều khiển cũng có thể đổi lệnh tấn công. Ngoài ra, loại tên lửa này cũng có thể đánh phá những mục tiêu khác trên đất liền ở khu vực cận bờ.
Ưu điểm nổi bật thứ hai của loại tên lửa SLAM-ER là được trang bị dành cho chiến đấu cơ. Dù chỉ đạt tốc độ cận âm nhưng hỏa tiễn này có tầm bắn lên đến 250 km, vượt xa nhiều loại tên lửa đối hải tương tự dành cho chiến đấu cơ. Đồng thời, với tầm bắn như thế, chiến đấu cơ sẽ nằm ngoài khu vực tấn công của hầu hết những hệ thống phòng không phổ biến trên các tàu chiến. Mặt khác, SLAM-ER được sử dụng chủ yếu trên chiến đấu cơ F/A-18 Hornet. Đây là loại máy bay chiến đấu chủ lực của các tàu sân bay Mỹ. Nhờ đó, hàng không mẫu hạm Mỹ càng tăng cường sức chiến đấu, đặc biệt trong những phi vụ tập kích theo kiểu “phẫu thuật” chọn lọc mục tiêu.
Chương trình LRASM
Cuối tháng 10, tạp chí JDW đưa tin Cơ quan Nghiên cứu các dự án quốc phòng tiên tiến Mỹ (DARPA) đang gấp rút hoàn thành thế hệ hỏa tiễn đối hải mới thuộc chương trình Tên lửa chống tàu chiến tầm xa (Long Range Anti Ship Missile - LRASM). Tên lửa LRASM sẽ hội tụ những công nghệ mới nhất về hỏa tiễn đối hạm mà Lầu Năm Góc đang sở hữu.
|
Khởi xướng từ năm 2009, Lầu Năm Góc dự kiến sẽ triển khai tên lửa thuộc chương trình này vào năm 2015. So với các loại tên lửa đối hạm hiện tại, LRASM được nâng cấp đáng kể khả năng tự nhận diện mục tiêu để tấn công chứ không hoạt động cứng nhắc dựa trên dữ liệu ban đầu. Đồng thời, loại tên lửa này cũng liên tục trao đổi thông tin đối tượng với trung tâm chỉ huy để hiệu chỉnh cho phù hợp. Ban đầu, DARPA dự định phát triển hai dự án thuộc chương trình trên là LRASM-A và LRASM-B. Trong đó, LRASM-A được phát triển từ dòng tên lửa hành trình AGM-158B tốc độ cận âm và có tầm bắn xấp xỉ 900 km. Ngoài ra, hỏa tiễn AGM-158B có cơ chế xuyên nổ nên phù hợp để tấn công cả những cơ sở hạ tầng kiên cố. Vì thế, LRASM-A không chỉ được dùng để đánh hạ tàu chiến mà còn có thể tập kích nhằm vào các kho bãi, hầm ngầm ven bờ. Bên cạnh đó, dự án LRASM-B hướng đến việc phát triển tên lửa siêu thanh tương đương loại Brahmos do liên doanh Nga - Ấn hợp tác. Tuy nhiên, dự án LRASM-B bị đình chỉ từ đầu năm nay, DARPA chỉ tập trung vào LRASM-A và phát triển 2 phiên bản khai hỏa từ tàu chiến nổi và máy bay. Trong đó, phiên bản dành cho tàu chiến nổi được thiết kế tương thích với các hệ thống phóng tên lửa thẳng đứng Mk-41 vốn rất phổ biến trên các chiến hạm Mỹ.
Vũ khí thời thượng Đầu năm nay, Bloombergtrích nhận định từ chuyên gia Ian Storey, thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, cho rằng: “Tên lửa đối hạm không giúp cân bằng cán cân quân sự trong khu vực nhưng cải thiện năng lực ứng phó trước những thế lực hải quân lớn mạnh”. Dường như, đây là lý do khiến các nước Đông Nam Á bổ sung tên lửa chống tàu chiến. Theo Bloombergkhi đó, một nước Đông Nam Á vừa mua các tên lửa đối hạm có tầm bắn 250 km do Nga cung cấp. Trực thăng chiến đấu, tàu chiến và các bệ phóng từ đất liền đều có thể khai hỏa loại tên lửa này. Ngoài ra, Nga cũng bán tên lửa đối hạm Yakhont trị giá 1,2 triệu USD cho Indonesia và Jakarta đã bắn thử thành công loại hỏa tiễn này. Gần đây, Philippines tỏ ý sẽ mua các tên lửa đối hạm Harpoon để trang bị cho các tàu chiến của nước này. Ngoài ra, thời gian qua, liên doanh Nga - Ấn cũng ra sức phát triển loại tên lửa đối hạm nhanh nhất thế giới là Brahmos cho phép phóng đi từ nhiều loại phương tiện khác nhau. Theo báo The Hindustan Times, liên doanh trên đã phát triển thành công tên lửa siêu thanh Brahmos phiên bản tấn công tàu sân bay. Tương tự, vào cuối năm ngoái, tờ The Taipei Times dẫn lời giới chức Lực lượng phòng vệ Đài Loan thông báo vừa thử nghiệm thành công tên lửa Hùng Phong 3 có tầm bắn 300 km, đủ khả năng tấn công phá hủy tàu sân bay. Trong khi đó, Trung Quốc lại thường xuyên úp mở về loại tên lửa đối hạm DF-21D có tầm bắn 3.000 km. |
Hoàng Đình
>> Philipines gắn tên lửa đối hạm cho tàu chiến
>> Sôi động tên lửa đối hạm
>> Xe tên lửa" siêu thanh
>> Không quân Mỹ nghiên cứu tên lửa siêu thanh
>> Tên lửa siêu thanh
>> Nga giao tên lửa siêu thanh cho Syria
Bình luận (0)