Thầy bói Nghêu - Quốc Khánh lật bàn tay chú Ốc - Xuân Bắc lên trong phiên bản Nghêu Sò Ốc Hến mới: “Thôi đừng làm nghệ sĩ nữa…”. Nhưng sân khấu thiếu nhi đã “trói” Xuân Bắc hoàn toàn rồi.
Cậu bé nghịch ngợm Xuân Bắc co đầu gối rồi miết miết bàn chân xuống sàn: “Mẹ (kéo dài giọng), sao mẹ lại mắng con”. Đáp lại bà mẹ cuống quýt, mẹ xin, mẹ xin, mẹ không mắng con nữa. Tiếng trẻ con cười bùng lên trong rạp. Xuân Bắc là thế, kể cả đóng vai cậu bé hư, đi đến đâu, các cháu xúm vào đến đấy. Sướng ngây dại.
“Có lần Xuân Bắc đi ăn kem, thấy một cháu nhìn mình”, nghệ sĩ nhớ lại. “Xuân Bắc bảo cháu, đố cháu biết chú sẽ cộc nhẹ vào đầu hay búng nhẹ vào tai cháu. Cháu bé nghĩ mãi không trả lời được. Xuân Bắc bảo, chú sẽ bẹo vào mũi. Nói rồi tôi di ngón tay nhẹ vào mũi cháu. Cháu cười khanh khách vì bất ngờ”.
|
Bất ngờ là từ có thể dùng để miêu tả những cuộc giao lưu, những đêm diễn, những chương trình của Xuân Bắc dành cho trẻ em. Sự bất ngờ đến từ miệng cười chúm chúm hóm hóm. Sự bất ngờ đến từ từng cử động ngúc ngoắc đầu, nháy nháy mắt. Xa rồi hình ảnh rụt rè trong phim truyền hình đầu tiên tham gia “12A và 4H”, giờ đây Xuân Bắc là một biểu tượng nghệ sĩ của thiếu nhi. Anh nhận vị trí đó một cách hồn nhiên, tự nhiên.
Húc đầu vào đá “sân khấu thiếu nhi”
Cũng như nhiều nghệ sĩ sân khấu bắc hiện nay, Xuân Bắc không phải là người may mắn - khi khán giả miền Bắc đã gần như mất hẳn thói quen đến rạp. Sân khấu khủng hoảng kịch bản đến mức những kịch bản cũ, rất cũ cũng được tái sử dụng và thường thì đạo diễn phải mất nhiều công để “gia cố” cho có thêm phong vị thời đại. Chưa kể, khi lớp đạo diễn già đã không còn nghĩ ra miếng trò mới thì những đạo diễn trẻ nghề già tuổi đời mới bắt đầu những vở đầu tiên. Nghĩa là, khủng hoảng đã gần như toàn diện. Nghệ sĩ không có kịch bản để thả sức, cũng chẳng có đạo diễn để nâng cánh đúng nghĩa.
Trên cái nền đó, Xuân Bắc dường như bị chia làm hai nửa. Một của những vai diễn tại nhà hát kịch. Những vở diễn đó, Bắc diễn sạch nước cản, đôi chút lóe sáng, cũng có thể chạm huân chương. Tuy nhiên, những vai diễn đó, khán giả nào ai có nhớ vì vở quá ít người xem. Phần còn lại, Bắc bươn chải và sáng bừng trong những vở kịch thời lượng ngắn thôi - dành cho thiếu nhi. Ở đó, duyên sân khấu của anh có đất dụng võ.
“Tôi luôn dành thời gian đi hóng chuyện trẻ con”, Xuân Bắc bật mí. “Bây giờ nhà có con nhỏ nên đỡ được thời gian đi hóng chuyện bên ngoài. Cứ đến tết, Bắc lại nhét khoảng 20-30 cái phong bì vào túi gặp trẻ con đi ra ngoài đường là lì xì, không cần biết đó là con nhà ai, như thế nào”.
Cũng vì lòng yêu trẻ vô điều kiện nên với sân khấu thiếu nhi, Xuân Bắc cố tình “húc” vào cửa rắn. Thay vì kê cao gối ngủ, chờ ai mời thì đi diễn (Xuân Bắc thừa sức được mời kín đặc lịch), thì nghệ sĩ lại tự làm show của mình. Mà làm show sân khấu thiếu nhi giờ kẹt lắm - khi cha mẹ hầu như chỉ mua vé cho con đi xem vào tết thiếu nhi. Thậm chí, không hẳn là cha mẹ mua. Nói chính xác, Công đoàn các cơ quan đã làm việc đó.
Xuân Bắc - Tự Long cùng làm show bao giờ cũng nắn nót. Quần áo mới. Đạo cụ mới. Năm nay, vở Bí mật chuyện kể, trẻ em hét lên mỗi khi một nhân vật ma, một đạo cụ hoa quả nổi giận tiến ra sân khấu. Con ma đầu trần. Con ma đội xô. Con ma nhảy sào. Con ma đười ươi tuyết. Hoa hướng dương. Súng bắn buồn ngủ. Súng ba nòng... Tất cả những nhân vật trong trò chơi Zombies nổi tiếng theo Bắc lên sân khấu. Thay vì chỉ làm sơ sịa, những đạo cụ đó làm kỹ vô cùng, để rồi sau đó có thể không được dùng thêm mùa nào. Sang năm, đã là vở mới rồi.
Chính vì thế, vở thiếu nhi của Xuân Bắc - Tự Long đi hội diễn sân khấu kịch chuyên nghiệp toàn quốc mới nhất ở Huế cũng không chịu kém cạnh các nhà hát. Cũng đông nghịt. Cũng huy chương. Tự Long được huy chương vàng trong vai diễn quái vật. Xuân Bắc được đạo diễn trẻ xuất sắc, kèm thêm huy chương vàng trong vai diễn tổ trưởng. “Đấy cũng là một sự khích lệ. Cũng thấy các anh các chị, các bậc tiền bối đi trước cũng bắt đầu quan tâm đến mảng thiếu nhi”, Xuân Bắc khiêm tốn. Nhưng huy chương đó không chỉ trao cho tài năng, mà còn trao cho cặp đôi Bắc - Long vì lửa nghề với sân khấu thiếu nhi. Dưới cái nhìn kinh tế, các anh chỉ biết “buôn tài” mà “không dài vốn” vì toàn phải tự mình đầu tư vở diễn của chính mình, hoàn toàn không có hỗ trợ của nhà nước. Các chương trình này đều do Xuân Bắc - Tự Long và Công ty biểu diễn Đông Đô tự lo từ đầu đến cuối.
“Diễn viên trẻ có nhiều bạn khá lắm, nhưng các bạn chưa biết yêu nghề - nhiều người lớn tuổi vẫn nói vậy”, Xuân Bắc tâm sự. “Có một câu không đúng với ngày xưa, nhưng bây giờ rất là đúng: tôi yêu nghề nhưng với điều kiện nghề phải yêu tôi”.
Nhưng vẫn còn may, với sân khấu thiếu nhi, Xuân Bắc tỏa lửa đến mức các diễn viên lứa sau có điều kiện gần là cháy theo anh. “Mình thấy chưa lúc nào thấy các em mất hoài bão. Bằng chứng những năm gần đây tôi tập báo mấy giờ là các em đến đúng mấy giờ. Thậm chí 11 đêm, các em vẫn tập hăng hái phấn khởi… mua đồ đến ăn uống vui vẻ không kêu ca, phàn nàn”.
“Quan điểm của Xuân Bắc đã đến cũng làm việc là đều vui vẻ. Ai mệt cứ nghỉ. Ai không làm được cũng cho nghỉ. Nhưng hầu như chưa có lời đề nghị em sẽ nghỉ vì mệt”.
Nghỉ làm sao được. Trong lớp diễn Ngao Sò Ốc Hến mới, Ốc - Xuân Bắc nghèo khó đã được rủ đi ăn trộm, chứ không dân văn nghệ nghèo lắm. Thì Ốc Xuân Bắc dõng dạc nói - không. Vì sân khấu thiếu nhi đã hút Bắc đến thế, trẻ con cũng quyến luyến chú Xuân Bắc đến vậy. Con đường sân khấu thiếu nhi này, Xuân Bắc cứ đi mãi đi mãi với các vai diễn và lớp dạy diễn xuất cho trẻ thôi.
Chuyên mục Sáng tạo vì khát vọng Việt giới thiệu chân dung những người bạn của Trung Nguyên, bất kể tuổi tác, thành phần, trong hay ngoài nước... Họ là những con người đang ngày đêm miệt mài sáng tạo trong các lĩnh vực chuyên môn, đóng góp trí não, tâm sức, truyền đi ngọn lửa khát vọng, tạo cảm hứng cho thanh niên VN, khơi dậy khát khao đua tranh với thế giới để cùng sáng tạo tương lai một VN hùng mạnh và ảnh hưởng. |
Trinh Nguyễn
>> Nguyễn Trinh Thi: Độc lập để sáng tạo
>> Trương Gia Bình: Khát vọng công nghệ
>> Vũ Duy Hải: Sáng tạo vì người bệnh
Bình luận (0)