Xuân của người ở lại Sài Gòn

08/01/2017 19:11 GMT+7

Xuân đang về, mọi người tất tả sửa sang, mua sắm để đón tết, thì nhiều công nhân đang vùi mình vào nhà xưởng, xí nghiệp, thức thâu đêm tăng ca.

Nhiều công nhân (CN) không về quê đón tết cùng gia đình, mà sẽ bám trụ tại TP.HCM để dành tiền gửi về gia đình, cho các em thơ có áo mới xúng xính vui xuân. Với họ, tết là để mưu sinh.
Mình thiệt thòi chút cũng không sao !
Đến những dãy nhà cao tầng thuộc khu lưu trú CN KCX Tân Thuận (Q.7, TP.HCM) vào chiều cuối tuần cận tết, thi thoảng chỉ thấy vài CN qua lại, bởi đây là thời điểm họ chạy đua với công việc. 5 giờ chiều, những nét mặt CN mệt mỏi hiện rõ trong cảnh chen chúc lúc tan ca. Đi bộ về từ công ty (ở đường số 7, KCX Tân Thuận) đến khu lưu trú, chị Dương Thùy Trang (26 tuổi, quê Bạc Liêu) chạnh lòng khi chúng tôi hỏi chuyện về tết.
VIDEO: Nghề trồng hoa Tết ở Sài Gòn
Chị làm CN đã 7 năm, suốt quãng thời gian ấy, bạn bè cũng như những tình cảm riêng tư ở cái tuổi cặp kê, Trang dường như khép kín. Trang trải lòng: “Tuổi này nếu ở quê bạn bè ai cũng lập gia đình, nhưng với tôi cũng khó. Làm CN, em út và ba mẹ ở quê khổ lắm, đợi khi trả được phần nào chữ hiếu, lo các em tạm ổn mới tính đến chuyện chồng con”. “Tôi sợ ai hỏi tết này có về không?”, Trang nói.
Chị Thùy Tiên dọn dẹp lại đồ đạc chuẩn bị đón tết Ảnh: Thảo Thương
Lên TP đã lâu, chỉ có cái tết đầu tiên là chị về vì năm đầu chưa quen. Còn nhớ năm 2009, về quê ăn tết, nhà chị không có gì ngoài mấy ký thịt heo, một ít hoa quả và cặp bánh chưng cúng ông bà. Sáng mùng 1, hai đứa em chị Trang “diện đồ tết” là bộ quần tây áo trắng như ngày đến lớp.
“Nhìn các em thấy thương lắm, nên tôi hứa trong lòng tết phải ở lại, để ba mẹ và các em được vui, mình thiệt thòi chút cũng không sao”, Trang chia sẻ và rồi ươn ướt đôi mi, kể về cái tết tha phương đầu tiên: “Mọi người kéo vali ra về, náo nhiệt cả dãy nhà, tôi nằm trong phòng khóc, lúc đó muốn dậy xếp quần áo ra về, nhưng nghĩ về những đứa em, về sự thiếu túng của gia đình nên kìm nén, ở lại”.
Tết mà, xa nhà ai chẳng buồn chẳng nhớ nhưng ở đây riết mọi người quen. Ai cũng vì hoàn cảnh mới tha phương, nên động viên nhau cố gắng làm việc, để những cái tết sau này trọn vẹn hơn
Chị Lê Thị Thùy Tiên
Dọc dãy hành lang lầu 3 khu C, ở khu lưu trú, phòng nào cũng đóng chặt cửa, yên ắng. Theo chân chị Lê Thị Thùy Tiên (27 tuổi, quê Tiền Giang) lên phòng ở dãy F, chúng tôi nhớ về những năm tháng sinh viên sống ở ký túc xá với những chiếc giường tầng, những tấm màn đủ màu sắc để phân chia không gian diện tích…
Đây là căn phòng Thùy Tiên tá túc suốt 4 năm qua. Mỗi căn phòng ở đây có diện tích tầm 20 m2, chia làm 4 giường tầng dành cho 8 CN nữ. Đồ đạc chẳng có gì ngoài nồi cơm điện và ấm đun nước…
Sau khi học xong 12, đàn em còn nheo nhóc thì ba ngã bệnh, xin mãi Thùy Tiên mới được mẹ cho bước vào giảng đường đại học và gia đình phải bán đi hai mẫu ruộng ở quê. Vô đại học là tháng ngày thiếu thốn mà chính Tiên không thể nào quên.
Vậy mà đến khi ra trường cũng chẳng khác là mấy. Không xin được việc đúng với nghề, chị đành đi làm CN. Ruộng vườn bán, ba thì bạo bệnh, các em ăn học, mẹ thì đi giúp việc nhà nên đôi vai Tiên luôn nặng trĩu, phải mưu sinh tìm cách phụ giúp gia đình. Ngoài giờ làm CN, Tiên còn bán hàng trên Facebook, tăng ca và quần quật lao động cả ngày. “Tết này em không dám về, để tiền đi lại mua quà cho gia đình và các em. Giờ mình là trụ cột, phải lo “cày”. Nhiều lúc cũng mỏi mệt nhưng nghĩ về gia đình nên phải cố gắng vươn lên. Tết ở lại đi làm thêm. Tết là mưu sinh”.

tin liên quan

Tết này có về quê không?
Đó là những câu hỏi từ quê nhà rộ lên trong những ngày cuối năm làm day dứt lòng người xa xứ không có điều kiện về quê ăn Tết.
Vợ chồng anh Thân Văn Tập (29 tuổi, quê Bắc Giang) ở khu lưu trú văn hóa số 40 (đường Huỳnh Tấn Phát, Q.7). Xa quê vào miền Nam đã gần 10 năm, vợ làm CN may mặc, chồng làm CN lắp ráp linh kiện điện tử. Lập nghiệp nơi xứ người, có con nhỏ ăn học nên chật vật là điều không tránh khỏi, khiến mấy cái tết đã qua anh chị chưa về quê. “Cuối năm, thu nhập cả hai vợ chồng chẳng được là bao, mà đã về quê nội thì phải về quê ngoại. Chi phí cho chuyến về quê hai bên ít nhất cũng phải mất 10 triệu đồng. Vợ chồng ở lại phòng trọ ăn tết, dành tiền, quà gọi là tấm lòng để ba mẹ hai bên có thêm bánh, mứt đón xuân”, anh Tập chia sẻ.
Chị Trang tất bật nấu cơm chiều để đi làm tăng ca Ảnh: Thảo Thương
“Tết này chưa về thì để dành tết sau”
Tha phương, ai cũng khắc khoải nhớ nhung cái tết ở quê nhà, bên mâm cỗ gia tiên, bên ông bà, cha mẹ. Họ phải ở lại miền Nam thêm mùa xuân nữa vì cuộc sống mưu sinh, nhưng luôn có suy nghĩ, có cái nhìn lạc quan để tạo động lực cho chính mình.
“Người ở lại tuy buồn nhưng cũng phải đón tết chớ. Tầm 25 tết trở đi thì các dãy trọ ở đây cũng được dọn dẹp sạch sẽ, trang hoàng lại cho có không khí xuân. Các CN cũng mua ít bánh, mứt, sắm cái bình bông, cặp bánh chưng... thế mới là tết, dù là tết xa quê", chị Hồ Bích Thu (27 tuổi, quê Nghệ An) nói. Tết này nữa là cái tết thứ 3 mà chị không về quê. Những ngày này chị trông chờ tiền lương, thưởng cuối năm để tính toán chi tiêu.
“Mình không về, có đồng lương ngoài để dành thì mua ít bánh, quần áo cho mấy em, tranh thủ đồng hương nào về quê thì gửi cho họ mang về. Cuối năm cũng bận tăng ca cho xong hàng nên lúc rảnh mấy chị em CN trong phòng rủ nhau đi chợ đêm, mua cho mình bộ đồ mới. Mấy năm trước đêm 27, 28 tết các chị em CN trong phòng rủ nhau đi phố, vừa xem người náo nhiệt, vừa hưởng không khí mùa xuân, xua tan một năm làm việc vất vả. Vui nhất là đêm 30 tết, mọi người đón giao thừa, dãy trọ CN chúng tôi cũng làm tiệc tất niên đón giao thừa. Cũng bánh chưng, củ kiệu... ăn uống, trò chuyện vui vẻ lắm. Nhờ vậy mới không có cảnh khóc thầm đêm 30 đó”, Thu cười.
Nơi ở của công nhân trong khu lưu trú Ảnh: Thảo Thương
“Tết mà, xa nhà ai chẳng buồn chẳng nhớ nhưng ở đây riết mọi người quen. Ai cũng vì hoàn cảnh mới tha phương, nên động viên nhau cố gắng làm việc, để những cái tết sau này trọn vẹn hơn. Tết này chưa về thì mình để dành tết sau. Ở đây, tết các CN cũng tranh thủ ra chợ sắm ít cái bánh chưng cùng nhau sum họp, để phần nào đỡ nhớ quê nhà", Thùy Tiên chia sẻ. Cả phòng của Thùy Tiên năm nay cũng không ai về quê đón tết, mọi người đều ở lại làm thêm. Thêm một cái tết nữa chị em CN trong phòng lại sum vầy bên nhau nơi đất khách quê người. "Cứ canh đúng giao thừa là chị em CN ở đây gọi điện thoại về nhà cho ba mẹ vui, tụi tôi ở đây cũng vui lây", Tiên nói.
Hàng nghìn CN ở đây đều từng trải qua những cái tết xa nhà. Với họ, tết xa nhà nhưng cũng đầm ấm bởi những san sẻ cùng nhau giữa các CN.
Hưởng ứng chương trình “Tấm vé nghĩa tình” tặng vé cho CN lao động về quê đón Tết Đinh Dậu do Liên đoàn Lao động TP.HCM tổ chức vào ngày 10.1, có 64 doanh nghiệp phối hợp với công đoàn hỗ trợ 1.993 vé xe với tổng kinh phí hơn 1,2 tỉ đồng. Bên cạnh đó, có 53 doanh nghiệp cũng tổ chức hỗ trợ xe, tiền vé xe đưa gần 4.000 CN về quê với kinh phí gần 3 tỉ đồng. Gần 200 doanh nghiệp sẽ phối hợp với công đoàn cơ sở tổ chức chương trình “Tết sum vầy” cho hơn 2.000 CN với các hoạt động chăm lo thiết thực.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.