Xuất khẩu khởi sắc, khối FDI 'bỏ túi' gần 1 tỉ USD mỗi ngày

23/02/2024 11:52 GMT+7

Trong nửa cuối tháng 1, tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 13,83 tỉ USD (tương ứng 0,86 tỉ USD/ngày), tăng 25,7% so với nửa đầu tháng 1.

Phân tích tình hình xuất, nhập khẩu mà Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) vừa công bố cho thấy, tổng trị giá xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 2 tháng 1 (từ ngày 16 - 31.1) đạt 35,33 tỉ USD, tăng 18,6% (tương ứng tăng 5,54 tỉ USD) so với kết quả thực hiện trong nửa đầu tháng 1 (gọi tắt là kỳ trước).

Kết quả đạt được trong kỳ 2 tháng 1 đưa tổng trị giá xuất, nhập khẩu của cả nước trong tháng 1 đạt 65,43 tỉ USD, tăng 40,3% (tương ứng tăng 18,79 tỉ USD) so với tháng 1.2023.

Xuất khẩu khởi sắc, khối FDI 'bỏ túi' gần 1 tỉ USD mỗi ngày- Ảnh 1.

Trị giá xuất khẩu một số nhóm hàng lớn kỳ 2 tháng 1 so với kỳ 1 tháng 1

TỔNG CỤC HẢI QUAN

Tính riêng xuất khẩu, tổng trị giá hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam trong kỳ 2 tháng 1 đạt 19,3 tỉ USD, tăng 27,9% (tương ứng tăng 4,22 tỉ USD về số tuyệt đối) so với kỳ trước.

Trị giá xuất khẩu kỳ 2 tháng 1 tăng so với kỳ trước ở các nhóm hàng sau: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 842 triệu USD, tương ứng tăng 37,5%; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng tăng 735 triệu USD, tương ứng tăng 45%; hàng dệt may tăng 548 triệu USD, tương ứng tăng 42,5%; giày dép các loại tăng 322 triệu USD, tương ứng tăng 39,1%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 200 triệu USD, tương ứng tăng 31,7%...

Như vậy, trong tháng 1, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt 34,53 tỉ USD, tăng 46%, tương ứng tăng 10,89 tỉ USD so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, trị giá xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp FDI trong kỳ 2 tháng 1, theo thống kê của Tổng cục Hải quan, đạt 13,83 tỉ USD (tương ứng 0,86 tỉ USD/ngày), tăng 25,7% so với kỳ trước.

Qua đó, nâng tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa trong tháng 1 của doanh nghiệp FDI lên 24,87 tỉ USD, tăng 38,6% (tương ứng tăng 6,92 tỉ USD) so với cùng kỳ năm trước, chiếm 72% tổng trị giá xuất khẩu của cả nước.

"Cú hích" từ xuất khẩu điện thoại và linh kiện

Cũng trong tháng 1, xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm gần 85% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, ước đạt 28,52 tỉ USD, tăng 7,4% so với tháng trước.

Đà tăng trưởng này được Bộ Công thương nhìn nhận là có sự đóng góp lớn của mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện (kim ngạch xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện trong tháng đầu tiên của năm nay ước đạt 5,8 tỉ USD, tăng 56,3% so với tháng trước do Samsung mới cho ra mắt dòng sản phẩm mới Samsung Galaxy S24 vào giữa tháng 1).

Xuất khẩu khởi sắc, khối FDI 'bỏ túi' gần 1 tỉ USD mỗi ngày- Ảnh 2.

Đà tăng trưởng xuất khẩu trong tháng đầu năm được nhìn nhận là có sự đóng góp lớn của mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện

SSVN

Cạnh đó, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực thuộc nhóm công nghiệp chế biến đạt mức tăng trưởng cao như: hàng dệt may tăng 28,6%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 74,6%; giày dép các loại tăng 35%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 57,4%...

Đánh giá về "bức tranh" xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam dịp đầu năm, đặc biệt là trong tháng 1, ông Michael Kokalari, Giám đốc Phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và nghiên cứu thị trường (Công ty cổ phần Quản lý Quỹ VinaCapital, Tập đoàn VinaCapital), cho rằng sự tăng trưởng mạnh của xuất khẩu trong tháng 1 là do mức tăng gần 60% so với cùng kỳ trong mảng xuất khẩu máy tính và sản phẩm điện tử.

Doanh thu ngành máy tính cá nhân (PC) toàn cầu đã giảm 30% so với cùng kỳ vào đầu năm 2023, nhưng tăng trưởng trở lại vào cuối năm ngoái, một phần do người dùng nâng cấp máy cấu hình cao hơn để xử lý AI (trí tuệ nhân tạo).

Doanh thu điện thoại thông minh toàn cầu cũng tăng trưởng trở lại vào cuối năm 2023. Xuất khẩu điện thoại thông minh của Việt Nam tăng 16% so với cùng kỳ trong tháng 1 nhờ sự kiện mở bán mẫu điện thoại Samsung S24 mới trong tháng.

Theo ông Michael Kokalari, các doanh nghiệp Mỹ đã đặt hàng quá nhiều các sản phẩm "Made in Vietnam" trong thời điểm gián đoạn chuỗi cung ứng do Covid-19 và phải cắt giảm đơn đặt hàng cho các sản phẩm này năm ngoái để giảm lượng hàng tồn.

Tuy nhiên, sau đợt giảm hàng tồn kho nhanh nhất trong hơn 10 năm, xu hướng đó sắp kết thúc. Vì vậy, các đơn đặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã tăng trở lại trong tháng 1. Điều tương tự cũng diễn ra ở Trung Quốc, khi các đơn đặt hàng mới cải thiện đáng kể.

VinaCapital kỳ vọng số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.