Xuất khẩu phập phồng vì cước tàu tăng phi mã

02/02/2024 06:34 GMT+7

Doanh nghiệp xuất nhập khẩu tiếp tục lo lắng khi các hãng tàu thông báo giá cước vận chuyển container sẽ tăng tiếp trong thời gian tới.

Cước vận tải biển tăng gấp đôi, có nơi đến 5 - 6 lần

Ngày 1.2, trao đổi với Thanh Niên, ông Lê Duy Toàn, Giám đốc Công ty thực phẩm Duy Anh (Duy Anh Foods), cho hay giá cước vận chuyển hàng container đi châu Âu tăng quá nhanh khiến khách hàng than trời. Theo đó, lượng hàng và giá cả khách đặt mua cũng có phần siết hơn. Chẳng hạn, cước lô hàng đi Đức trước khoảng 1.000 USD, nay tăng trên 5.000 USD. Đáng nói, các hãng tàu đã thông báo giá cước vận tải biển tiếp tục tăng từ tháng 2 do chi phí bảo hiểm, tàu đi đường vòng kéo dài thời gian hơn, chi phí tăng hơn.

Ông Toàn cho biết công ty xuất hàng theo giá FOB nên các đơn hàng cũ không bị tăng chi phí, nhưng phía đối tác do phải trả thêm cước quá cao khiến việc đặt hàng của họ chững lại. Một số khách hàng tiềm năng giảm mua hàng và đề nghị đàm phán lại giá cả. "Những diễn biến khó lường của thế giới khiến cả bên bán lẫn bên mua đều rơi vào cảnh tiến thoái lưỡng nan. Trong bối cảnh khó khăn, doanh nghiệp (DN) nỗ lực giảm giá bán, đưa ra mức giá cạnh tranh nhất có thể. Nếu giảm nữa, chắc chắn không có lãi, thậm chí lỗ", ông Toàn chia sẻ.

Cước vận tải biển tăng liên tục, DN xuất nhập khẩu đối mặt  khó khăn mớiẢnh: NG.NGA

Cước vận tải biển tăng liên tục, DN xuất nhập khẩu đối mặt khó khăn mới

NG.NGA

Tương tự, một số DN xuất khẩu hàng dệt may đi các nước châu Âu và châu Phi phản ánh một số lô hàng của họ đã bị "lênh đênh trên biển" hơn 1 tháng nay do tàu chở hàng không dám cập cảng trong bối cảnh xảy ra giao tranh trên vùng biển Đỏ. "Hàng không đến cảng, khách chưa nhận đồng nghĩa với việc không chuyển thanh toán để hoàn tất đơn hàng cũ và đặt cọc cho đơn hàng mới. Trong khi đó, nguyên vật liệu chuẩn bị cho đơn hàng mới, chúng tôi đã chuẩn bị xong", đại diện Công ty may mặc Dony (TP.HCM) nói.

Với hàng nông sản, nhiều DN buộc phải xuất khẩu và chia chi phí vận chuyển với đối tác để có thể duy trì hoạt động. Ở thời điểm hiện tại, việc đưa cà phê từ nguồn cung lớn nhất là VN sang EU đã gặp không ít khó khăn vì căng thẳng trên biển Đỏ. Nhiều DN xuất khẩu cà phê cho biết, hoạt động xuất khẩu bị đình trệ vì cước tàu tăng gấp đôi, gấp ba lần bình thường. Các DN phải tạm ngưng xuất hàng, đàm phán lại phí vận chuyển với đối tác theo hình thức chia sẻ 50/50.

Ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group, so sánh giá cước vận chuyển hàng đi các thị trường trong tháng 1 so với cuối năm 2023 tăng chóng mặt, mức tăng thấp nhất là gấp đôi. So với mấy tháng trước, có thị trường tăng gấp 5 - 6 lần. Chẳng hạn, so với cuối năm 2023, hàng đi Mỹ từ gần 2.000 USD lên 4.500 - 5.000 USD/container. Đáng kể nhất là hàng hóa đi thị trường EU tăng mạnh từ mức 600 USD lên 4.000 USD/container. "Cứ mỗi sáng mở mắt ra là lại thấy mọi chi phí đều tăng, đặc biệt là cước tàu biển", ông Thông than thở.

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), bất ổn ở biển Đỏ đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến chuỗi cung ứng toàn cầu khiến các hãng tàu phải định tuyến lại tuyến đường của họ. Hành trình vận chuyển giữa châu Á, châu Âu và bờ đông Bắc Mỹ trở nên dài hơn, đẩy giá cước vận tải tăng mạnh, kèm theo là bảo hiểm hàng hóa tăng. "Thách thức mới và lớn của thương mại thủy sản toàn cầu năm nay là vận tải biển qua cả kênh đào Suez và Panama đều gặp khó. Nguy cơ hàng hóa bị ứ đọng, thiếu tàu container và container rỗng. Sự cố này sẽ chi phối chuỗi cung ứng và có nguy cơ làm cho tình trạng lạm phát toàn cầu nghiêm trọng hơn", đại diện VASEP nhấn mạnh.

Doanh nghiệp khó chồng khó

Bà Nguyễn Thị Kim Huyền, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Global Maritime Services, DN hoạt động trong lĩnh vực logistics và giao nhận hàng hóa, thông tin: Ngoài căng thẳng trên biển Đỏ khiến cước tàu biển đi châu Mỹ, châu Âu tăng mạnh, từ giữa tháng 1 đến nay, tuyến vận tải biển trong khu vực châu Á cũng tăng giá theo. Nguy hiểm nhất là thị trường đang xảy ra tình trạng thiếu vỏ container, nhất là container hàng lạnh. Tình trạng này có khả năng kéo dài đến hết quý 2, tạo áp lực lớn với hoạt động sản xuất kinh doanh và xuất khẩu của VN cũng như thế giới.

Ông Trần Quốc Mạnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP phát triển sản xuất - thương mại Sadaco TP.HCM, bổ sung: Không chỉ cước tàu mà phí bảo hiểm cũng tăng quá nhanh và liên tục. Đáng nói là xuất hiện "hiệu ứng domino" trong cước tàu biển, không chỉ các tuyến đi châu Âu và Mỹ mà hầu hết những tuyến vận tải biển khác đều tăng phí vì không có container rỗng quay lại. Trong khi gỗ là mặt hàng ít thiết yếu, người tiêu dùng sẵn sàng cắt giảm chi tiêu khi kinh tế khó khăn nên đơn hàng vốn đã ít thì nay lại tiếp tục giảm. "DN chỉ biết chấp nhận trả cước phí cao hơn, cắt giảm lợi nhuận vốn đang rất mỏng. Nếu có thể, chỉ mong nhà nước nghiên cứu hỗ trợ bằng việc giảm bớt các chi phí dịch vụ hàng hóa nội địa, nhất là các dịch vụ cảng biển", ông Mạnh đề xuất.

Trước tình hình trên, Cục Hàng hải (Bộ GTVT) mới đây đã có báo cáo gửi Bộ GTVT, cảnh báo giá cước vận tải container sẽ tiếp tục tăng cao do tình hình xung đột ở Trung Đông có khả năng lan rộng. Mặc dù các hãng tàu chưa có báo cáo chính thức về tình trạng thiếu hụt vỏ container như trong thời đại dịch Covid-19, tuy vậy Cục Hàng hải cũng cảnh báo sự thiếu hụt container rỗng sẽ tác động trực tiếp đến khả năng tăng giá sắp tới.

Điều này tạo áp lực cho các DN khi xuất khẩu các đơn hàng đã ký trước đó, giá thành sản phẩm sẽ phải cõng thêm một khoản chi phí, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của hàng hóa VN so với các đối thủ khác trong khu vực. Cục Hàng hải dự báo trong năm 2024, DN xuất nhập khẩu sẽ phải đối mặt với nguy cơ tăng giá cước container, tăng thời gian vận chuyển, tăng đơn hàng đặt chỗ, tăng hoãn đơn hàng và tăng các loại phụ phí.

Tại báo cáo này, Cục Hàng hải cũng cho biết đã giao cho Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng, TP.HCM, Vũng Tàu phối hợp với các chi cục hàng hải để làm việc với các hãng tàu có tuyến đi châu Âu, châu Mỹ nhằm đánh giá tình hình, biến động giá cước, khả năng cung cấp nguồn tàu và đặc biệt tăng cường giám sát việc thực hiện niêm yết giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa container và phụ thu của các hãng tàu theo đúng quy định.

Trong khi đó, các DN hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ logistics báo tin các hãng tàu đã có thông báo tăng giá cước, áp dụng từ hôm qua (1.2), mức tăng từ 7 - 10% so đầu tháng 1. Chuyên gia logistics Nguyễn Lý Trường An, Phó giám đốc Công ty SeaAir Global, nhận định: "Căng thẳng tại biển Đỏ khiến thị trường biến động, giá cước tăng gấp 2 - 3 lần, một số tuyến có thể tăng cao hơn. Song thị trường logistics, vận tải biển khó rơi vào cảnh lũng đoạn như thời Covid-19. Tuy nhiên, DN vẫn đang chập chững phục hồi, khó khăn bủa vây, việc tăng giá cước vận tải biển và tăng liên tục là "cú bồi". Nếu sức khỏe yếu, chắc chắn sẽ có thêm DN bỏ cuộc chơi lúc này hoặc sống lay lắt qua ngày, tất nhiên khả năng cạnh tranh, phục hồi yếu đi".

Hoạt động sản xuất kinh doanh phải vận hành và tranh nhau từng đơn hàng. VN không có hãng tàu vận tải biển để đối trọng với các hãng tàu quốc tế. Chúng ta phụ thuộc hoàn toàn vào các hãng tàu biển thế giới, nên giá họ thông báo thế nào, chúng ta buộc phải áp theo vậy. Các cuộc đàm phán nói chung vẫn chỉ mang tính hình thức, bởi ngay chính hãng tàu phải chấp nhận rủi ro, mua phí bảo hiểm lớn cho hàng hóa họ vận chuyển. Vấn đề là chia sẻ chi phí nhưng chi phí này quá lớn…

Ông Nguyễn Lý Trường An, Phó giám đốc Công ty SeaAir Global

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.