Xuất khẩu sầu riêng qua Thái Lan, Campuchia gây bất ngờ

Chí Nhân
Chí Nhân
31/10/2024 06:11 GMT+7

Nhiều thị trường nhỏ bất ngờ trở thành nhà nhập khẩu lớn cho hàng hóa VN. Điều này cho thấy sự năng động của các doanh nghiệp trong việc đa dạng hóa thị trường, mở rộng bạn hàng thay vì phụ thuộc vào một thị trường chính.

Campuchia, Papua New Guinea... nổi lên

Trung Quốc là thị trường nhập khẩu sầu riêng lớn nhất của VN, đây là điều ai cũng biết. Thế nhưng 9 tháng năm 2024, nhiều nước khác cũng tăng mạnh nhập khẩu loại trái cây "tỉ USD" của VN. Đầu tiên là Thái Lan, nước xuất khẩu sầu riêng lớn nhất hiện nay, đồng thời là đối thủ lớn nhất của VN tại thị trường Trung Quốc, cũng chính là nhà nhập khẩu sầu riêng lớn thứ 2 của VN, sau Trung Quốc. Xứ sở chùa Vàng đã chi 133 triệu USD, tăng tới 85% so với cùng kỳ năm 2023 để nhập khẩu sầu riêng từ VN. 

Đặc biệt, Campuchia gây bất ngờ lớn khi chi 3 triệu USD để "ăn" sầu riêng VN. Giá trị nhập khẩu sầu riêng của Campuchia tăng tới 16 lần so với cùng kỳ năm trước và trở thành nhà nhập khẩu sầu riêng đứng thứ 10 của VN. Không chỉ các nước trong khu vực mà ngay cả một quốc gia xa xôi ở châu Đại Dương là Papua New Guinea cũng chi tới 20 triệu USD để mua sầu riêng VN. Xuất khẩu sầu riêng của VN vào quốc đảo có dân số khoảng 5 triệu người này tăng tới 265% so với cùng kỳ năm trước, đưa Papua New Guinea trở thành nhà nhập khẩu sầu riêng lớn thứ 4 của VN.

Xuất khẩu sầu riêng qua Thái Lan, Campuchia gây bất ngờ- Ảnh 1.

Xuất khẩu sầu riêng VN tiếp tục đà tăng trưởng mạnh mẽ

Ảnh: ĐNT

Trong bức tranh xuất khẩu của VN trong 3 quý của năm cũng nổi lên Philippines với con số nhập khẩu gần 5 tỉ USD. Cụ thể, trong 9 tháng, VN xuất khẩu sang thị trường Philippines đến 4,6 tỉ USD, tăng gần 21% so với cùng kỳ năm 2023. VN có đến 35 mặt hàng xuất khẩu vào thị trường này, trong đó có những mặt hàng có mức tăng trưởng cao như gạo tăng 53%, cà phê tăng 121%, hạt tiêu tăng 38%, phân bón các loại tăng 22%, sản phẩm từ sắt thép tăng 71%, điện thoại các loại và linh kiện tăng 43%… 

"Trong 9 tháng qua, xuất khẩu gạo của VN vào Philippines đạt gần 2 tỉ USD, tăng 43% so với cùng kỳ năm 2023. Gạo vẫn là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của VN vào thị trường Philippines. Dự báo trong 3 tháng cuối năm 2024, nhu cầu nhập khẩu gạo của Philippines tiếp tục tăng cao do nhu cầu tiêu thụ trong nước tăng trong khi mùa vụ cuối năm của Philippines bị thiệt hại do thiên tai", Thương vụ VN tại Philippines nhận định.

Đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường gần là cơ hội lớn cho rau quả VN. Về lâu dài, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh khâu bảo quản, chế biến sau thu hoạch để tăng xuất khẩu rau quả vào các thị trường Đông Á, cũng như thuận tiện vận chuyển đi các thị trường xa như EU, Mỹ.


Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả VN

Ở châu Âu, nhiều thị trường nhỏ cũng tăng trưởng mạnh bên cạnh các thị trường chủ lực như: Hà Lan, Đức, Pháp… Theo Bộ Công thương, từ khi ký kết hiệp định thương mại tự do EVFTA thì hoạt động xuất khẩu thủy sản của VN vào các thị trường nhỏ cũng tăng đáng kể ở Lithuania, Phần Lan, Romania… Ngành thủy sản dù đang chịu thẻ vàng IUU nhưng vẫn tăng trưởng mạnh ở những mặt hàng ngách. Đơn cử xuất khẩu nhuyễn thể có vỏ 9 tháng năm 2024 đạt 147 triệu USD, tăng 50% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, riêng xuất khẩu nghêu đạt 73 triệu USD, tăng 19%, còn xuất khẩu hàu, sò điệp, ốc đều tăng trưởng tốt.

Nhiều thị trường lớn khởi sắc trở lại

Nhìn vào bức tranh xuất khẩu có thể thấy sự năng động của các doanh nghiệp nội địa trong việc đa dạng hóa thị trường để khắc phục khó khăn chung. Đến lúc này, thị trường đã có sự cải thiện rõ rệt.

Xuất khẩu sầu riêng qua Thái Lan, Campuchia gây bất ngờ- Ảnh 2.

Nhiều nước trong khu vực bất ngờ trở thành nhà nhập khẩu lớn nông sản VN

Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Ông Trần Anh Khoa, Tổng giám đốc Công ty TNHH Anh Khoa, nhận xét: Sau giai đoạn khó khăn thị trường đang khởi sắc trở lại. Đặc biệt giai đoạn hiện nay các nhà nhập khẩu đang đẩy mạnh mua hàng để chuẩn bị cho lễ Giáng sinh và đón năm mới. Một trong những thị trường quan trọng là Trung Quốc đang có nhu cầu cao và đang trước thềm dịp lễ quan trọng tiếp theo là tết Nguyên đán âm lịch. "Khách hàng cần số lượng lớn ở tất cả các kích cỡ, kể cả tôm thẻ và tôm sú. Tuy nhiên thời gian qua, giá tôm thấp nên hiện tại nguồn cung nội địa hạn chế. Bên cạnh đó, đây cũng là giai đoạn người dân cải tạo ao nuôi nên nguyên liệu càng khan hiếm", ông Khoa cho biết.

Bà Lê Hằng, Giám đốc truyền thông Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), nói: Trong 9 tháng qua, xuất khẩu sang 2 thị trường chính là Mỹ và Trung Quốc đều vượt kim ngạch 1,3 tỉ USD. Tại thị trường Trung Quốc, ngoài các sản phẩm chế biến, đông lạnh thì các mặt hàng tươi sống như cua ghẹ cũng tăng mạnh, riêng trong quý 3 nhóm hàng này đạt tới 228 triệu USD, tăng 59%. Đặc biệt, xuất khẩu tôm sang Mỹ tăng 9%, trong khi cá tra tăng 24%. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy sản phẩm thủy sản VN vẫn giữ được sức hấp dẫn trong mắt người tiêu dùng quốc tế, đặc biệt là với những sản phẩm chế biến sâu và chất lượng cao. Điều này giúp xuất khẩu thủy sản của VN trong 9 tháng qua đạt 7,2 tỉ USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2023. Các mặt hàng chủ lực như tôm đạt trên 2,8 tỉ USD, tăng 11%; cá tra gần 1,5 tỉ USD, tăng 8,3%.

"Nếu không có biến động lớn tôi tin rằng xuất khẩu thủy sản có thể tiếp tục tăng trưởng tích cực trong những tháng cuối năm. Dự kiến kết quả cả năm 2024, xuất khẩu thủy sản sẽ đạt khoảng 9,5 tỉ USD, tăng 7% so với năm 2023. Tuy nhiên về lâu dài, hoạt động xuất khẩu thủy sản tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, cạnh tranh từ các nước khác trong khu vực. Các doanh nghiệp cần nâng cao khả năng cạnh tranh qua việc cải thiện chất lượng sản phẩm và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu", bà Lê Hằng dự báo và khuyến nghị.

Đối với hoạt động xuất khẩu rau quả, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả VN (VINAFRUIT), nhận định: Khó khăn lớn nhất của VN là chúng ta phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc và mặt hàng chủ lực là sầu riêng. Nhưng thời gian qua các cơ quan quản lý đã tích cực đàm phán mở cửa thị trường cho những mặt hàng mới và nhờ vậy có được kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng 2 - 3 con số với chuối, mít, nhãn, bưởi, xoài, chanh dây… Trong nhóm 10 thị trường chủ lực thì chỉ có Hà Lan giảm nhưng Hàn Quốc tăng trưởng mạnh, đạt gần 240 triệu USD, tăng tới 44% so với năm trước. Hàn Quốc trở thành nước nhập khẩu rau quả lớn thứ 3 của VN chỉ sau Trung Quốc và Mỹ (254 triệu USD).

"Nhật Bản và Hàn Quốc là các thị trường cao cấp, lại ở gần nên rất thuận lợi cho chúng ta trong việc đẩy mạnh xuất khẩu rau quả. Hiện tại do căng thẳng quân sự nên việc vận chuyển gặp khó khăn. Vì thế, đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường gần là cơ hội lớn cho rau quả VN. Về lâu dài, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh khâu bảo quản, chế biến sau thu hoạch để tăng xuất khẩu rau quả vào các thị trường Đông Á, cũng như thuận tiện vận chuyển đi các thị trường xa như EU, Mỹ", ông Nguyên khuyến cáo. 

Báo cáo của VASEP nhận định quý 3 thực sự là một giai đoạn đáng ghi nhớ với sự phục hồi mạnh mẽ từ các thị trường lớn như xuất khẩu thủy sản sang Mỹ đạt 551 triệu USD tăng 19,5% so với cùng kỳ năm 2023; Trung Quốc tăng 36%, đạt 571 triệu USD. Điều này cho thấy nhu cầu từ các thị trường lớn đang tăng trở lại, đặc biệt là đối với các sản phẩm chủ lực như tôm và cá tra.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.