Xuất lộ chân móng và dấu tích con đường thiên lý bắc nam

15/05/2018 13:00 GMT+7

Sau hai tuần đào thám sát khảo cổ học, các nhà khảo cổ đã tìm thấy nhiều dấu tích quan trọng của công trình kiến trúc nghệ thuật di tích lịch sử quốc gia Hải Vân quan - Thiên hạ đệ nhất hùng quan.

Ngày 15.5, ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cho biết sau 2 tuần đào thám sát khảo cổ học di tích Hải Vân quan, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy chân móng cổng Thiên hạ đệ nhất hùng quan (phía nam, Đà Nẵng) và con đường thiên lý bắc nam phía bắc đèo Hải Vân (phía bắc, Thừa Thiên-Huế).

Theo đó, tại hố đào sát chân móng di tích Hải Vân quan (phía nam) đã xuất lộ bậc cấp bằng đá, móng cổng và lối đi lên di tích, địa danh được mệnh danh là "thiên hạ đệ nhất hùng quan". Hố đào phía bắc di tích đã xuất lộ dấu tích của con đường thiên lý bắc nam, về phía Thừa Thiên-Huế.
Các dấu tích công trình được xuất lộ tại hố đào thám sát khảo cổ học di tích Hải Vân quan Ảnh: P.T.H

"Đợt khai quật nhằm mục đích làm phát lộ các dấu vết của tường thành, bậc cấp, đồn phòng thủ của Hải Vân quan, phục vụ cho việc nghiên cứu và xây dựng dự án quy hoạch trùng tu tổng thể công trình", ông Phan Thanh Hải cho biết.

Trước đó, sau khi Hải Vân quan được Bộ VH-TT-DL quyết định xếp hạng di tích quốc gia (ngày 14.4.2017) để bổ sung hồ sơ khoa học phục vụ công tác nghiên cứu, lập dự án trùng tu, ngày 28.3.2018, Bộ VH-TT-DL đã có quyết định cho phép Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế phối hợp Bảo tàng Lịch sử Quốc gia khai quật khảo cổ tại di tích Hải Vân quan thuộc thị trấn Lăng Cô (H.hú Lộc, Thừa Thiên-Huế) và P.Hòa Hiệp Bắc (Q.Liên Chiểu, Đà Nẵng), kéo dài đến tháng 9.2018, trên tổng diện tích 600m2.

Theo quyết định của Bộ VH-TT-DL, sau khi kết thúc đợt khai quật, chậm nhất 3 tháng, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế và Bảo tàng Lịch sử Quốc gia phải có báo cáo sơ bộ và sau một năm phải có báo cáo khoa học gửi về Cục Di sản Văn hóa.

Những hiện vật thu giữ được sẽ tạm thời lưu giữ, bảo quản tại Bảo tàng cổ vật cung đình Huế. Sở Văn hóa Thể thao Thừa Thiên-Huế và TP.Đà Nẵng có trách nhiệm đề xuất phương án phân chia hiện vật trình Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch.

Theo tư liệu lịch sử, Hải Vân quan được xây dựng từ đời Trần và được triều Nguyễn trùng tu vào năm Minh Mạng thứ 7 (1826). Cụm công trình kiến trúc Hải Vân quan là công trình nghệ thuật dạng cửa ải phòng thủ, phía hướng về Thừa Thiên-Huế đề ba chữ "Hải Vân quan", hướng về Đà Nẵng đề "Thiên hạ đệ nhất hùng quan". Đây là một cửa ải quan trọng trong chiến lược phòng thủ và là cửa ngõ phía nam của Kinh thành Huế, đồng thời cũng là thắng cảnh tuyệt đẹp của VN. Công trình do vướng tranh chấp địa giới hành chính nên lâu nay chưa được công nhận di tích và rơi vào cảnh hoang phế, xuống cấp nghiêm trọng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.