Xuất nhập khẩu của Trung Quốc giảm mạnh trong tháng 7

08/08/2023 15:40 GMT+7

Nhập khẩu và xuất khẩu của Trung Quốc giảm mạnh hơn dự kiến trong tháng 7 trong lúc nhu cầu yếu đe dọa triển vọng hồi phục của nền kinh tế số hai thế giới.

Reuters ngày 8.8 dẫn số liệu chính thức do Trung Quốc công bố cho thấy lượng hàng hóa nhập khẩu của nước này trong tháng 7 giảm 12,4% so với cùng kỳ năm ngoái, lớn hơn nhiều so với dự báo và là tháng thứ 9 liên tiếp suy giảm.

Trong khi đó, khối lượng xuất khẩu tiếp tục giảm tháng thứ ba liên tiếp. Cụ thể, trong tháng 7, lượng hàng hóa Trung Quốc bán ra nước ngoài giảm 14,5% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm mạnh hơn so với mức dự báo là 12,5%, trong khi mức giảm của tháng 6 là 12,4%.

Xuất nhập khẩu của Trung Quốc giảm mạnh trong tháng 7 - Ảnh 1.

Container tại cảng nước sâu Dương Sơn, Thượng Hải (Trung Quốc)

REUTERS

Tốc độ suy giảm xuất khẩu trong tháng 7 là mức nhanh nhất tính từ giai đoạn đầu của đại dịch Covid-19 vào đầu năm 2020. Ngoài giai đoạn phục hồi ngắn vào tháng 3 và tháng 4, xuất khẩu của Trung Quốc đã suy giảm liên tục từ tháng 10 năm ngoái. Nỗi lo suy thoái tại Mỹ và châu Âu, cộng với lạm phát cao, đã góp phần khiến cho sức mua sản phẩm Trung Quốc từ quốc tế suy giảm trong những tháng gần đây.

Trong khi đó, khối lượng nhập khẩu sụt giảm trong tháng 7 cũng là mức lớn nhất tính từ tháng 1.2023, giai đoạn mà Trung Quốc cho đóng cửa nhiều nhà máy, xí nghiệp và cơ sở kinh doanh vì Covid-19. Nó cũng là bằng chứng cho thấy nhu cầu nội địa đã giảm.

Các số liệu nói trên là chỉ dấu mới nhất cho thấy đà phục hồi hậu Covid-19 của Trung Quốc đã hết động lực sau giai đoạn tăng trưởng ngắn khi chính quyền dỡ bỏ các biện pháp phòng dịch vào cuối năm ngoái.

Tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong quý 2/2023 chỉ đạt 0,8% so với quý trước đó, trong khi tỷ lệ thất nghiệp ở giới trẻ lên mức cao kỷ lục là hơn 20%.

Trung Quốc rơi vào giảm phát

Các số liệu thương mại ảm đạm nói trên làm gia tăng khả năng hoạt động kinh tế của Trung Quốc có thể chậm lại thêm trong quý 3/2023, với lợi nhuận của các ngành xây dựng, sản xuất và dịch vụ, đầu tư trực tiếp nước ngoài và công nghiệp đều suy yếu.

Theo AFP, dữ liệu có khả năng sẽ thúc đẩy những lời kêu gọi giới lãnh đạo Trung Quốc làm nhiều hơn để khôi phục tăng trưởng, sau khi đã tung ra một loạt biện pháp kích thích trong những tuần gần đây, tập trung vào người tiêu dùng và lĩnh vực bất động sản.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.