Đó cũng là nỗ lực không mệt mỏi của những y bác sĩ ở Đà Nẵng, không chỉ đau đáu với nỗi lo bệnh tật của bệnh nhân mà còn lo cả “những khi đói lòng” của họ.
Cứ định kỳ 2 tháng một lần, khi cởi bỏ chiếc áo blouse trắng, các y bác sĩ lại bước lên sân khấu của những phòng trà, sân khấu nghiệp dư để hát và “xin” những “Dĩa cơm trên tường” cho bệnh nhân nghèo.
|
Vơi bớt nỗi lo đói lòng khi bệnh tật
Khoa Nội thận Nội tiết (BV Đà Nẵng) có không ít những bệnh nhân chạy thận nhân tạo với thân thể hao gầy vì gần chục năm chạy thận triền miên. Phần nhiều trong số họ nghèo khó và đơn độc, có người không có cả người thân.
Trong số những bệnh nhân nghèo thường xuyên “nhận” phiếu ăn miễn phí phải kể đến bà Nguyễn Thị Xí (46 tuổi, Q.Sơn Trà, Đà Nẵng). Bà Xí là “mối ruột” của các chị điều dưỡng của khoa bởi ai cũng biết bà nghèo khổ, gia cảnh lại neo người. Mỗi đợt nhập viện điều trị kéo dài hơn 2 tháng trời do chứng suy thận mạn giai đoạn cuối, bà Xí chật vật thiếu trước hụt sau, nên luôn được các chị điều dưỡng “để mắt”. Cứ đầu ngày bà lại được phát 3 phiếu ăn, đều đặn đến nỗi mỗi khi cầm phiếu ăn, bà ứa nước mắt vì sự cưu mang vô bờ bến.
“Ba năm suy thận, tôi sống nhờ bệnh viện. Đau bệnh thì có các bác sĩ. Cơm ăn cũng được các chị điều dưỡng lo cho từng bữa không sợ đứt bữa nào. Mấy cô không bao giờ để cho tôi đói đâu. Tôi thấy được an ủi lắm”, bà Xí nói.
|
Cách đó không xa là bệnh nhân Phạm Phông (29 tuổi, xã Bình Châu, H.Bình Sơn, Quảng Ngãi) cũng bị suy thận mãn giai đoạn cuối, đã chạy thận nhân tạo liên tục trong 9 năm qua. Bố và hai người anh của Phông mất vì ngộ độc ăn cá nóc khi Phông còn nhỏ, chỉ mình mẹ làm nông nuôi anh em Phông. Vậy mà 9 năm qua, mẹ cũng theo Phông ra chạy thận ở BV Đà Nẵng, gửi em lại quê nhà và bỏ cả ruộng vườn. Hai mẹ con sống nhờ vào những bữa ăn từ thiện cho đến khi có “Dĩa cơm trên tường”.
Phông nói không nhớ đã nhận của các bác sĩ bao nhiêu dĩa cơm trong năm qua, chỉ biết rằng nhờ vậy mà mẹ con Phông cầm cự những khi đói lòng.
“Giờ xương nó thoái hóa, mục rồi, không đi lại được. Tôi đi đổi phiếu lấy cơm thay nó. Nó đau ăn không nổi nên có khi hai mẹ con ăn chung một suất... Mỗi đợt đi chạy thận mất vài tháng. Nếu không có phiếu cơm từ các y, bác sĩ thì không biết mẹ con sống sao”, bà Bùi Thị Hồng, mẹ của Phông, tâm sự.
Bà Xí hay Phông thì cũng là một, là hai, trong số hàng chục ngàn bệnh nhân ngặt nghèo ở các bệnh viện tại Đà Nẵng, nhận phiếu cơm từ “Dĩa cơm trên tường”. Họ nhận những phiếu cơm yêu thương của các y, bác sĩ và nhiều người trong số họ đã nghẹn ngào, xúc động khi biết được các y, bác sĩ đã đi hát phòng trà để xin từng dĩa cơm cho những bệnh nhân nghèo không nơi nương tựa như mình...
|
Một dĩa cơm – cả tấm lòng
Bác sĩ Trương Diệu Linh (BV Đà Nẵng) thành viên của chương trình “Dĩa cơm trên tường” cho biết mỗi dĩa cơm là cả tấm lòng.
Khi chương trình mới khởi xướng với những dĩa cơm ít ỏi, chỉ có thể ưu tiên phát cho những bệnh nhân mạn tính, bệnh nhân ung bướu... Đến khi “Dĩa cơm trên tường” được biết đến nhiều hơn, được nhiều người ủng hộ, hỗ trợ hơn thì các bệnh nhân nghèo ở tất cả các khoa trong BV Đà Nẵng và cả BV Phổi (Đà Nẵng), BV huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) đều được hỗ trợ từ chương trình.
Tròn một năm qua, đã có 17.300 dĩa cơm (20.000 đồng/dĩa) tương đương 346 triệu đồng đã được trao tặng cho bệnh nhân nghèo.
Chị Trần Thụy Diệu Thùy, Điều dưỡng trưởng Khoa ung bướu (BV Đà Nẵng) cũng là người sâu sát với từng bữa cơm của bệnh nhân ung bướu. Chị chia sẻ: “Dĩa cơm trên tường” có ý nghĩa rất lớn với bệnh nhân nghèo, an ủi họ khi ốm đau bệnh tật, giúp họ bớt nỗi lo trong những đợt điều trị kéo dài. Khi phiếu cơm được bệnh nhân quy đổi thành bữa ăn dinh dưỡng ở căn tin của các bệnh viện, họ cảm thấy mình bình đẳng với mọi người, không có sự khác biệt nào cả...”
|
Cũng theo bác sĩ Diệu Linh, tròn một năm “Dĩa cơm trên tường” hoạt động ở Đà Nẵng, chương trình đã huy động được hơn 1 tỉ đồng từ những tấm lòng thiện nguyện khắp nơi.
“Dự kiến, trong năm nay, chúng tôi sẽ mở rộng số bệnh nhân và số bệnh viện thụ hưởng để “Dĩa cơm trên tường” đến được với bệnh nhân nghèo nhiều hơn. Hạnh phúc đơn giản chỉ có vậy, khi chúng tôi đi hát vì bệnh nhân của mình”, bác sĩ Diệu Linh kỳ vọng.
Bình luận (0)