Xúc động hình ảnh 2 nữ điều dưỡng sốc nhiệt khi đang chăm bệnh nhân Covid-19

23/10/2021 09:20 GMT+7

Hình ảnh hai nữ nhân viên y tế bị sốc nhiệt trong lúc chăm bệnh nhân Covid-19 khi TP.HCM trở lại “bình thường mới” khiến nhiều người xúc động. Ai nấy đều mong đội ngũ chống dịch luôn khỏe mạnh để tiếp tục cống hiến, đẩy lùi Covid-19.

Sinh nhật đặc biệt

Theo tìm hiểu của Thanh Niên, hai nữ nhân viên y tế được dân mạng chia sẻ là điều dưỡng Nguyễn Thị Ngọc Bích (khoa gây mê - hồi sức) và điều dưỡng Đỗ Thị Phương Anh (24 tuổi, khoa hồi sức tích cực) ở Bệnh viện (BV) Đại học Y Dược TP.HCM. Sức khỏe của hai nữ điều dưỡng hiện ổn định và họ đã quay lại chăm sóc bệnh nhân Covid-19.

Chị Phương Anh (người ngồi, ảnh trái), chị Ngọc Bích (người nằm, ảnh phải) sốc nhiệt khi chăm sóc F0

NVCC

Chị Bích kể chiều đó, đang tham gia cấp cứu người bệnh giường số 23, chị cảm thấy chóng mặt, ù tai. Nhưng do phải cấp cứu tiếp người bệnh giường số 26 nên chị vẫn cố gắng làm việc. Sau khi đặt lại nội khí quản cho người bệnh, chị ngất đi. “Trùng hợp hôm đó cũng là sinh nhật của tôi. Do tôi làm ca chiều nên cũng không dự định tổ chức gì cả. Tuy nhiên, các em ở trong tổ cũng có tổ chức cho, đó là ngày sinh nhật đáng nhớ”, chị chia sẻ.

Chị Phương Anh tham gia chống dịch từ ngày 22.7

Chị Bích tham gia chống dịch từ ngày 31.7 tại khu điều trị bệnh nhân mắc Covid-19. Đến ngày 6.8, chị được chuyển qua Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 BV Đại học Y TP.HCM (UCICC).

“Như mọi người đã biết khi chăm sóc người bệnh mắc Covid-19 nguy cơ nhiễm rất cao. Dù thời tiết nóng vẫn phải mặc đồ bảo hộ trong suốt thời gian chăm sóc. Làm nhiệm vụ chống dịch có những khó khăn như vậy, nhưng tôi cũng có động lực vượt qua khi nhìn thấy những người mắc Covid-19 khỏi bệnh, được xuất viện. Mong muốn hiện tại của tôi là được cải tạo lại nơi làm việc, vì buổi trưa nhiệt độ tăng cao cả người bệnh và nhân viên y tế đều không chịu nổi cái nóng. BV cũng đang cho lắp đặt hệ thống máy lạnh để tạo điều kiện làm việc cho mọi người”, chị Bích chia sẻ.

Bản tin Covid-19 ngày 22.10: Cả nước 3.985 ca nhiễm mới | TP.HCM sắp cho phép ăn uống tại chỗ

Mong mọi người đừng quên 5K

Nói về “sự cố” ngày hôm đó, chị Phương Anh cho biết chị làm ca sáng. Gần hết ca trực, chị không thở được, các đồng nghiệp có khuyên ra ngoài nghỉ ngơi, nhưng bệnh nhân đang trở nặng nên chị cố gắng ở lại. Một lúc sau, chị không thể điều khiển cơ thể mình, không thở được, các cơ co cứng lại nên chị được đồng nghiệp đỡ ra ngoài, cởi đồ bảo hộ và tiến hành cấp cứu.

Chị Phương Anh tham gia chống dịch từ ngày 22.7 với công việc chính là chăm sóc người mắc Covid-19, đặc biệt là những người bệnh nặng, phải thở máy. BV dã chiến dựng lên tạm thời, không thể có vật tư đầy đủ nên môi trường làm việc cũng có những khó khăn nhất định. Thêm vào đó, trung tâm điều dưỡng dựng bằng những tấm tôn nên rất nóng, nhân viên y tế dễ bị ảnh hưởng từ nhiệt độ ngoài trời.

“Hiện tại tôi đã khỏe và quay trở lại làm việc bình thường. Tham gia chống dịch tôi cũng thường xuyên liên lạc với bố mẹ ở quê nhà Đắk Lắk để họ yên tâm. Mong muốn của tôi cùng các đồng nghiệp khác là những bệnh nhân không may mắc Covid-19 sẽ hồi phục, khỏe mạnh trở lại. Hy vọng mọi người có ý thức bảo vệ bản thân và những người xung quanh, chấp hành các quy định phòng dịch của nhà nước”, chị Phương Anh tâm tình.

PGS-TS-BS Lê Minh Khôi, Trưởng phòng Khoa học đào tạo, BV ĐH Y Dược TP.HCM, cho biết rất xúc động khi nhìn thấy hai nữ nhân viên y tế bị sốc nhiệt trong lúc thực hiện nhiệm vụ. BS Khôi cho hay thời gian dài chống dịch, mọi người đã cùng nhau trải qua nhiều khó khăn, giờ bị sốc nhiệt là “sự cố” dù không quá nặng nề, nhưng cũng cảnh báo sức lực của nhân viên y tế đã đến giới hạn.

TP.HCM đã qua đỉnh dịch, tuy nhiên BS Khôi mong mọi người phải thực hiện 5K, ai chưa tiêm vắc xin sẽ tiêm sớm để số người mắc, ca bệnh nặng sẽ giảm khi đó nhân viên y tế đỡ vất vả. “Với Bích, dù không đứng lớp dạy điều dưỡng nhưng tôi coi như học trò, đi cùng nhau 13 năm nay. Sau khi bị sốc nhiệt, Bích đã nhanh chóng lấy lại sức khỏe, vui vẻ. Hơn 5 tháng chống dịch cũng đưa TP.HCM trở lại bình thường, dù vậy không có nghĩa giờ cứ sống như lúc chưa có dịch. Tôi mong người dân hãy trân trọng giá trị cuộc sống bình thường mới bởi nó được đánh đổi bằng nước mắt, máu, thậm chí là tính mạng của nhân viên y tế”, BS Khôi tâm tình.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.