Đó là phát biểu của ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế tại Hội nghị "Xúc tiến đầu tư các hãng tàu container cảng Chân Mây" diễn ra hôm nay (8.10).
Theo ông Nguyễn Văn Phương, xu thế phát triển vận tải hàng hóa nội địa và quốc tế đang chuyển hướng từ vận chuyển các mặt hàng rời sang vận chuyển hàng hóa đóng container do phương thức này có nhiều ưu điểm. Việc phát triển cảng Chân Mây, đặc biệt là thu hút các hãng tàu container làm hàng tại cảng Chân Mây là điều kiện tiên quyết để phát triển công nghiệp của tỉnh Thừa Thiên-Huế và khu vực miền Trung.
Nhằm khuyến khích, thu hút các hãng tàu container và các doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập hàng hóa đến làm hàng tại cảng Chân Mây, thời gian qua tỉnh Thừa Thiên-Huế đã thí điểm một số chính sách hỗ trợ các hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển container và các đối tượng có hàng hóa vận chuyển bằng container đi, đến cảng biển này.
“Việc mở tuyến vận chuyển hàng container qua cảng Chân Mây sẽ mang lại hiệu quả cho các hãng tàu, các doanh nghiệp và đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thừa Thiên-Huế”, ông Phương nói.
Xuất, nhập hàng container tại cảng Chân Mây |
VÕ ĐẠI PHONG |
Cảng Chân Mây mong muốn các công ty hàng hải, các công ty trong lĩnh vực logistics sớm đầu tư dịch vụ logistics tại Chân Mây, đầu tư xây dựng trung tâm logistics, đảm bảo cung cấp các dịch vụ ICD, xếp dỡ, lưu kho bãi, bảo quản hàng hóa; dịch vụ hải quan, dịch vụ logistics trọn gói…
Tuy nhiên, đại diện cảng Chân Mây cho biết đang có quỹ đất rất hạn chế, khó có khả năng đầu tư xây dựng theo hướng quy mô hiện đại. Vì vậy, cảng đề nghị tỉnh Thừa Thiên-Huế xem xét và quy hoạch vùng hậu phương cảng biển, ưu tiên cấp đất cho doanh nghiệp cảng, phục vụ nhu cầu và dự phòng nhằm phát triển đồng bộ, giảm thiểu chi phí trong chuỗi cung ứng logistics.
Theo nhà đầu tư WPG, cảng Chân Mây có tiềm năng to lớn nhưng sức phát triển ngành công nghiệp của Thừa Thiên-Huế còn nhiều hạn chế. Vì thế, tỉnh cần gắn liền với việc thu hút các nhà đầu tư vào các khu công nghiệp trên địa bàn, đặc biệt là quỹ đất khu công nghiệp trong Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô.
Nhà đầu tư đề xuất được mở rộng quỹ đất khu công nghiệp ngay cạnh cảng Chân Mây để hướng tới tính tương hỗ phát triển giữa cảng biển - khu công nghiệp - trung tâm logistics.
Trước đó, WPG là nhà đầu tư đã được UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế cho phép khảo sát, nghiên cứu đầu tư dự án khu công nghiệp phức hợp quy mô khoảng 305 ha và dự án cảng nước sâu Chân Mây, trung tâm logistics quy mô khoảng 307 ha trong Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô.
Bình luận (0)