Sáng 5.10, tại buổi họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tháng 9 (quý 3) và một số nhiệm vụ trọng tâm quý 4 năm 2022 do UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức, nhiều cơ quan báo chí đặt câu hỏi về việc thực hiện đề án xã hội hóa đầu tư sân bay Chu Lai.
Hướng đến 50 triệu hành khách/năm
Trả lời về vấn đề này, ông Nguyễn Hồng Quang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết sân bay Chu Lai hiện nay cấp 4C với đường băng 3.048m và có công suất 1,2 triệu hành khách/năm. Hiện nay, sân bay này đã được Bộ GTVT quy hoạch lên cấp 4E và 4F. Từ đây đến 2030 và định hướng đến 2050, sân bay này sẽ đón 30 triệu hành khách/năm; hướng đến 50 triệu hành khách/năm.
“Các cơ quan chức năng đánh giá sân bay Chu Lai có điều kiện để nâng cấp, mở rộng. Đặc biệt, hoạt động kinh tế của chúng ta có những điều kiện để đáp ứng, vì vậy phải quy hoạch một sân bay lớn”, ông Quang nói.
Ông Nguyễn Hồng Quang phát biểu tại buổi họp báo sáng 5.10 |
MẠNH CƯỜNG |
"Sau buổi làm việc với UBND tỉnh Quảng Nam, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý về nguyên tắc sẽ thực hiện xã hội hóa đầu tư để đảm bảo ưu tiên về quy hoạch. Hiện chúng tôi cũng đang làm đề án để xã hội hóa đầu tư Cảng hàng không Chu Lai”, ông Quang chia sẻ.
Đưa sân bay Chu Lai vào quy hoạch quốc gia
Liên quan đến vấn đề này, mới đây ngày 3.10, đoàn công tác của Bộ GTVT đã khảo sát, làm việc với tỉnh Quảng Nam về phương án quy hoạch, đề án xã hội hóa đầu tư, khai thác Cảng hàng không Chu Lai.
Sân bay Chu Lai nằm trên địa bàn xã Tam Nghĩa (H.Núi Thành, tỉnh Quảng Nam), chính thức đưa vào khai thác ngày 22.3.2005. Tổng diện tích đất khoảng 2.006 ha, do có nguồn gốc đất quốc phòng nên phần lớn đất tại sân bay do quân đội quản lý (1.654 ha), đất do hàng không dân dụng quản lý (tạm bàn giao) khoảng 351 ha.
Cảng hàng không Chu Lai đóng tại xã Tam Nghĩa, H.Núi Thành, tỉnh Quảng Nam |
MẠNH CƯỜNG |
Theo đề án định hướng huy động nguồn vốn xã hội đầu tư, khai thác sân bay Chu Lai của Viện Chiến lược và Phát triển GTVT (Bộ GTVT) được trình bày tại buổi làm việc (dự thảo) có hai phương án.
Phương án 1: Công suất quy hoạch giai đoạn đến năm 2030 khoảng 10 triệu hành khách/năm, đề xuất điều chỉnh quy hoạch cảng chủ yếu tập trung các công trình hàng không dân dụng khu vực phía đông.
Đầu tư xây dựng đồng bộ một đường băng cất hạ cánh mới kích thước 3.048m x 45m, hệ thống đường lăn, sân đỗ tàu bay. Xây dựng nhà ga hành khách, khoảng 1,5 triệu tấn hàng hóa/năm, vốn đầu tư kết cấu hạ tầng khoảng 11.000 tỉ đồng.
Phương án 2: Giai đoạn đến năm 2050 với công suất khoảng 30 triệu hành khách/năm.
Cụ thể, từ 2021 - 2030 xây dựng đồng bộ một đường cất hạ cánh mới phía đông, nhà ga hành khách với công suất 10 triệu hành khách/năm, sân đỗ tàu bay; giai đoạn 2030 - 2050 xây dựng một đường cất hạ cánh mới phía tây, xây nhà ga hành khách 15 triệu hành khách, xây dựng khu sửa chữa, bảo dưỡng tàu bay... tổng vốn đầu tư 30.000 tỉ đồng.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh, cho rằng đề xuất quy hoạch Cảng hàng không Chu Lai, trước hết Bộ GTVT và Bộ Quốc phòng có buổi làm việc thống nhất rõ phạm vi ranh giới, định hướng phát triển trong tương lai, trên cơ sở đó mới lập quy hoạch.
Phía Quảng Nam sẽ kiến nghị, báo cáo Thủ tướng có cuộc họp để giải quyết vấn đề trước khi làm các thủ tục tiếp theo.
“Phải xác định khu vực nào bàn giao dứt điểm cho dân sự, khu vực nào để lại cho quân sự, khu nào cả hai dùng chung. Chúng ta phải thống nhất với nhau về mặt đất đai thì trên cơ sở đó mới lập quy hoạch được”, ông Thanh nói.
Theo ông Thanh, tỉnh Quảng Nam đang lập quy hoạch tỉnh, các Bộ, ngành cũng tham gia lập quy hoạch quốc gia đến năm 2050. Như vậy, sân bay Chu Lai là kết cấu hạ tầng đặc biệt quan trọng, phải đưa vào quy hoạch quốc gia, trên cơ sở đó tỉnh Quảng Nam sẽ cập nhật để thực hiện đề án.
Ông Thanh đề nghị Viện Chiến lược và Phát triển GTVT nghiên cứu phương án đề án xã hội hóa sân bay Chu Lai cần tách bạch hai nội dung. Cụ thể, khu phía đông hoàn toàn mới, cần nghiên cứu để tập trung đầu tư trước, khu vực dùng chung khi nào giải quyết rành mạch thì tiếp tục.
Bình luận (0)