Xung đột của Israel lan rộng hơn người ta tưởng?

17/04/2024 05:54 GMT+7

Quá trình đánh chặn các máy bay không người lái và tên lửa, do Iran phóng đi để tấn công Israel, đã phần nào hé lộ mức độ lan rộng của xung đột ở Trung Đông, cũng như có nhiều quốc gia "can dự" hơn dư luận đang biết.

Hôm qua, AFP dẫn lời phát biểu của tướng Herzi Halevi, Tổng tham mưu trưởng quân đội Israel, nhấn mạnh Israel sẽ đáp trả vụ tấn công của Iran khuya 13.4. Cũng hôm qua, Đài NBC dẫn lời một số quan chức Mỹ giấu tên cho hay Israel có thể tiến hành "tấn công chống lại lực lượng quân sự Iran và các lực lượng ủy nhiệm được Iran hậu thuẫn".

Hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot tại một căn cứ quân sự ở Ả Rập Xê Út

Hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot tại một căn cứ quân sự ở Ả Rập Xê Út

AFP

Nguy hiểm hơn cho Trung Đông

Trả lời Thanh Niên, TS Ian Bremmer, Chủ tịch Eurasia Group (Mỹ) - đơn vị tư vấn và nghiên cứu rủi ro chính trị hàng đầu thế giới, đánh giá dù đã ít nhiều thông tin trước, vụ tấn công của Iran vừa qua nhằm vào Israel vẫn là một sự leo thang rõ ràng. Theo ông, đây là thông điệp của Tehran về việc sẵn sàng cho cuộc chiến tranh lớn giữa Iran và Israel. Đó là điều rất thực tế.

Cũng theo TS Bremmer, Tel Aviv sẽ không khoanh tay đứng nhìn và chẳng bỏ qua việc đáp trả. "Israel sẽ tấn công nhằm vào các mục tiêu của Iran một cách thích hợp, tại các quốc gia ủy nhiệm", chuyên gia này nhận định và dự báo: "Israel đã cho thấy họ có khả năng tiêu diệt các chỉ huy quân sự của Iran ở Syria và Tehran không đủ sức ngăn cản điều đó. Tất nhiên, Iran cũng không thể để các lực lượng ủy nhiệm do nước này hậu thuẫn tự xoay xở".

Các hệ thống phòng thủ tên lửa của Israel

Các hệ thống phòng thủ tên lửa của Israel

Tổng hợp

TS Bremmer đánh giá cuộc chiến của Hamas với Israel còn lâu mới kết thúc, khả năng xảy ra sự can dự quân sự hơn nữa, cả đến từ các lực lượng ủy nhiệm như Houthi (Yemen) tiếp tục tập kích ở biển Đỏ. Bên cạnh đó, chưa có biện pháp hữu hiệu nào ngăn chặn leo thang căng thẳng giữa Israel và Iran, nên dù tất cả các bên tham gia khác đều không muốn xung đột lan rộng nhưng Trung Đông vẫn đứng trước nguy cơ này ở mức độ nguy hiểm hơn.

Đồng minh kêu gọi Israel kiềm chế sau cuộc tấn công của Iran

Nhiều thử nghiệm được làm rõ

Trả lời Thanh Niên, ông Dov S.Zakheim, cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ, chuyên gia của Cơ quan Nghiên cứu CNA, cho rằng cuộc tấn công đáp trả vừa qua của Iran nhằm vào Israel làm rõ các thử nghiệm sau:

Thứ nhất, liệu tên lửa đạn đạo của Iran - nhanh hơn máy bay không người lái hoặc tên lửa hành trình - có xuyên thủng được hệ thống phòng không của Israel hay không? Thực tế, chỉ 5 trong số 120 tên lửa đạn đạo lọt qua được hệ thống phòng không của Mỹ. Đây là con số quá nhỏ để Iran có thể mạo hiểm tấn công hạt nhân, vì Israel đủ sức đáp trả bằng loại đầu đạn mạnh mẽ tương xứng.

Thứ hai, các quốc gia khác, đặc biệt là Mỹ, có giúp bảo vệ Israel không? Kết quả là có, Anh cũng tham gia và thậm chí bao gồm Jordan và Ả Rập Xê Út.

Thứ ba, liệu Israel có cạn nguồn vũ khí ứng phó hay không? Câu trả lời là Israel không hết đạn dược. Có thể, Tel Aviv cần được tiếp tế từ Washington, nhưng Quốc hội Mỹ dường như sẵn sàng hỗ trợ các gói vũ khí mới đến Israel.

Chiến hạm Mỹ đánh chặn tên lửa Iran bằng vũ khí chưa từng sử dụng

Khoảng 15 nước đang tham gia?

Trong thông cáo do Nhà Trắng phát đi ngay sau khi Iran tấn công Israel, Tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh: "Theo chỉ đạo của tôi, để hỗ trợ phòng thủ Israel, quân đội Mỹ đã điều động máy bay và tàu khu trục phòng thủ tên lửa đạn đạo tới khu vực trong suốt tuần qua. Nhờ những đợt triển khai này và kỹ năng phi thường của quân đội, chúng tôi đã giúp Israel hạ gục gần như toàn bộ máy bay không người lái và tên lửa đang lao tới".

Điều mà thông cáo đề cập chính là mạng lưới dày đặc mà Mỹ đã thiết lập. Theo chuyên trang nghiên cứu The Intercept, các hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao (THAAD) và phòng thủ tên lửa tầm xa Patriot đã được triển khai ở Iraq, Kuwait, UAE, Qatar, Ả Rập Xê Út, Jordan và tại căn cứ bí mật mang mã 512 mà Mỹ đặt ở Israel. Các tàu chiến Mỹ ở khu vực, mạng lưới phòng thủ tên lửa vừa nêu cùng với các chiến đấu cơ Mỹ đồn trú ở Kuwait, Jordan, UAE, Qatar và Ả Rập Xê Út đủ sức phối hợp thành một mái vòm phòng thủ bao trùm Israel (và các căn cứ khu vực của chính Mỹ với các nước). Anh cũng gắn bó mật thiết với mạng lưới này, hay Bahrain đã mua tên lửa Patriot để trở thành một phần của mạng lưới. Chính vì thế, nếu cộng thêm các bên trực tiếp can dự như Iran, Hezbollah (Li Băng), Houthi (Yemen), các tay súng ở Syria, Hamas (Palestine), thì xung đột của Israel ở Trung Đông đang có sự can dự từ không dưới 15 nước.

Hạ viện Mỹ sẽ bỏ phiếu tách viện trợ Israel, Ukraine

Hôm qua (giờ VN), bất chấp sức ép của phe cực hữu đảng Cộng hòa, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson thông báo trong tuần này sẽ xúc tiến việc bỏ phiếu dự luật viện trợ cho Israel và Ukraine. Sau hơn 2 tháng kể từ khi Thượng viện Mỹ thông qua dự luật kết hợp 2 khoản viện trợ trên, ông Johnson thông báo hạ viện sẽ cân nhắc tổng cộng 4 dự luật riêng lẻ, bao gồm cả viện trợ cho Đài Loan và các ưu tiên về an ninh quốc gia.

Trước đó, viện trợ Mỹ bị trì hoãn do ông Johnson không đồng ý dự luật 95 tỉ USD được thượng viện thông qua tháng 2, bao gồm 14 tỉ USD viện trợ Israel và 60 tỉ USD cho Ukraine.

H.G

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.