Tối qua, Hội nghị cấp cao G20 chính thức khai mạc tại thủ đô Buenos Aires của Argentina với sự tham dự của lãnh đạo các nền kinh tế hàng đầu thế giới. Ngoài chương trình nghị sự chung thì sự kiện trọng tâm thu hút các bên nhất là cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào ngày 1.12. Trong lần gặp nhau đầu tiên kể từ khi Mỹ và Trung Quốc liên tục tung ra những đòn “ăn miếng trả miếng” hồi tháng 7, hai nhà lãnh đạo được trông đợi sẽ mang lại tín hiệu tích cực giúp giảm bớt căng thẳng cho cuộc chiến thương mại đang tác động lớn đến nền kinh tế toàn cầu. Hiện Mỹ đã áp thuế lên tổng cộng 250 tỉ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và bị đáp trả 110 tỉ USD theo chiều ngược lại, theo BBC. Bên cạnh đó, Bắc Kinh còn đánh thuế thêm 3 tỉ USD để trả đũa thuế nhập khẩu nhôm và thép của Washington.
tin liên quan
Tổng thống Trump hủy gặp Tổng thống Putin vì đụng độ Ukraine - NgaTại Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng hôm qua nhấn mạnh tầm quan trọng trong quan hệ thương mại song phương là “đôi bên cùng có lợi”, đồng thời mong đợi “kết quả tích cực” từ cuộc gặp sắp tới. Reuters dẫn lời ông Cảnh nói Trung Quốc muốn Mỹ thể hiện “sự chân thành” và đưa ra đề xuất mà hai bên có thể chấp nhận. Việc đưa gần như toàn bộ đội ngũ cố vấn thương mại của mình đến Argentina lần này cho thấy rõ sự chú trọng của chính quyền Tổng thống Trump về cuộc thảo luận với Trung Quốc. Theo tờ South China Morning Post, Trưởng cố vấn thương mại Peter Navarro, Đại diện thương mại Robert Lighthizer, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin và Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow đều góp mặt.
Một số nhà quan sát nhận định một thỏa thuận dỡ bỏ mọi thuế suất là điều bất khả thi nhưng nhiều khả năng hai bên sẽ đồng ý tạm “đình chiến” để tiếp tục thương lượng. Trong khi đó, những người hoài nghi lo ngại Tổng thống Trump có thể không hài lòng về những nhượng bộ của Trung Quốc nên sẽ xúc tiến quyết định tăng thuế, làm leo thang căng thẳng thương mại và ảnh hưởng đến kinh tế đôi bên lẫn toàn cầu. Theo tờ The Washington Post, Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (trụ sở tại Pháp) mới đây đã hạ mức đánh giá tăng trưởng toàn cầu trong năm 2019 xuống còn 3,5 % từ mức 3,7% của năm 2018 giữa lúc căng thẳng thương mại gây gia tăng bất ổn cho đầu tư và đe dọa chuỗi cung ứng. Tổ chức này dự báo nếu mọi thuế suất mà Tổng thống Trump đe dọa áp đặt và biện pháp đáp trả của Trung Quốc được thi hành, tăng trưởng toàn cầu trong năm 2020 sẽ giảm xuống mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Bình luận (0)