Xuống tận nhà dân hướng dẫn làm hồ sơ trực tuyến

02/07/2022 05:59 GMT+7

Công chức, tình nguyện viên xuống tận chung cư, trụ sở khu phố hướng dẫn người dân cách làm hồ sơ trực tuyến, thay vì phải lên phường như trước đây.

“Chỉ hơn 1 phút”

Sáng 1.7, tại tầng trệt lô A chung cư 43 Hồ Văn Huê (P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM), 4 máy tính đặt ngay ngắn trên bàn. Bà Nguyễn Tố Quyên, người dân sinh sống trong chung cư, cho hay bản thân đã nghe nhiều đến dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) nhưng chưa lần nào làm vì nghĩ rằng thao tác phức tạp và không có ai hướng dẫn. Sau khi được công chức phường hướng dẫn tạo tài khoản và nộp hồ sơ, người phụ nữ này rất hào hứng sau khi làm thủ tục trích lục giấy đăng ký kết hôn. “Từ lúc nhập hồ sơ đến lúc bấm vào ô kết thúc chỉ hơn 1 phút”, bà Quyên nói.

Cách đó chừng 3 km, tại trụ sở KP.6 trên đường Hồ Biểu Chánh (P.11, Q.Phú Nhuận) cũng đông người dân đến tìm cách làm DVCTT. Bà Nguyễn Thị Kiều Oanh (53 tuổi, nhà trên đường Hồ Biểu Chánh) thực hiện tạo tài khoản trên cổng dịch vụ công của Bộ Công an. Đứng bên cạnh, một cảnh sát khu vực hướng dẫn các bước nhập họ tên, số căn cước công dân, địa chỉ và mật khẩu. Gần 10 phút sau, bà Oanh đã lập xong tài khoản.

Công chức hướng dẫn người dân chung cư 43 Hồ Văn Huê, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM làm hồ sơ trực tuyến

Sỹ Đông

Lô A chung cư Hồ Văn Huê và trụ sở KP.6 là 2 trong số 60 điểm tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách làm DVCTT trên địa bàn Q.Phú Nhuận triển khai đồng loạt từ ngày 1.7. Mỗi điểm có từ 2 - 5 máy tính kết nối internet tốc độ cao, hoạt động các buổi tối thứ ba, tư, năm (từ 17 giờ 30 - 20 giờ 30) và sáng thứ bảy (từ 8 - 11 giờ) hằng tuần. Các phường phân công công chức, cảnh sát khu vực, tình nguyện viên để tuyên truyền và hỗ trợ, hướng dẫn trực tiếp cho người dân.

Ông Đỗ Đăng Ái, Phó chủ tịch UBND Q.Phú Nhuận, cho biết có 49 dịch vụ công thiết yếu được làm trực tuyến, gồm 21 thủ tục của UBND và 28 thủ tục ngành công an như đăng ký doanh nghiệp, giấy phép xây dựng, trích lục hộ tịch, xác nhận tình trạng hôn nhân, đăng ký thường trú, tạm trú, đổi căn cước công dân, đổi giấy phép lái xe, đăng ký biển số xe máy… Với 60 điểm hướng dẫn cùng trụ sở UBND, công an quận và 13 phường sẽ tạo thành mạng lưới giúp người dân chỉ mất 5 - 10 phút có thể ra điểm gần nhà nhất làm thủ tục DVCTT.

Người dân TP.HCM trải nghiệm nộp đơn qua dịch vụ công trực tuyến: đơn giản mà hay

Ngăn chặn nhũng nhiễu, “ngâm” hồ sơ

5 năm qua, tỷ lệ hồ sơ qua DVCTT của Q.Phú Nhuận nằm trong nhóm dẫn đầu thành phố, 6 tháng đầu năm tỷ lệ này đạt hơn 85%. Về lý do triển khai xuống tận khu phố, ông Ái cho biết quận muốn nâng cao tỷ lệ này hơn nữa thông qua hướng dẫn trực tiếp để người dân quen tay, chứ không phải đến khi đụng việc mới loay hoay tìm hiểu. Ngoài đội ngũ tình nguyện viên, 12 cán bộ, công chức của các phòng chuyên môn cũng phụ trách kết nối trực tiếp với các điểm nhằm hỗ trợ xử lý về mặt thủ tục, văn bản, kỹ thuật trong quá trình vận hành. Toàn bộ máy tính tại các điểm hướng dẫn đều từ nguồn xã hội hóa thông qua đóng góp, ủng hộ của doanh nghiệp, trường học và người dân trên địa bàn.

Theo lãnh đạo UBND Q.Phú Nhuận, đây là một trong các giải pháp trọng tâm thực hiện chủ đề năm 2022 của TP.HCM, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp. “Mục tiêu trước mắt là mỗi gia đình sẽ có ít nhất 1 người có thể thực hiện DVCTT để về hướng dẫn cho các thành viên khác”, ông Ái nói. Khi nộp hồ sơ trực tuyến, lãnh đạo quận cũng sẽ biết được tiến độ giải quyết, tránh tình trạng cán bộ nhũng nhiễu, “ngâm” hồ sơ, đổ lỗi thiếu giấy tờ…

Thủ tục hành chính là điểm nghẽn lớn nhất

Tại hội nghị sơ kết kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho rằng các sở, ngành, quận, huyện đã có nhiều nỗ lực tháo gỡ vướng mắc để hoạt động kinh tế xã hội thông suốt giúp dòng vốn “chạy”. Dù vậy, vướng mắc về thủ tục hành chính vẫn là điểm nghẽn lớn nhất ảnh hưởng đến hấp thu vốn, kể cả giải ngân đầu tư công và hấp thu vốn đầu tư xã hội, khiến cho dòng tiền không chảy được vào sản xuất kinh doanh, không tạo được việc làm, giá trị kinh tế. Do đó, ông Mãi yêu cầu từng cơ quan, đơn vị tập trung tháo gỡ nhằm đảm bảo giải quyết nhanh chóng các yêu cầu của người dân, doanh nghiệp để đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế, tạo đà tăng tốc trong năm 2023.

Khuyến khích người dân dùng DVCTT được TP.HCM kêu gọi nhiều năm qua, nhưng một số quận, huyện, sở ngành vẫn có tỷ lệ hồ sơ khá thấp. Phó giám đốc Sở TT-TT TP.HCM Võ Thị Trung Trinh cho biết để người dân sử dụng DVCTT cần quá trình dài và rất khó khăn, trong đó các đơn vị cần tập trung vào 2 việc chính là tuyên truyền cho người dân biết và hướng dẫn cho người dân làm. Lãnh đạo Sở TT-TT khuyến khích các quận, huyện khác tùy theo điều kiện của địa phương lập các tổ hỗ trợ xuống cơ sở để vừa tuyên truyền, vừa hướng dẫn người dân làm hồ sơ trực tuyến. Dự kiến trong tháng 10.2022, cổng dịch vụ công TP.HCM sẽ vận hành chính thức, tích hợp thanh toán trực tuyến giúp người dân thuận lợi hơn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.