Xuyên tâm liên bị 'thổi giá' tại Hà Nội

Thu Hằng
Thu Hằng
28/07/2021 06:42 GMT+7

Dù Bộ Y tế đã khuyến cáo người dân không tự mua xuyên tâm liên để điều trị Covid-19 , song những ngày qua, nhiều người dân ở Hà Nội vẫn lùng mua, khiến mặt hàng này bị “thổi giá”.

Liên tục “cháy” hàng, mỗi nơi một giá
Sau khi Bộ Y tế thông tin về việc giao cho đơn vị chức năng làm đề cương nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng sản phẩm xuyên tâm liên (XTL) hỗ trợ điều trị trên bệnh nhân Covid-19; rồi công bố danh mục 12 thuốc, sản phẩm dược liệu phòng và hỗ trợ điều trị Covid-19, trong đó có sản phẩm XTL, ngay lập tức, thị trường XTL “cháy hàng”, giá liên tục bị đẩy lên cao.
Bộ Y tế ngày 26.7 đã thu hồi văn bản về 12 loại thuốc, sản phẩm dược liệu phòng và hỗ trợ điều trị Covid-19, nhưng thị trường sản phẩm dược liệu, đặc biệt là XTL, vẫn không ngừng “hot”.
Chị Minh Thủy, chủ một quầy thuốc ở chợ thuốc Hapulico (Q.Thanh Xuân), cho biết: “Hơn 10 năm bán thuốc, chưa thấy ai hỏi mua XTL. Không có người dùng nên mình cũng chẳng nhập về. Mấy ngày gần đây, nhiều người hỏi mua, các công ty dược cũng có gửi bán, nhưng giá thành tăng khá cao nên tôi không nhập”.
Khảo sát trên thị trường, có tới hàng chục loại sản phẩm XTL khác nhau. Không chỉ thuốc XTL dạng viên nén, mà còn thực phẩm chức năng dạng viên nang, siro, trà túi lọc, dạng xịt… Giá thuốc dạng viên từ 50.000 - 250.000 đồng/hộp, cốm 145.000 - 150.000 đồng/hộp, xịt XTL 99.000 đồng, trà gừng XTL 150.000 đồng/hộp, viên sủi XTL 180.000 đồng/hộp, siro 180.000 đồng/hộp…

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn hướng dẫn cách ly F0, F1 không triệu chứng tại nhà

Do nhu cầu thị trường tăng nhanh, giá XTL cũng bị đẩy lên cao, mỗi nơi một giá khác. Đơn cử, viên nang XTL của Công ty TNHH Dược phẩm Quốc tế An Hòa Phát Takeda Tokyo Japan, tại một quầy thuốc ở chợ thuốc Hapulico (Q.Thanh Xuân) giá chỉ 70.000 đồng/hộp (30 viên), nhưng trên chợ mạng đã “thổi” giá lên gấp 3 lần, với 199.000 đồng/hộp; mua từ 4 hộp trở lên giá 159.000 đồng/hộp. XTL dạng cốm 150.000 đồng/hộp, đắt hơn so trước đây (chỉ có 70.000 đồng/hộp).
Chị Minh Nguyệt, nhân viên văn phòng ở Q.Cầu Giấy, chia sẻ: “Tôi thấy các đồng nghiệp mách nhau mua thuốc XTL về dự phòng trị Covid-19, ra hiệu thuốc mua mà không có, hàng hiếm phải đặt trước mua mới có hàng. Còn mua hàng online, nhắn tin đến ngày sau mới thấy hồi âm vì nhiều khách đặt, hàng khan chưa về. Đọc báo thấy chỉ có 1 công ty dược ở Thanh Hóa còn sản xuất XTL, tôi có nhờ người nhà mua nhưng người nhà nói thuốc cũng đã bị gom sạch từ mấy ngày trước”.
Trên các trang thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki… cũng chào nhiều loại sản phẩm XTL với giá khá cao, như XTL dạng viên cao cấp giá 320.000 đồng/hộp; cao XTL 569.000 đồng/lọ… Một số loại trên bao bì còn quảng cáo tăng cường đề kháng, ức chế virus Covid-19. Thậm chí, trên mạng xã hội, chợ mua bán thuốc XTL thời Covid-19 mới được lập ra mua bán rất sôi động, nhưng rất ít người bán thông tin rõ về giá cả, nguồn gốc, xuất xứ, giấy phép đăng ký do cơ quan chức năng cấp.

Không tự ý mua XTL về dùng

Trước tình trạng thị trường loạn các loại sản phẩm XTL, chiều 26.7, Cục An toàn thực phẩm (ATTP - Bộ Y tế) đã ra thông báo khẩn cảnh báo về 2 sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khoẻ giả mạo hỗ trợ điều trị Covid-19 có tên XTL. Đây là các sản phẩm chưa được công bố và đăng ký với cơ quan chức năng.
Cục ATTP nhận được phản ánh của người dân qua đường dây nóng rằng trên thị trường xuất hiện 2 sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe viên uống XTL CV19 có logo Toàn Lộc (vỏ hộp màu đỏ), và sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe viên uống XTL CV19 có logo Nhất Lộc (vỏ hộp màu xanh), đều ghi có công dụng kháng virus, kháng Covid-19, kháng viêm, điều trị đau họng cảm cúm và nhiễm trùng đường hô hấp, phòng chống Covid-19…
Đại diện Cục ATTP khẳng định: “Không có bất kỳ loại thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe nào chữa được Covid-19 hay kháng Covid-19; đồng thời, không có bất kỳ thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe nào được phép ghi công dụng "điều trị bệnh". 2 sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe nêu trên là giả mạo, Cục ATTP đang phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý”.
Theo lương y Nguyễn Hồng Siêm, Phó chủ tịch Hội Nam y Việt Nam, XTL thuộc họ Ô rô (Acanthaceae), có tác dụng thanh nhiệt, giải độc và điều trị cảm cúm. Những năm 60 - 70 của thế kỷ trước, một số công ty dược trong nước sản xuất thuốc XTL, nhưng sau này hóa dược phát triển, người dân ít dùng nên nhiều công ty dừng sản xuất.
Theo ông Siêm, qua phương tiện truyền thông gần đây cho thấy, Trung Quốc và Thái Lan có sử dụng XTL điều trị Covid-19 ở giai đoạn đầu, tuy nhiên, có chữa được Covid-19 không thì chưa ai dám khẳng định.
Người tiêu dùng nên cẩn trọng khi mua sản phẩm này về điều trị Covid-19, và không nên coi đó là “thần dược”. XTL hiện rất khan hiếm nguyên liệu nên giá thành cũng bị đẩy lên cao. Người mua chỉ nên lựa chọn các sản phẩm đã được cấp phép của Bộ Y tế, tuyệt đối không mua sản phẩm chưa rõ nguồn gốc xuất xứ”, ông Siêm lưu ý.

Sáng 28.7: Cả nước 2.861 ca Covid-19; riêng TP.HCM chiếm 2.115 ca, Hà Nội 69 ca

Trước tình hình người dân lùng mua XTL, ông Trần Minh Ngọc, Phó cục trưởng Cục Quản lý Y, dược cổ truyền (Bộ Y tế), mới đây cũng khuyến cáo người dân không nên tự ý mua thuốc XTL để sử dụng, đặc biệt với mục đích phòng ngừa Covid-19; chỉ sử dụng thuốc XTL theo chỉ dẫn của các thầy thuốc.
Theo ông Ngọc, Cục này vẫn đang phối hợp với Cục Khoa học - Công nghệ - Đào tạo (Bộ Y tế) xây dựng đề cương nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng sản phẩm XTL hỗ trợ điều trị trên bệnh nhân Covid-19.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.