"Phó tổng thống Kamala Harris có hai đối thủ trong cuộc tranh luận rất được mong đợi vào tối 10.9: cựu Tổng thống Donald Trump và những kỳ vọng cao. Cô ấy đã thể hiện tốt trước cả hai".
Đó là nhận xét sau cuộc tranh luận được đề cập trong đánh giá của Eurasia Group (Mỹ) - đơn vị tư vấn và nghiên cứu rủi ro chính trị hàng đầu thế giới.
Từ "ít nói tránh vạ miệng"…
Thực tế, một thách thức lớn cho bà Harris chính là làm sao phải thuyết phục công chúng về việc bản thân là một lựa chọn xứng đáng để đại diện đảng Dân chủ trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng.
Đây là một thách thức lớn bởi bà chính thức ứng cử khi cuộc đua đã đi khá xa, còn chưa đầy 4 tháng trước giờ G. Và vì là phó tổng thống trong chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden, bà Harris có thể bị đối thủ tấn công nhằm vào những bất ổn kinh tế của nhiệm kỳ lãnh đạo hiện tại. Không những vậy, trong cuộc tranh luận trước đó giữa ứng viên đại diện hai đảng, ông Biden đã thất thế trước ông Trump.
Thời gian qua, ông Trump liên tục chỉ trích bà Harris né tránh truyền thông - điều được giới quan sát cho là chiến thuật phòng ngừa rủi ro "vạ miệng" của đương kim Phó tổng thống Mỹ. Kể từ khi chính thức ứng cử, hầu hết Phó tổng thống Harris chỉ xuất hiện trước công chúng qua các sự kiện vận động tranh cử và Hội nghị toàn quốc đảng Dân chủ diễn ra từ ngày 19 - 22.8, nơi bà đã thể hiện hình ảnh một tổng tư lệnh kèm thông điệp rằng bản thân là chọn lựa tốt nhất cho vị trí chủ nhân Nhà Trắng lần này.
Phải đến cuối tháng 8, bà Harris mới lần đầu xuất hiện trên sóng truyền hình để trả lời phỏng vấn với tư cách ứng viên tranh cử tổng thống Mỹ. Tuy nhiên, tại lần xuất hiện này, đương kim Phó tổng thống Mỹ cũng hạn chế thảo luận chi tiết kế hoạch hành động nếu đắc cử.
…đến áp chế đối thủ, nhưng còn chông gai
Theo phân tích của Eurasia Group gửi đến Thanh Niên, bà Harris đã thành công trong việc đưa Trump vào thế phòng thủ trong phần lớn cuộc tranh luận. Bà chỉ trích đối thủ về một loạt vấn đề từ phá thai và hồ sơ phạm tội của ông Trump.
Trong khi đó, cựu Tổng thống Trump đưa ra những thông điệp u ám về vấn đề nhập cư, tội phạm và "cánh tả cực đoan". Nhưng bà Harris dường như đã đoán được chiến thuật của ông Trump nên chủ động phản ứng. Điển hình, khi ông Trump chỉ trích chính sách của đương kim Tổng thống Biden, bà Harris đã đáp trả: "Ông không đối đầu với ông Biden. Ông đang đối đầu với tôi". Hay bà Harris công kích đối thủ: "Điều quan trọng là chúng ta phải tiến về phía trước. Chúng ta phải lật sang trang mới trước lối hùng biện cũ kỹ mệt mỏi này".
Suốt cuộc tranh luận, ông Trump nhiều lần không bám sát chủ đề. Ví dụ, khi được hỏi về cuộc chiến ở Gaza, thay vào đó, vị cựu tổng thống tập trung vào xung đột Ukraine và nói rằng điều đó sẽ không bao giờ xảy ra dưới sự lãnh đạo của ông.
Bà Harris cũng đã khai thác ngôn ngữ hình thể khá nhiều để tìm cách chiếm ưu thế trong cuộc tranh luận. Cụ thể, khi ông Trump phát biểu, bà thường xuyên thể hiện các kiểu cảm thán như: thở dài lặng lẽ, lắc đầu xem thường, nhìn đối phương như thể thương hại… Phó tổng thống Harris đã tập trung vào việc thể hiện thông điệp bà là một thế hệ lãnh đạo mới, những người sẽ lật sang trang mới để kết thúc giai đoạn gây chia rẽ trong lịch sử chính trị Mỹ. Tuy nhiên, cuộc tranh luận vẫn bị cho là cả hai phía đều thiếu thông tin cụ thể về chính sách.
Sau cuộc tranh luận, một số đồng minh của ông Trump tỏ ra không ấn tượng với biểu hiện của ông. Ví dụ, Thượng nghị sĩ Lindsey Graham đảng Cộng hòa mô tả cuộc tranh luận là "cơ hội bị bỏ lỡ" đối với ông Trump.
Mặc dù được đánh giá chiếm ưu thế, nhưng kết quả thăm dò vẫn không cho thấy tỷ lệ ủng hộ bà Harris thực sự vượt hẳn so với ông Trump. Tất nhiên, nỗ lực của bà Harris khó có thể thay đổi những cử tri ủng hộ ông Trump, mà mục đích là nhắm đến những cử tri chưa đưa ra chọn lựa. Có lẽ vì thế, phía Dân chủ thể hiện rõ mong muốn có thêm cuộc tranh luận thứ hai giữa bà Harris và ông Trump.
Mỹ siết chặt an ninh trong quá trình chứng nhận kết quả bầu cử
Cơ quan Mật vụ Mỹ ngày 11.9 cho biết chính phủ sẽ tăng cường đáng kể các biện pháp bảo vệ an ninh cho phiên họp chung của quốc hội Mỹ, nơi các nhà lập pháp kiểm phiếu đại cử tri và chứng nhận kết quả bầu cử tổng thống vào ngày 5.11 sắp tới. Theo đó, Cơ quan Mật vụ Mỹ sẽ chịu trách nhiệm lên kế hoạch an ninh trên. Theo CNN, động thái này nhằm tránh lặp lại vụ bạo loạn tại Điện Capitol hôm 6.1.2021, khiến ít nhất 140 cảnh sát bị thương và hơn 1.500 người bị buộc tội.
Quá trình chứng nhận vào ngày 6.1.2025 đã được Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ Alejandro Mayorkas chỉ định là sự kiện an ninh đặc biệt của quốc gia để tạo điều kiện giải ngân các quỹ và nguồn lực cho nhu cầu đảm bảo an ninh.
Trí Đỗ
Bình luận (0)