Y tế công cần quy định về hình thức xã hội hoá

28/10/2022 12:01 GMT+7

Dự thảo luật Khám bệnh, chữa bệnh còn một số vấn đề cần làm rõ, như cơ chế xã hội hóa trong y tế công; giá dịch vụ y tế, vận hành hệ thống y tế cơ sở...

Tôi nhất trí cao với nhiều nội dung đã được sửa đổi trong dự thảo luật Khám bệnh, chữa bệnh (dự thảo) trình kỳ họp Quốc hội lần này. Tuy nhiên, dự thảo luật vẫn còn một số vấn đề cần quan tâm và làm rõ.

TS Trần Thị Nhị Hà cho biết, y tế công cần có quy định về phương thức triển khai xã hội hóa phù hợp với đặc thù của lĩnh vực y tế, không trái với tinh thần của pháp luật về đầu tư công, về quản lý, sử dụng tài sản công

NGỌC THẮNG

Cần có cơ chế về xã hội hoá trong lĩnh vực y tế

Y tế là lĩnh vực nhạy cảm, theo quy định hiện nay, việc thu hút nguồn vốn từ xã hội hoá trong lĩnh vực y tế rất vướng mắc, khó khăn, đặc biệt là quy trình, thủ tục triển khai. Vì vậy, rất cần quy định về hình thức, phương thức triển khai xã hội hóa phù hợp với đặc thù của lĩnh vực y tế nhưng không trái với tinh thần của pháp luật về đầu tư công, về quản lý, sử dụng tài sản công.

Tôi nhất trí với việc quy định cụ thể các hình thức thu hút nguồn lực xã hội tại dự thảo luật, tuy nhiên, nếu chỉ quy định về hình thức mà không có cơ chế để thực hiện thì xã hội hoá y tế lại trở thành bài toán không có lời giải.

Đơn cử như hình thức “vay vốn để đầu tư công trình hạ tầng, trang thiết bị y tế” được quy định tại khoản 3 điều 107 của dự thảo. Quy định về vay vốn tại các đơn vị y tế đã có từ lâu nhưng thực tế rất khó triển khai do vướng mắc trong vấn đề tài sản thế chấp, vấn đề lãi suất, vấn đề vốn đối ứng.

Tôi cho rằng, Quốc hội, Chính phủ hoàn toàn có thể quy định đặc thù cho phép các cơ sở y tế được sử dụng một phần tài sản công để thế chấp vay vốn tại các tổ chức tín dụng, đồng thời quy định thêm chính sách cho phép các cơ sở y tế được vay vốn tín dụng ưu đãi của nhà nước hoặc trở thành đối tượng ưu tiên lãi suất vốn vay của các tổ chức tín dụng.

Tôi kiến nghị bỏ khoản 4 của điều 107, bổ sung nội dung khoản 5, trong đó giao Chính phủ quy định chi tiết về cơ chế, chính sách, thủ tục thực hiện xã hội hoá trong lĩnh vực y tế với từng hình thức cụ thể.

Về hình thức xã hội hoá, tôi kiến nghị bổ sung hình thức: “mượn thiết bị theo hợp đồng trúng thầu mua sắm vật tư tiêu hao thường xuyên của cơ sở y tế”, đây là quy định đặc thù nhưng phù hợp với thông lệ quốc tế trong mua bán hoá chất, vật tư y tế.

Giá khám chữa bệnh đang khác nhau giữa các bệnh viện công

NGỌC THẮNG

Và sửa đổi điểm e khoản 3 là “tài trợ, viện trợ từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước” để bao quát hết hoạt động tài trợ, viện trợ.

Đồng thời, cân nhắc bỏ hình thức “thuê dịch vụ nhà thuốc”, tránh xung đột với quy định pháp luật về dược.

Giá khám chữa bệnh cần thống nhất

Về chi phí khám bệnh, chữa bệnh và giá khám bệnh, chữa bệnh (điều 108 dự thảo) là nội dung có rất nhiều thay đổi qua các bản dự thảo và cũng là nội dung thu hút sự chờ đợi, quan tâm của tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Đối với dự thảo lần này, nội dung quy định được sửa đổi theo hướng bám sát các nguyên tắc, quy định pháp luật chung về giá, không có những quy định mang tính riêng, đặc thù phù hợp với lĩnh vực y tế. Vì vậy, rất cần có những quy định mang tính đặc thù trong luật Khám bệnh, chữa bệnh.

Tôi kiến nghị sửa đổi nội dung của khoản 3 điều 108 của dự thảo như sau:

“Giá khám bệnh, chữa bệnh của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của nhà nước do Bộ Y tế ban hành áp dụng thống nhất trên toàn quốc. Giá khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của nhà nước và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thành lập theo phương thức đối tác công tư do thủ trưởng đơn vị quyết định theo hướng dẫn của Bộ Y tế”.

Như vậy, giá khám bệnh, chữa bệnh của cơ sở y tế nhà nước sẽ được áp dụng thống nhất, tạo sự công bằng giữa các đơn vị và giữa các đối tượng cùng có thẻ bảo hiểm y tế; tạo thuận lợi cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khi triển khai thực hiện, đồng thời tiết kiệm được chi phí, thời gian và nhân lực khi xây dựng giá khám bệnh chữa bệnh của đơn vị. Quy định giá khám bệnh chữa bệnh theo yêu cầu như trên cũng tạo sự chủ động, phù hợp với nhu cầu thực tế của mỗi đơn vị nhưng vẫn có sự kiểm soát của Bộ Y tế.

Về cấp chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh (điều 103 dự thảo):

Khái niệm “cấp chuyên môn kỹ thuật” chưa có trong các văn bản quy phạm pháp luật của lĩnh vực y tế trước đây và cũng là lần đầu tiên được ghi nhận trong dự thảo luật, vì vậy, đề nghị bổ sung định nghĩa về “cấp chuyên môn kỹ thuật” trong điều khoản giải thích từ ngữ.

Hiện nay, hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đang được Bộ Y tế phân tuyến chuyên môn kỹ thuật thành 4 tuyến. Mặc dù, dự thảo đã quy định lộ trình thực hiện nội dung từ ngày 1.1.2027, tuy nhiên, tôi cho rằng việc chuyển đổi mô hình 4 tuyến thành 3 cấp, phù hợp với điều kiện thực tiễn của hệ thống y tế Việt Nam là một thách thức đối với việc tổ chức thực hiện, nên rất cần dự thảo luật phải hướng dẫn nguyên tắc cụ thể.

Dự thảo luật Khám bệnh, chữa bệnh cũng còn thiếu quy định về nguyên tắc để vận hành hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo 3 cấp chuyên môn kỹ thuật; các quy định trong dự thảo chưa làm rõ sự kết nối giữa các cấp khám bệnh, chữa bệnh và đảm bảo điều tiết toàn hệ thống.

Vì vậy, đề nghị cân nhắc bổ sung một số nội dung như: nguyên tắc quy hoạch hệ thống cơ sở y tế theo 3 cấp chuyên môn phù hợp với việc quản lý cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo địa bàn, theo vùng miền, từ đó phân bổ các cơ sở y tế hợp lý, để người dân được tiếp cận các dịch vụ từ sớm, từ xa, được chữa bệnh đúng cấp. Bên cạnh đó, Ban soạn thảo cũng cần tính toán những quy định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh giữa các cấp và hài hoà về nguồn thu giữa các cấp để đảm bảo sự phát triển bền vững của hệ thống.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.