Báo cáo của Quỹ nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) vừa công bố kết quả đáng kinh ngạc cho Nhật Bản. Theo đó quốc gia Đông Bắc Á giữ vị trí hàng đầu ở các mục chỉ số sức khỏe trẻ em, với tỷ lệ chết non thấp và ít trường hợp trẻ bị suy dinh dưỡng.
Đồng thời, nước này cũng xoay xở giảm được tỷ lệ béo phì ở mức thấp nhất trong số 41 quốc gia phát triển thuộc nhóm Tổ chức Hợp tác & Phát triển Kinh tế (OECD) và Liên minh châu Âu (EU).
Sau khi phân tích, giới chuyên gia phát hiện chương trình bữa trưa học đường được áp dụng bắt buộc trên toàn quốc đóng vai trò then chốt cho kỳ tích của Nhật Bản.
“Các chuyên gia dinh dưỡng lên thực đơn được tính toán kỹ lưỡng để phù hợp cho sự phát triển của học sinh, áp dụng cho mọi trường tiểu học và đa số trường cấp hai trên khắp Nhật Bản”, AFP dẫn lời giáo sư tiến sĩ Mitsuhiko Hara của Đại học Tokyo Kasei Gakuin.
|
Mọi học sinh đều phải ăn trưa ở trường, và không được phép mang cơm theo, với mức giá được hỗ trợ tối đa từ ngân sách của chính phủ.
Mỗi bữa ăn được thiết kế để đảm bảo mức calorie từ 600 đến 700, cân bằng giữa các chất tinh bột, thịt hoặc cá và rau củ quả.
“Bữa ăn học đường được sắp xếp để cung cấp những dạng chất dinh dưỡng mà bữa ăn ở nhà có thể bị thiếu hụt”, quan chức Bộ Giáo dục Mayumi Ueda cho biết, và vì thế mang đến sự cân bằng cần thiết trong dinh dưỡng cho học sinh.
|
Bữa trưa học đường ở Nhật Bản có nguồn gốc từ rất sớm, theo ghi nhận là vào năm 1889, khi trẻ con xuất thân từ gia đình nghèo ở tỉnh miền bắc Yamagata được phát cơm nắm và cá nướng.
Tuy nhiên, kể từ sau đệ nhị thế chiến, chương trình này được nhân rộng trên toàn quốc nhằm tránh trẻ con bị đói trong bối cảnh lương thực khan hiếm.
Bên cạnh đó, các chương trình về dinh dưỡng được phát tại trường mỗi ngày, giải thích lợi ích của từng món ăn, nhằm giáo dục trẻ hiểu được cách lựa chọn thực phẩm có lợi cho bản thân sau này.
Bình luận (0)