Để con trẻ không lạc lối trên internet

14/03/2021 08:07 GMT+7

Giữa muôn trùng nội dung tốt xấu trên internet hiện nay, các phụ huynh có thể tận dụng nhiều biện pháp nhằm không chỉ kiểm soát mà còn định hướng con mình không bị ảnh hưởng tiêu cực bởi các nội dung chưa phù hợp.

Cách kiểm soát việc dùng smartphone

Hiện nay, nhiều trẻ từ sớm đã sở hữu điện thoại di động thông minh (smartphone) hay máy tính bảng. Tuy nhiên, để con trẻ không sử dụng các thiết bị này bừa bãi, các phụ huynh chỉ nên tải sẵn một số ứng dụng, trò chơi phù hợp với trẻ. Trước khi giao thiết bị cho con cái, cha mẹ cần thoát khỏi các tài khoản Google hoặc Apple và không tiết lộ mật mã (password) của tài khoản, để tránh trường hợp con trẻ tự ý tải về các ứng dụng, trò chơi khác.
Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh vẫn có thói quen đưa smartphone hay máy tính bảng của mình cho con trẻ sử dụng. Trong trường hợp như vậy, một profile mới - tạm hiểu như một hệ thống cài đặt riêng - chỉ giới hạn sử dụng các ứng dụng cụ thể trong tình huống cho trẻ mượn máy. Một số điện thoại có sẵn chế độ cho mượn máy, thì phụ huynh có thể dễ dàng cài đặt được giới hạn những ứng dụng mà trẻ được phép sử dụng. Cách cài đặt tùy thuộc vào loại thiết bị và phụ huynh có thể nhờ sự hỗ trợ của các trung tâm chăm sóc khách hàng nhà cung cấp thiết bị, hệ thống bán lẻ hoặc tham khảo trên các diễn đàn công nghệ.

Những ‘hot trend’ chết chóc trên mạng xã hội dụ dỗ trẻ em bắt chước

Ngoài ra, một số nền tảng video phổ biến hiện nay đang rất thu hút trẻ em lẫn học sinh trung học như YouTube, TikTok... đã cung cấp các ứng dụng chuyên biệt với nội dung được phân loại phù hợp theo lứa tuổi.
Điển hình như YouTube thì có ứng dụng YouTube Kids được phát triển theo định hướng hạn chế những nội dung không phù hợp từ phiên bản YouTube thông thường. Trong đó, YouTube Kids phân loại độ tuổi của trẻ với 3 mức gồm: dưới 4 tuổi, 5 - 7 tuổi và 8 - 12 tuổi để cung cấp nội dung phù hợp. Với ứng dụng này, phụ huynh có thể chọn tắt tìm kiếm để trẻ không tìm được các nội dung ngoài những nội dung YouTube gợi ý phù hợp với lứa tuổi, kích hoạt chế độ “Pause History” để ngăn chặn các gợi ý không cần thiết.

Vẫn có nhiều nội dung tích cực dành cho trẻ trên internet

ẢNH: T.L

Vì thế, phụ huynh nên cài đặt các ứng dụng chuyên biệt này cho con trẻ và cài đặt mật mã riêng để giữ quyền thiết lập các chọn lọc nội dung.

Giám sát việc truy cập internet

Do đại dịch Covid-19, việc học bằng hình thức trực tuyến trở nên phổ biến hơn. Chính vì thế, nhiều phụ huynh phải trang bị máy vi tính để con cái học tập, nhưng không thể luôn bên cạnh để kiểm soát liệu con cái đang học hay truy cập các trang mạng không liên quan, thậm chí là các trang mạng đồi trụy.
Phụ huynh có thể tận dụng các tính năng khá phổ biến được tích hợp trên router kết nối internet, bộ phát wifi, hoặc trên máy vi tính. Trước khi bàn giao máy cho con cái nhỏ tuổi sử dụng, phụ huynh cũng cần tạo một tài khoản sử dụng riêng cho con và tài khoản này được cài đặt để không thể tự ý tải ứng dụng. Sau đó tạo sẵn đường dẫn đến những trang web học tập, giải trí mà bố mẹ muốn con xem và đưa biểu tượng của các đường dẫn này ra màn hình chính và khóa tất cả các chức năng khác. Hoặc phụ huynh có thể cài đặt router chỉ cho phép truy cập một số địa chỉ trang mạng cụ thể (ví dụ như các trang học trực tuyến).
Ngoài ra, nhiều mẫu router ở phân khúc trung cấp trở lên còn có thêm tính năng theo dõi hệ thống từ xa. Cha mẹ chỉ cần cài ứng dụng trên điện thoại, đăng nhập tài khoản đã tạo khi lắp đặt router là đã có thể theo dõi toàn bộ hệ thống mạng ở nhà. Với tính năng này, phụ huynh có thể kiểm tra định kỳ hoạt động của con cái đang ở nhà, biết được con đang dùng thiết bị nào, đang truy cập vào nội dung gì, sử dụng lưu lượng mạng ra sao... Đồng thời, nên thường xuyên định kỳ kiểm tra lịch sử duyệt web, lịch sử tìm kiếm của con để xem có nội dung không lành mạnh hay không.
Một giải pháp khác để phòng ngừa con trẻ truy cập các web “đen” như một số trang khiêu dâm, phụ huynh có thể sử dụng ứng dụng về bảo mật phổ biến hiện đều có chức năng chặn web đen. Cha mẹ chỉ cần cài đặt vào máy và kích hoạt tính năng này lên. Khi đó, danh sách các web đen sẽ được tự động cập nhật và chặn ngay lập tức mỗi khi con trẻ có ý định tìm kiếm, truy cập.

Giới thiệu thêm “sân chơi”

Tất nhiên, để con trẻ không lạc lối trên internet thì không chỉ cần kiểm soát mà còn phải định hướng với những ứng dụng hấp dẫn, bổ ích và thậm chí vừa giải trí vừa kết hợp nâng cao khả năng ngoại ngữ cho con trẻ.
Hiện tại, nhiều ứng dụng trên điện thoại cung cấp những bài học bổ ích, hình ảnh sinh động, thu hút trẻ em vừa chơi vừa học ngoại ngữ cũng như những kiến thức nền tảng bổ ích và thú vị. Sau đây là một số ứng dụng được đánh giá cao và sẵn có trên các kho ứng dụng của thiết bị chạy hệ điều hành Android hoặc thiết bị của Apple như iPhone, iPad.
Ứng dụng ABCmouse (dành cho trẻ từ 2 - 8 tuổi) cung cấp các bài học bằng tiếng Anh cho các môn toán, ngôn ngữ, khoa học, nghệ thuật… với âm thanh rõ ràng để trẻ có thể học được tiếng Anh thuận lợi.
Brain Pop Jr. Movie of the Week là ứng dụng tổng hợp những nội dung giáo dục ở những mảng khoa học tự nhiên, động thực vật, thời tiết, sức khỏe, toán học, xã hội... thể hiện dưới hình thức phim ngắn. Qua những thước phim rõ ràng, âm thanh sống động và câu thoại hồn nhiên, trẻ sẽ được tiếp cận với đa dạng các vấn đề khoa học tự nhiên.
Lingokids là ứng dụng học ngoại ngữ dành cho các em nhỏ. Thông qua những bài hát, những câu thoại rõ ràng, tươi vui, trẻ sẽ được học các ký tự, số đếm, những từ vựng, cụm từ và cả câu giao tiếp bằng tiếng Anh.
Lightbot (phù hợp với trẻ từ 6 tuổi trở lên) là một trò chơi yêu cầu các bé phải lập trình cho chú robot đi thắp sáng hết căn phòng thông qua các lệnh đơn giản như lên, xuống, trái, phải, nhảy..., qua đó giúp trẻ hình thành được tư duy logic và kỹ năng lập trình.

Cha mẹ cần chủ động bảo vệ con

Với trẻ dưới 4 tuổi, việc xem video vẫn cần cha mẹ kiểm soát. Còn trẻ từ 4 tuổi trở lên, cha mẹ vẫn cần đồng hành và giúp con định hình, nhận thức được video nào nên xem, video nào không. Việc giúp con nhận thức được những video nào là độc hại để tự bản thân con có thể hình thành được một “hàng rào” riêng mới là giải pháp lâu dài.
Tô Hồng Vân
(Nhà văn chuyên viết sách thiếu nhi)

Cần xem là vấn đề cấp bách

Việc kiểm soát các nội dung độc hại trên mạng xã hội cần được Bộ Thông tin - Truyền thông đưa vào vấn đề cấp bách. Bởi lâu nay, khi “sự đã rồi” cơ quan chức năng mới xử lý như chặn kênh, hoặc bắt giam một số giang hồ mạng… Nhà nước không nên buông lỏng quản lý mà cần có cách kiểm soát, kiểm duyệt chặt chẽ hơn, vì nó quá nguy hiểm đối với thế hệ trẻ.
TS Phạm Thị Thúy
(Học viện Hành chính quốc gia phân viện tại TP.HCM)

Cần thêm nhiều “sân chơi” cho trẻ

Cha mẹ cần trang bị cho con em kiến thức, kỹ năng tiếp cận với mạng xã hội, cách nhận biết tốt xấu. Đồng thời nhà trường và gia đình cần tạo nhiều sân chơi, nhiều hoạt động cộng đồng hơn để trẻ tham gia, tránh tình trạng trẻ học xong là chỉ biết lên mạng xã hội để giải trí.
TS Lê Minh Công
(Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM)
Nguyễn Loan - Mỹ Quyên (thực hiện)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.