Học sinh học trực tuyến thế nào nếu cách ly, về quê hoặc thiếu phương tiện?

Bích Thanh
Bích Thanh
25/08/2021 15:06 GMT+7

Bắt đầu từ ngày 1.9, học sinh các trường THCS, THPT và tiểu học ở TP.HCM sẽ lần lượt bước vào năm học mới với hình thức học trực tuyến .

Học đầy đủ các môn học

Các trường đã xây dựng kế hoạch giảng dạy và hướng dẫn học sinh phương án thực hiện hình thức học trực tuyến trong bối cảnh không thể học tập trung vì dịch Covid-19.

Lãnh đạo Trường tiểu học Hồng Hà (Q.Bình Thạnh) cho biết nhà trường sẽ tập trung học sinh, tổ chức lớp và củng cố kiến thức từ ngày 8-17.9 thông qua các ứng dụng Microsoft Teams, Google Meet, Zoom….

Chương trình học kỳ 1 cấp tiểu học sẽ chính thức được thực hiện từ ngày 20.9, trong đó thời khóa biểu tập trung vào môn tiếng Việt, toán và tiếng Anh. Trường tiểu học Hồng Hà cố gắng bổ sung một số bài mỹ thuật, âm nhạc, giáo dục thể chất.. tạo thêm hoạt động như thêm sân chơi bổ ích cho học sinh.

Giáo viên chủ nhiệm gửi đến phụ huynh thời khóa biểu, tài khoản và link vào lớp học trực tuyến. Buổi học nào học sinh không thể tham gia tiết học tương tác trực tuyến, phụ huynh có thể hỗ trợ con em học lại qua những clip bài giảng được ghi hình.

Trong trường hợp các gia đình đang cách ly, điều trị Covid-19, về quê, thiếu phương tiện học tập…, phụ huynh báo với giáo viên chủ nhiệm để nhà trường phối hợp đưa ra giải pháp cụ thể, theo ban giám hiệu Trường tiểu học Hồng Hà.

Còn ở bậc THCS, ông Cao Đức Khoa, Hiệu trưởng Trường THCS Huỳnh Khương Ninh (Q.1), cho biết, sau 5 ngày đầu tháng 9 làm công tác tập trung, ổn định học sinh thì ngày 6.9 học sinh sẽ chính thức bước vào chương trình học kỳ 1. Thời khóa biểu sẽ xếp tối đa mỗi buổi 4 tiết, học sinh sẽ học đầy đủ các môn học của chương trình giáo dục.

Để học sinh học trên internet đạt hiệu quả tốt nhất, ông Khoa cho hay ngoài các tiết học trực tuyến, tương tác với học sinh thì giáo viên sẽ cập nhật bài giảng lên cổng thông tin điện tử của trường để học sinh có thể theo dõi lại. Cứ sau mỗi 2 tuần, giáo viên sẽ họp với ban giám hiệu để điều chỉnh, giải quyết những khó khăn vướng mắc phát sinh trong quá trình giảng dạy trực tuyến.

Tương tự, người đứng đầu Trường THCS Võ Trường Toản (Q.1) cho biết ban giám hiệu đã triển khai cho giáo viên các bộ môn xây dựng nội dung giảng dạy theo chủ đề kiến thức theo hướng tinh gọn, cô đọng trên phần mềm powerpoint và ghi hình tiết dạy. Ngoài việc tương tác với học sinh trong các giờ học trực tuyến thì giáo viên cập nhật bài giảng lên cổng thông tin điện tử của trường hoặc gửi bài giảng trực tiếp cho học sinh để các em có tài liệu học tập sử dụng mọi lúc mọi nơi.

Thêm vào đó, hàng ngày giáo viên bộ môn cùng với nhân viên công nghệ phụ trách mỗi khối lớp sẽ nắm bắt thông tin học sinh tham gia, học sinh vắng mặt, lý do vắng mặt không tham gia lớp học để kịp thời có hình thức hỗ trợ phù hợp.

Sở GD- ĐT hướng dẫn giáo viên thiết kế bài giảng tinh gọn, trọng tâm

Bích Thanh

Hỗ trợ cho học sinh chưa có điều kiện tham gia

Để bắt đầu năm học mới vào ngày 1.9, từ  ngày 30.8, Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (TP.Thủ Đức) tạo và cung cấp tài khoản Microsoft Teams cho giáo viên và học sinh. Thời khóa biểu sẽ chính thức áp dụng từ ngày 6.9 với các bài giảng lý thuyết.

Với những học sinh không có đủ điều kiện phương tiện tham gia học trực tuyến, ban giám hiệu trường này phân công các tổ chuyên môn xây dựng clip bài giảng cho học sinh xem và giáo viên bộ môn quản lý, theo dõi tình hình học tập của học sinh.

Trước thời điểm năm học mới chính thức bắt đầu, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, nhìn nhận năm học 2021-2022 sẽ gặp không ít những khó khăn nên mỗi nhà trường, mỗi giáo viên và học sinh cùng cố gắng vượt qua.

Để phát huy tối đa năng lực học tập của học sinh trong lúc học trực tuyến, ông Hiếu nhấn mạnh giáo viên cần xây dựng, lựa chọn học liệu, cách thức tổ chức khóa học/chuyên đề một cách hợp lý và khoa học, theo hướng xây dựng quá trình học tập, nâng cao hoạt động tự học; Tăng cường tương tác giữa học sinh với giáo viên, giữa học sinh với học sinh; Xây dựng công cụ, cách thức kiểm tra, đánh giá mức độ nắm vững kiến thức sau mỗi hoạt động, tổ chức ôn tập, bổ sung, củng cố kiến thức cho học sinh trước khi dạy các bài học tiếp theo trong chương trình.

Triển khai Chương trình dạy học trên truyền hình
Sở GD-ĐT đang phối hợp để triển khai Chương trình dạy học trên truyền hình để có thể phát sóng ngay đầu tháng 9. Nội dung chương trình, thời gian đầu năm học, sẽ được ưu tiên các đoạn phim hướng dẫn trẻ tự học, hướng dẫn phụ huynh cùng học, hỗ trợ con em mình học tập trên môi trường mạng internet; ưu tiên các lớp 1, lớp 2 và các lớp đầu cấp, cuối cấp.
Bên cạnh đó, Sở GD-ĐT nắm thông tin từng phụ huynh, tùy theo điều kiện cụ thể để có sự hỗ trợ phù hợp, giúp học sinh thuận lợi hơn trong học tập, chẳng hạn kết nối các mạnh thường quân hỗ trợ về tài chính, trang thiết bị cho học sinh, gửi các phiếu học tập, tài liệu giấy... để học sinh tự ôn tập thêm... Những học sinh này cũng sẽ được đánh giá, kiểm tra và tạo điều kiện quan tâm, kèm cặp riêng ngay khi có điều kiện học trực tiếp để bù đắp những hạn chế gặp phải trong quá trình học trực tuyến.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.