Ngày quốc tế Thiếu nhi năm nay là ngày rất đặc biệt, khi hàng ngàn trẻ em đang ở trong các khu cách ly tập trung vì dịch Covid-19. Các em đang phải đối diện nhiều vấn đề và cần người lớn quan tâm hơn nữa, nhất là về tâm lý.
Ngày 31.5, bức ảnh 'Giấc nghỉ trưa của cậu bé 3 tuổi F1 Việt Yên (Bắc Giang)' lan truyền mạnh mẽ trên mạng xã hội Facebook khiến nhiều người chạnh lòng. N.V.M (tên em bé) là công dân thôn Tân Trúc, xã Tiên Sơn, đang ở trong một khu cách ly ở Việt Yên, Bắc Giang. M. thuộc diện F1. Cả bố mẹ, và anh, chị của M. đều là F0 và đang được cách ly điều trị. M. mới chỉ 3 tuổi, nói còn chưa sõi.
Nhưng qua một video kèm theo cho thấy M. cũng đang gặp vấn đề dù là một 'chiến binh' thật sự. Em trốn mãi xuống gầm giường, không chịu ra ăn cơm...
|
Cũng như M., hàng ngàn trẻ em khác cũng đang ở trong các khu cách ly tập trung khác trên cả nước từ khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trở lại. Trong số đó, còn có nhiều em nhỏ không có người nhà đi cùng như N.V.M. Còn nhỏ xíu nhưng các em đang phải tự lập để "chiến đấu" với dịch bệnh lần này.
Ngày 22.5 vừa qua, Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) đã có công văn khẩn gửi Sở LĐ-TB&XH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Cục Trẻ em cho biết trước tình hình dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên toàn cầu và tại Việt Nam, một số tỉnh, thành phố đã ghi nhận các chùm ca bệnh lây nhiễm trong cộng đồng. Nhiều địa phương đã cho học sinh, sinh viên nghỉ học và học trực tuyến tại nhà. Số trẻ em phải cách ly tại gia đình hoặc ở các địa bàn phải giãn cách xã hội và các cơ sở cách ly tập trung tiếp tục tăng lên, trong đó nhiều em nhỏ phải xa cha mẹ, gia đình, rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh các nguy cơ lây nhiễm bệnh và phải tự lập trong cuộc sống hàng ngày các em còn có nguy cơ cao bị sang chấn, khủng hoảng tâm lý.
Theo công văn, Cục Trẻ em đề nghị các sở khẩn cấp với các cơ quan, đơn vị chức năng cập nhật số lượng, lập danh sách, nhu cầu của trẻ em ở các địa bàn giãn cách xã hội và khu cách ly tập trung; sử dụng ngân sách của Quỹ Bảo trợ trẻ em cấp tỉnh (nếu có) hoặc ngân sách của Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam và các nguồn vận động khác để hỗ trợ dinh dưỡng, đồ dùng thiết yếu, thuốc và các vật phẩm y tế bổ sung cho trẻ em với phương châm không để một trẻ em nào có nhu cầu, gặp khó khăn mà không được hỗ trợ kịp thời.
|
Theo bác sĩ Nhi khoa Nguyễn Thị Minh Tân, nghiên cứu sinh tiến sĩ về sức khỏe tâm thần trẻ em và thanh thiếu niên, ở trường hợp này, trẻ bị mất sự chăm sóc và quan tâm từ cha mẹ và người thân, mất đi kết nối với nơi mà trẻ vẫn đang dựa dẫm vào. Điều này có thể đưa đến những ảnh hưởng tiêu cực đến cảm giác an toàn và cả lòng tự tôn của trẻ. Đứa trẻ khoảng 3 tuổi sẽ chưa đủ hiểu để biết đó là nơi cách ly, chưa đủ hiểu những người hằng ngày đem đồ ăn cho con và chăm sóc con là nhân viên y tế. Trẻ chỉ biết trẻ không được gặp cha, gặp me, gặp anh chị em. Và những gì xảy ra trong nơi cách ly Covid-19 khi trẻ khóc, khi trẻ đi tìm ba mẹ, khi trẻ "bỏ trốn dưới gầm giường" là một phản ứng tự vệ khi không còn cảm thấy an toàn nữa, không được chăm sóc bởi cha mẹ hay người thân còn đưa trẻ đến cảm giác "em không còn quan trọng với ba mẹ nữa", em không còn là sự ưu tiên hàng đầu của cha mẹ nữa.
Theo bác sĩ Tân, việc tìm kiếm ba mẹ là không tránh khỏi, và việc làm gì đó để em "lại trở nên quan trọng" đối với ba mẹ là một trong những cố gắng mà hầu như không ai thấu hiểu được. Điều này được nhìn rất rõ khi trẻ có em, khi ba mẹ chăm sóc em của trẻ, và ít nhiều lơ là trẻ. Lúc đó, trẻ sẽ ương ngạnh, sẽ làm nhiều thứ không theo cha mẹ nói... chỉ để tìm sự chú ý của cha mẹ... Và giờ đây, trong khu cách ly, khi xung quanh có thể không có được ai để trẻ thậm chí thể hiện sự ương ngạnh đó ra...
Để Ngày quốc tế Thiếu nhi thêm ý nghĩa, gia đình và cộng đồng xã hội cần quan tâm thật nhiều đến trẻ em, tạo mọi điều kiện tốt nhất trong việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, nhất là trong lúc này, khi mà dịch bệnh Covid-19 hoành hành làm cho xã hội phải khốn đốn nói chung, trẻ phải chịu nhiều thiệt thòi nói riêng. Bảo vệ trẻ em là bảo vệ tương lai của đất nước.
Bình luận (0)