Sẽ sửa đổi một số nội dung tuyển sinh đại học

Quý Hiên
Quý Hiên
13/02/2020 07:22 GMT+7

Chiều nay 13.2, Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị tổng kết tuyển sinh năm 2019 , triển khai công tác tuyển sinh năm 2020 đối với công tác tuyển sinh trình độ ĐH hệ chính quy và CĐ ngành giáo dục mầm non hệ chính quy.

Hội nghị được tổ chức trực tuyến qua 7 đầu cầu: Hà Nội, Thái Nguyên, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, TP.HCM, Tây nguyên và Cần Thơ.

Các điểm mới

Theo các dự thảo mà Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến về cơ bản Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ ngành đào tạo giáo viên mầm non (gọi tắt là Quy chế tuyển sinh 2020) giữ ổn định trong giai đoạn 2017 - 2020 như đã được công bố với thí sinh và xã hội.
Tuy nhiên, dự thảo Quy chế tuyển sinh 2020 có sửa đổi một số nội dung và sửa một số điểm về kỹ thuật so với quy chế tuyển sinh 2019. Vì thế, nếu được ban hành thì sẽ tích hợp các nội dung điều chỉnh tuyển sinh đào tạo chính quy, vừa làm vừa học, văn bằng 2... vào cùng một quy chế.
Dự thảo này cũng quy định các nguyên tắc và mở rộng quyền tự chủ hơn đối với các trường tổ chức thi tuyển sinh (thi các môn văn hóa, năng khiếu, đánh giá năng lực...) nhằm điều chỉnh pháp luật sát với thực tế, đảm bảo chất lượng đầu vào và nâng cao trách nhiệm giải trình của các trường.

Quy định điểm sàn của khối ngành đào tạo giáo viên, sức khỏe

Theo dự thảo, đối với các ngành đào tạo giáo viên, các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có chứng chỉ hành nghề, nếu trường sử dụng phương thức xét tuyển kết hợp giữa điểm thi THPT quốc gia và kết quả học tập THPT, hoặc kết hợp giữa điểm của trường tổ chức sơ tuyển hoặc thi tuyển với điểm thi THPT quốc gia và/hoặc kết quả học tập THPT, thì ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của điểm thi THPT quốc gia, điểm kết quả học tập phải tương đương với các ngưỡng theo quy định của Bộ GD-ĐT.
Theo dự thảo, Bộ GD-ĐT tiếp tục quy định tiêu chí xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với khối ngành đào tạo giáo viên, ngành sức khỏe; đặc biệt là bổ sung một số quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đồng bộ giữa các hình thức, loại hình đào tạo của hai khối ngành này.
Dự thảo quy định nguyên tắc, phương thức tuyển sinh, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào với tất cả các khối ngành, các hình thức, các loại hình đào tạo. Nguyên tắc chung là các trường chỉ tuyển sinh khi đáp ứng đủ các điều kiện được phép đào tạo theo quy định hiện hành; phương thức tuyển sinh được thực hiện đa dạng, tùy theo lựa chọn của từng trường. Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do các trường quy định phải đảm bảo chất lượng nguồn tuyển sinh. Các trường chịu trách nhiệm giải trình với Bộ GD-ĐT và xã hội về chất lượng đầu vào do trường quy định.
Ngoài ra, từ năm 2020, Bộ sẽ không giao chỉ tiêu tuyển sinh các ngành đào tạo sư phạm trình độ trung cấp nữa; trình độ CĐ chỉ giao chỉ tiêu đào tạo giáo viên mầm non.

Không để phát sinh hiện tượng luyện thi

Dự thảo quy định, các trường có sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để sơ tuyển, xét tuyển phải xác định và công bố công khai tổ hợp các bài thi/môn thi để xét tuyển vào các ngành, nhóm ngành. Các trường căn cứ hướng dẫn xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển của Bộ GD-ĐT để quy định cụ thể và công bố công khai điều kiện xét tuyển thẳng và điều kiện ưu tiên xét tuyển vào các ngành học của các đối tượng.
Các trường có thủ tục sơ tuyển, tổ chức thi đánh giá năng lực, tổ chức thi năng khiếu và các hình thức thi khác kết hợp với sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia phải ghi rõ trong đề án tuyển sinh và công bố công khai trên trang thông tin điện tử của trường, trên phương tiện thông tin đại chúng về thời gian, hồ sơ đăng ký sơ tuyển; thủ tục, điều kiện đạt yêu cầu sơ tuyển; phương thức tổ chức thi, phương thức xét tuyển và đề thi minh họa; phải thực hiện quy trình xét tuyển mà Bộ GD-ĐT quy định trong quy chế tuyển sinh.

Rất ít chỉ tiêu dành cho nữ vào trường quân sự  

Theo công văn hướng dẫn đăng ký sơ tuyển vào ĐH, CĐ, trung cấp quân sự và đăng ký dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2020, các học viện, trường trong quân đội tiếp tục thực hiện tuyển sinh theo phương án sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển sinh ĐH, CĐ quân sự.
Đối tượng được dự tuyển vào các trường quân đội là quân nhân, công nhân, viên chức quốc phòng, nam - nữ thanh niên ngoài quân đội. Nhưng chỉ tiêu dành cho nữ rất thấp và chỉ có một số ngành. Cụ thể, tuyển 10% chỉ tiêu nữ cho các ngành bác sĩ quân y tại Học viện Quân y và các ngành quan hệ quốc tế về quốc phòng, ngoại ngữ tại Học viện Khoa học quân sự. Tuyển không quá 6% trên tổng chỉ tiêu vào các ngành công nghệ thông tin, điện tử viễn thông, điện tử y sinh, khí tài quang, địa tin học tại Học viện Kỹ thuật quân sự. Tuyển không quá 10% chỉ tiêu của ngành tài chính vào ngành tài chính tại Học viện Hậu cần. Đối với các ngành được giao tuyển sinh thí sinh nữ, mỗi ngành tuyển ít nhất 2 thí sinh.
Thí sinh là thanh niên ngoài quân đội đăng ký sơ tuyển và mua hồ sơ sơ tuyển tại ban tuyển sinh quân sự cấp huyện.
Các trường không sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển được lựa chọn, quyết định phương thức tuyển sinh mà luật Giáo dục ĐH đã quy định. Hiệu trưởng các trường chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các khâu: ra đề thi, coi thi, chấm thi (nếu tổ chức thi tuyển); xét tuyển và triệu tập thí sinh trúng tuyển; giải quyết các khiếu nại, tố cáo liên quan đến tuyển sinh. Nếu sử dụng kết quả thi tuyển sinh của trường khác hoặc của tổ chức khảo thí uy tín trên thế giới để xét tuyển, phải quy định cụ thể trong đề án tuyển sinh của trường.
Đặc biệt, các trường phải đảm bảo các yêu cầu: không để phát sinh hiện tượng các tổ chức và cá nhân là cán bộ, công chức, viên chức, nhà giáo của nhà trường tổ chức luyện thi; đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch trong tuyển sinh; không gây khó khăn, bức xúc đối với thí sinh và xã hội.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.