Trở thành chuyên gia tâm lý trên mạng xã hội
Thầy Dương Minh Đức, giáo viên môn văn, Trường THPT Lê Quý Đôn, TP.HCM cho biết kể từ khi mạng xã hội Facebook trở nên phổ biến, thầy và học trò đã sử dụng nó như một kênh để liên lạc, kết nối và chia sẻ chuyện học tập, gắn kết tình cảm thầy trò.
“Tôi bỗng trở thành 'chuyên gia tư vấn tâm lý' cho học sinh lúc nào không hay. Từ chuyện vướng mắc trong học tập, yêu đương, giới tính hay gia đình có chuyện buồn…, các em đều không ngần ngại gửi tin nhắn tâm sự, nhờ thầy đưa ra lời khuyên. Có một hôm dạy đến bài thơ Đàn ghi ta của Lorca của Thanh Thảo trong sách ngữ văn lớp 12, tôi có đưa một số thông tin ngoài lề về việc nhà thơ Lorca có những mối tình đồng tính… Ngay hôm đó, tôi nhận được tin nhắn của một nữ sinh xin phép được kể câu chuyện riêng tư của mình. Em ấy yêu một chị lớn hơn mình 11 tuổi và rất sợ hãi nếu mọi người biết. Tôi đã giành thời gian chia sẻ với em rất nhiều, giúp em có những nhìn nhận phù hợp với bản thân”, thầy Đức kể lại.
Theo thầy Đức, tuổi học sinh có quá nhiều vấn đề về tâm lý cần được chia sẻ. Vì thế, chỉ cần đọc được một status của em nào thể hiện đang giận giữ, buồn chán… là thầy inbox hỏi thăm liền. “Bước ra khỏi ngôi trường là cuộc đời. Các em cần có một người bạn đủ lớn để gửi gắm niềm tin. Mà mạng xã hội sẽ là một phương tiện để các em có thể dễ dàng thổ lộ hơn. Là một người thầy, nếu đủ gần gũi, tin tưởng và bao dung, chắc chắn các em sẽ lựa chon để chia sẻ những “bí mật” của mình", thầy Đức chia sẻ.
Trong khi đó, thạc sĩ Nguyễn Ngọc Ánh, giảng viên một trường ĐH ở Đà Nẵng, cho biết đến giờ vẫn còn… giật mình khi nhớ lại tình huống cách đây không lâu. Vào một đêm, Facebook của thầy hiện ra một tin nhắn “động trời”: Thầy ơi em có bầu 2 tháng rồi. Sau đó, cô sinh viên bận gì không nói nữa, 10 phút sau mới nhắn tiếp “bây giờ thủ tục bảo lưu học tập như thế nào thầy?”.
“Các em không ngại gửi tin nhắn cho tôi chia sẻ rất nhiều chuyện, như “bố mẹ ép lấy chồng tây, nhưng em không thích ông già đó thì phải làm sao”, có cậu sinh viên thì hết sức lo lắng hỏi thầy cách giải quyết vì… người yêu có dấu hiệu mang bầu. Rồi cả chuyện “em thích bạn này, bạn kia... thầy thấy ổn không, bày cho em cách chinh phục” hay “thầy ơi có anh này cua em, em chụp tin nhắn cho thầy xem thử xem như thế là thương thật hay thả thính”… Rồi các em nhờ tôi tư vấn về tương lai, nghề nghiệp... Nhiều lúc không có thời gian, đi dạy về khá mệt, nhưng tôi vẫn cố gắng chia sẻ, đưa ra lời khuyên vì tôi coi sinh viên như em út của mình. Được các em tin tưởng tâm sự thì đó cũng là một niềm vui”, thạc sĩ Ngọc Ánh bày tỏ.
Kênh tương tác thuận tiện, nhưng đừng lạm dụng
Theo thạc sĩ Trương Tiến Sĩ, giảng viên Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, mạng xã hội là một kênh tương tác thuận tiện và hiệu quả giữa thầy với trò. Thầy Tiến sĩ chia sẻ: “Trong 10 năm qua, mình đã sử dụng mạng xã hội như một công cụ chính thức để phục vụ công việc cũng như các mối quan hệ xã hội. Đối với công việc giảng dạy, nhờ Facebook mà mình nắm bắt thông tin phản hồi từ sinh viên nhanh hơn. Thầy trò không chỉ tương tác trực tiếp ở lớp mà còn trên mạng. Nhiều bài viết hay, liên quan đến bài giảng, mình lại chia sẻ cho các em qua group lớp”.
Ngoài ra, theo thạc sĩ Nguyễn Ngọc Ánh, với vai trò của một người thầy, nắm được thông tin của học trò ở mức độ nào đó, và hiểu hơn về tính tình, tâm sinh lý của trò thông qua những status, comment... là một việc rất cần thiết để có những ứng xử, tương tác phù hợp.
Tuy nhiên, theo thạc sĩ Trương Tiến Sĩ, mạng xã hội cũng có mặt trái nếu như thầy và trò không đủ tỉnh táo để biết điểm dừng hợp lý. “Không ít học sinh thấy mạng xã hội tự do nên cũng thể hiện sự tư do thái quá của mình, chẳng hạn dùng ngôn từ thô tục, thiếu lễ phép để nói về giảng viên, giáo viên, hoặc là bông đùa ngang hàng… Chúng tôi không áp đặt tư tưởng tôn sư trọng đạo một cách cứng nhắc như ngày xưa, tuy nhiên vẫn phải có một điểm dừng để thầy ra thầy trò ra trò. Nếu là trò góp ý cho thầy một cách văn minh, tôn trọng thì rất tốt, còn nói xấu, chửi bới, thóa mạ thì không tốt chút nào. Một số thầy cô thì thiếu chuẩn mực trong tương tác nên sinh viên có thể sẽ lợi dụng, thiếu tôn trọng và coi thường”, ông Sĩ nhìn nhận.
Nguyễn Thị Kim Ngân, sinh viên ngành tâm lý học K12, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho biết mình hay sử dụng mạng zalo để liên lạc trước với thầy cô, sau đó nếu gửi bài hay trao đổi học tập thì dùng email. Ngân cũng cho rằng mạng xã hội rất thuận tiện trong việc giao tiếp nhưng cần sử dụng hợp lý, không nên lạm dụng. “Là nơi thầy cô tạo cảm giác thoải mãi, gần gũi để học trò có thể phản biện, bày tỏ quan điểm nhưng thoải mái quá cũng không tốt. Không nên comment đùa cợt quá trớn, tùy tiện với thầy cô, phải ý thức được dù thầy cô gần gũi thì vẫn là thầy mình, cần tôn trọng”, Ngân cho biết.
Với thầy Dương Minh Đức, mạng xã hội làm khoảng cách giữa thầy và trò được rút ngắn hơn, vì thế có thể đôi khi có một số học trò thể hiện sự ngang hàng với thầy như với bạn bè, có những ngôn ngữ chưa phù hợp. Quan trọng là người thầy phải kịp thời điều chỉnh, uốn nắn bằng thái độ gần gũi bao dung để các em biết đúng biết sai.
Ở một góc nhìn khác, mạng xã hội cũng có những tác động tiêu cực đến quan hệ thầy trò nếu lạm dụng, không có điểm dừng. Đã có nhiều câu chuyện không hay, đau lòng xảy ra từ những cách cư xử thiếu văn minh, những thông tin chưa chính xác trên mạng xã hội, gây ảnh hưởng đến mối quan hệ thầy - trò, thầy cô - phụ huynh và cả hình ảnh người thầy trong xã hội.
Báo Thanh Niên đến với ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11 năm nay bằng những chia sẻ, ý kiến, quan điểm… về mối quan hệ thầy - trò trong bối cảnh xã hội bị tác động rất lớn bởi mạng xã hội.
Với chủ đề Thầy trò thời mạng xã hội, chúng tôi mong muốn nhận được ý kiến tham gia của bạn đọc. Bài viết, quý thầy cô, bạn đọc gửi về địa chỉ thanhniengiaoduc@thanhnien.vn. Các bài viết đăng tải trên Thanh Niên Online sẽ được chi trả nhuận bút theo quy định của báo.
|
Bình luận (0)