Black Friday hay còn gọi là ngày thứ 6 đen được tính là ngày thứ 6 của tuần thứ 4 trong tháng 11. Tại Việt Nam, những năm qua, nhân dịp này nhiều cửa hàng, trung tâm thương mại treo biển giảm giá mạnh với rất nhiều mặt hàng. Trong ngày Black Friday, tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM… những năm trước đây, tại các trung tâm thương mại, thương hiệu thời trang lớn luôn có hình ảnh người mua chen lấn chờ mua hàng, thanh toán. Bức tranh đó có được lặp lại trong năm 2020, một năm đầy biến động với Covid-19, thiên tai, bão lũ?
Chuyển sang mua sắm trực tuyến
Năm 2020, ngày Black Friday là ngày 27.11. Trong một năm kinh tế buồn, nhiều công ty tuyên bố phá sản, cắt giảm lao động, nhiều lao động bị giảm lương, mất việc, thay đổi việc làm, nhiều lao động trẻ do ít tiền nên phải thắt chặt chi tiêu thì có còn thật sự quan tâm tới ngày được giảm giá, khuyến mại?
Nguyễn Kha Bảo Nhi, sinh viên ngành Kinh tế đối ngoại, Trường ĐH Ngoại thương cơ sở 2, TP.HCM (thành viên trong nhóm chiến thắng cuộc thi khởi nghiệp Hult Prize khu vực Đông Nam Á vừa qua) phân tích theo số liệu cô thấy được từ Google Trends thì tỷ lệ người tìm kiếm từ khóa “Black Friday” đã giảm 3/4 so với cùng kỳ năm trước. Cũng theo một báo cáo của Nielsen cho thấy, những mặt hàng liên quan y tế, chăm sóc sức khỏe sẽ được ưu tiên mua sắm hơn.
|
“Chúng ta có thể thấy rõ bức tranh kinh tế ảm đạm năm nay vì ảnh hưởng của Covid-19, dẫn tới thu nhập của người dân, trong đó có những lao động trẻ, đều giảm mạnh. Người ta có xu hướng thắt chặt chi tiêu, mua sắm tiết kiệm để tích lũy nhiều hơn bởi lo lắng xem công việc có ổn định trong tương lai?”, Nhi phân tích.
Tuy nhiên, Nhi cho hay trong đợt giảm giá mạnh trên hàng loạt sàn thương mại điện tử vừa qua trong ngày 11.11, từ quan sát hành vi mua sắm của bạn bè, người thân cô nhận thấy người tiêu dùng vẫn quan tâm tới săn hàng khuyến mại và ngày càng chuyển sang mua sắm trực tuyến hơn. “Rất nhiều bạn bè tôi làm ở bộ phận giao hàng, các sàn thương mại điện tử thì đều làm việc hết sức bận rộn trong ngày 11.11”, Nhi nói.
Theo Nhi, xu hướng mua hàng trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử ngày càng được thịnh hành, đặc biệt trong giới trẻ. Người ta sẽ e ngại đi “săn” hàng giảm giá tại các cửa hiệu, trung tâm mua sắm. Bởi hình thức mua sắm trực tuyến, giao tận nhà này tiện lợi hơn, an toàn hơn, không phải tới trực tiếp các trung tâm thương mại hay cửa hàng nên hạn chế tiếp xúc, dễ so sánh giá cả hơn, thường giảm giá và khuyến mại nhiều hơn… Nhi dự đoán, Black Friday 2020 có thể cũng sẽ thu hút khách hàng hơn ngày thường, nếu trên các sàn thương mại điện tử tiếp tục có đợt giảm giá mạnh nữa.
Hiệu ứng ngày Black Friday giảm
Black Friday 2020 có sôi động hơn không, khi người trẻ ít tiền hơn thì có thật sự quan tâm tới những ngày hội mua sắm nữa hay không, góc nhìn của Trần Thị Diễm My, đại diện nhóm khởi nghiệp Biostarch, TP.HCM với sản phẩm “Túi biết thở” có một số điểm khác biệt.
Theo My, năm 2020, năm ảm đạm của kinh tế Việt Nam nói riêng, toàn cầu nói chung, người dân theo xu hướng tiết kiệm lại, do đó, chắc chắn bức tranh mua sắm rầm rộ như những ngày Black Friday thì khó có thể xảy ra. Những ngày giảm giá mạnh như 11.11 số người mua có thể cao hơn ngày thường, nhưng so với bức tranh chung của kinh tế năm nay, thì số lượng mua không thấm vào đâu.
|
“Black Friday 2020 chắc chắn doanh nghiệp bán yếu hơn các năm trước, khách hàng sẽ thắt chặt hầu bao của mình. Trừ một số mặt hàng và một số khu vực (như TP.HCM chẳng hạn). Nhưng nhìn chung, tổng doanh thu của doanh nghiệp trong đợt này sẽ giảm hơn các năm trước”, chị My nói.
Theo chị My, càng ngày thì các đợt giảm giá, khuyến mại lớn đều được doanh nghiệp, các sàn thương mại điện tử đưa ra càng dày đặc như các đợt 1.1; 2.2… 11.11; 12.12… Do đó, hiệu ứng về ngày Black Friday - ngày thứ 6 đen cũng sẽ giảm đi.
Lương giảm lấy gì mua sắm?"Lương giảm, thưởng giảm, nhưng tiền thuê nhà, điện nước, ăn uống… không hề giảm. Tôi không dám nghĩ tới mua sắm quần áo mới hay son phấn trong Black Friday nữa, chắc đợi tới tết mua sắm một chút rồi để dành tiền về quê biếu bố mẹ”, Nguyễn Ngọc Nhi, 23 tuổi, nhân viên văn phòng một công ty may, Q.11, TP.HCM.
“Khách hàng ít đi nên lương “cứng” của tôi cũng ít đi, mua sắm nhiều quần áo, mỹ phẩm, giày dép rồi lúc hết lương lấy gì tiêu. Tôi chưa lập gia đình mà cũng thấy “tiền vào” ít hơn “tiền ra”. Tiết kiệm được khoản nào hay khoản đó”, Phạm Thiên Ngà, 19 tuổi, nhân viên làm tóc, ở trọ tại hẻm 21 đường 107, P.9, Q.8, TP.HCM nói về dự định mua sắm trong Black Friday 2020.
|
Bình luận (0)