Cách ly xã hội phòng dịch Covid-19: Người trẻ thay đổi thói quen mua sắm

Lê Thanh
Lê Thanh
13/04/2020 09:14 GMT+7

Những ngày cách ly xã hội để phòng dịch Covid-19, mặc dù các chợ vẫn hoạt động nhưng khá vắng vì nhiều người bắt đầu thay đổi thói quen mua sắm.

Chợ Bình Triệu và chợ Đại Đoàn Kết là 2 ngôi chợ nằm cạnh nhau trên địa bàn P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức (TP.HCM) vốn trước đây rất tấp nập vì đây là 2 ngôi chợ có lượng công nhân đi mỗi ngày rất đông nhưng theo ghi nhận của phóng viên Thanh Niên những ngày cách ly xã hội rất vắng vẻ. Lượng người đi chợ giảm hẵn.

Đi chợ như đi siêu thị: Mua một lần, cho nhiều ngày

Sạp bán rau củ ở chợ Bình Triệu, P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức, TP.HCM. Ảnh chụp vào sáng 12.4

Lê Thanh

Chị Trần Thị Tuyết (30 tuổi), ngụ trên đường số 10, P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức (TP.HCM), chia sẻ: “Nếu như trước đây sáng nào mình cũng đi chợ rất sớm về nấu ăn xong mới đi làm thì những ngày cách ly xã hội mình tạm thời bỏ qua thói quen này”.
Chị Tuyết giải thích: "Từ khi có lệnh về cách ly xã hội để phòng dịch Covid-19 thì mình hạn chế ra chợ. Thay vì đi chợ 7 ngày/tuần như trước đây thì thời gian qua mỗi tuần mình chỉ đi chợ 2 ngày. Và trước khi đi chợ, mình tính rất kỹ, liệt kê nên mua những gì có thể để dành nấu ăn cho gia đình được 3, 4 ngày”, chị Hường nói.

Cảnh vắng vẻ ở chợ Đại Đoàn Kết, P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức, TP.HCM. Ảnh chụp chiều 12.4

Lê Thanh

Còn chị Nguyễn Thị Bạch Hường (35 tuổi), nhà gần giao lộ Ngô Tất Tố-Nguyễn Văn Lạc, P.21, Q.Bình Thạnh (TP.HCM), thì cho biết: “Trước kia mình đi chợ mỗi ngày và mỗi lần đi chợ thì rất tốn thời gian. Vì ra chợ hay gặp người quen rồi cứ đứng tám chuyện, nhưng bây giờ không còn như thế nữa. Bây giờ chuyển qua đi siêu thị mua đồ về để dành trong tủ lạnh ăn 3, 4 ngày mới đi lại. Cho nên, thời gian vừa qua mình rất ít đi chợ”.

Chợ Cầu Đỏ, trên đường Nơ Trang Long, P.13, Q.Bình Thạnh, TP.HCM. Ảnh chụp chiều 12.4

Lê Thanh

Tương tự, chị Lê Thị Phương Thi (33 tuổi), ngụ tại chung cư Carillon, P.Hòa Thạnh, Q.Tân Phú (TP.HCM), tâm sự: “Thú thật mình rất thích đi chợ hơn là đi siêu thị hay mua hàng online. Bởi vì, mình vốn là dân quê lên Sài Gòn lập nghiệp, rồi ở lại đây sinh sống nên cái văn hóa đi chợ nó trở nên quen thuộc, thân thiện với mình hơn ngay từ nhỏ. Đi chợ nó có nhiều thú vui vì mình gặp được những người bán mỗi ngày, lâu dần mặc nhiên trở thành bạn hàng thân thiết của họ nên có món gì ngon họ cũng gọi, cũng ới. Tuy nhiên, trong thời gian cách ly xã hội để phòng dịch Covid-19, mình rất hạn chế ra chợ và chuyển sang mua thực phẩm bằng hình thức online. Cho nên, nhiều khi 3, 4 ngày mình mới ra chợ một lần”.

Cảnh người bán nhưng chẳng có người mua ở chợ Bình Triệu, P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức, TP.HCM. Ảnh chụp chiều 12.4.

Lê Thanh

Chợ đã là một phần ký ức 

Ngày nay dù siêu thị  đã quá phổ biến nhưng nhiều người trẻ vẫn  thích đi chợ vì nhiều lý do. Anh Nguyễn Đình Thành, cựu sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, quê ở huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, chia sẻ: “Đi chợ có cái thú vui của nó. Bởi có nhiều thứ mình chỉ có thể mua ở chợ chứ không thể mua ở siêu thị hay những cửa hàng tiện lợi. Vào chợ bao giờ chúng ta cũng thấy cảnh người mua, người bán trả giá các mặt hàng, đại khái kiểu như: sao món này cao quá? Anh, chị bớt chút được không…Và không khí ở chợ lúc nào cũng xôn xao, vui nhộn nên nhiều người rất thích đi chợ là vậy. Ngay cả mình để ý những Việt kiều mỗi khi về nước họ cũng thích đi chợ để gợi nhớ về những kỷ niệm ngày xưa”.
Còn chị Lê Thị Ngọc Hằng, nhân viên kinh doanh cho Công ty TNHH Kim Bình Long, Q.Gò Vấp, TP.HCM, tâm tình: “Mặc dù mình làm việc ở Sài Sòn nhưng mỗi lần về quê là mình thích chở mẹ đi chợ Bình Ba, xã Bình Ba, huyện Châu Đức (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu). Ngày xưa mình nhớ mọi người gọi đó là chợ Làng. Mỗi lần bước ra chợ Làng, cái cảm giác đầu tiên là bao kỷ niệm, hồi ức bổng dưng ùa về. Đó là những khoảnh khắc của bác bán thịt ngày trước mỗi lần đi chợ mình hay ghé mua bây giờ được gặp lại. Có những gia đình bán thịt ở chợ này bao nhiêu năm, hết thế hệ này đến thế hệ khác. Đó là chị bán hàng rau tươi ngon luôn nở nụ cười trên môi. Lâu ngày ra chợ gặp lại ai cũng kêu lại hỏi thăm, rồi họ gợi cho mình nhớ lại những kỷ niệm năm nào nên thấy rất vui. Hơn nữa, chợ quê bán đồ rất rẻ nhưng rất tươi ngon...”.
Những ngày cách ly xã hội, thay đổi thói quen mua sắm trong đó có đi chợ, nhiều người trẻ bồi hồi nhớ về những ngôi chợ một thời gắn bó.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.