Mới đây, một nội dung được cho là của một bác sĩ người Việt, lan truyền trên mạng xã hội nhằm kêu gọi mọi người hãy dừng việc đưa danh tính, hình ảnh của bệnh nhân Covid-19 và những người liên quan lên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội.
Làm ảnh hưởng tới việc tìm kiếm, phát hiện bệnh nhân mới?
Nguyên văn nội dung như sau: “Mọi người dừng ngay việc đưa danh tính, hình ảnh của bệnh nhân và những người liên quan lên báo chí cũng như việc tấn công, quy kết họ trên mạng xã hội. Việc này đi ngược lại nguyên tắc và luật y tế về bảo vệ thông tin cá nhân của người bệnh. Đồng thời, nó dẫn đến hậu quả nghiêm trọng trong việc tìm kiếm, phát hiện bệnh nhân mới do gieo rắc tâm lý sợ hãi 'bị phát hiện' trong cộng đồng. Những người có triệu chứng hay dấu hiệu nghi ngờ có bệnh sẽ sợ mà không đi khám và làm xét nghiệm để chẩn đoán. Đó là việc mà bất kể chương trình y tế cộng đồng nào, đặc biệt là những chương trình phòng chống bệnh truyền nhiễm, cũng cần tránh. Rất tiếc là nguyên tắc này đã không được tuân thủ từ đầu trong việc giải quyết liên quan đến bệnh nhân Covid thứ 17”.
Bạn Nguyễn Tuyết Nhung, sinh viên năm 2 ngành tâm lý học Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, nêu quan điểm: “Mấy ngày qua em nghe bệnh nhân nhiễm Covid-19 bị cộng đồng mạng kỳ thị. Bao nhiêu hình ảnh, hoàn cảnh gia đình… đều bị lan truyền chóng mặt. Sao lại lôi tất tần tật mọi thông tin cá nhân ra để bàn tán như vậy được. Rồi những người bị cách ly, bị nghi nhiễm cũng bị cộng đồng mạng đưa ra tên tuổi, hình ảnh... Điều đó tác động đến tâm lý ghê gớm khiến những người bị nghi nhiễm cũng e ngại”.
Lê Xuân Hùng, sinh viên ngành công nghệ thông tin Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, cũng cho biết mình không đồng tình với việc đưa thông tin, hình ảnh người nhiễm bệnh lên mạng như thế. “Cách đây 2 tuần em bị ho, em lo lắm, nghĩ có khi nào mình bị nhiễm Corona hay không. Rồi nếu bị thì cả trường, cả thành phố, cả nước biết. Có ai đó ác ý sẽ tung ảnh em lên mạng, rồi ở quê, bố mẹ em cũng bị cả làng xóm xa lánh… Chỉ nghĩ thôi em đã sợ run người. Rất may khi đi khám bác sĩ nói em chỉ bị viêm họng bình thường, uống thuốc đã khỏi”, Hùng kể lại. Hùng cho rằng mạng xã hội hiện nay đang quá “tự do” trong việc sử dụng hình ảnh, thông tin cá nhân của người khác.
Chia sẻ với phóng viên Thanh Niên, Bác sĩ chuyên khoa 2 Võ Văn Tiến, Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Trãi, cho biết: “Theo quy định, muốn công bố rộng rãi thông tin cá nhân của người bệnh phải được sự đồng ý của người bệnh, hoặc phải viết tắt tên, làm mờ hình ảnh khi đăng tải. Mới đây, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương chụp hình một bệnh nhân người Mỹ cũng phải hỏi ý kiến của người này. Người bệnh cũng cần được bảo vệ thông tin cá nhân theo luật”.
Về việc thời gian qua những hình ảnh, tên tuổi, nhân thân của một số người nhiễm virus corona và đi cách ly bị mạng xã hội lan truyền, trở thành chủ điểm công kích, ông Tiến nhìn nhận: “Điều đó là chưa đúng với quy định. Tuy nhiên, có ảnh hưởng tới tâm lý người khác hay không, có ảnh hưởng tới việc tìm kiếm phát hiện bệnh nhân mới hay không, còn phụ thuộc vào ý thức và hiểu biết của người dân. Với những người am hiểu, có ý thức về mức độ nguy hiểm của dịch Covid-19 thì họ sẽ vẫn tự nguyện thông báo với cơ quan y tế để được kiểm tra, chẩn đoán xem mình có bị nhiễm virus không. Với những người chưa có đủ hiểu biết thì có khi họ sẽ rất hoang mang, lo sợ bị kỳ thị, từ đó trốn tránh, gây nguy hiểm cho cộng đồng”.
Người bệnh có quyền được giữ bí mật thông tin cá nhân
Nêu quan điểm về vấn đề này, luật sư Kiều Anh Vũ, Giám đốc Công ty Luật KAV, nhìn nhận: “Pháp luật có quy định rõ về nghĩa vụ, trách nhiệm của người bệnh như khai báo trung thực, tuân thủ chỉ định, hướng dẫn của thầy thuốc, nhân viên y tế và nội quy, quy chế của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh… Nếu ai vi phạm sẽ chịu các biện pháp chế tài theo quy định của pháp luật”.
Tuy vậy, theo luật sư Vũ, người bệnh cũng có quyền pháp lý được bảo vệ và tôn trọng, cụ thể là quyền nhân thân. “Khoản 3 điều 33 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm quy định một trong các trách nhiệm của thầy thuốc và nhân viên y tế trong phòng lây nhiễm bệnh truyền nhiễm tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh là giữ bí mật thông tin liên quan đến người bệnh. Khoản 5 điều 8 của Luật này cũng quy định cấm phân biệt đối xử và đưa hình ảnh, thông tin tiêu cực về người mắc bệnh truyền nhiễm”, luật sư Vũ viện dẫn.
Ngoài ra, luật sư Vũ cho biết điều 8 Luật Khám bệnh, chữa bệnh cũng quy định rõ người bệnh được giữ bí mật thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong hồ sơ bệnh án; chỉ được phép công bố khi người bệnh đồng ý hoặc để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng chẩn đoán, chăm sóc, điều trị người bệnh giữa những người hành nghề trong nhóm trực tiếp điều trị cho người bệnh hoặc trong trường hợp khác được pháp luật quy định.
Đồng thời Điều 9 Luật này cũng quy định người bệnh được tôn trọng danh dự, bảo vệ sức khỏe trong khám bệnh, chữa bệnh; không bị kỳ thị, phân biệt đối xử,…
“Do vậy, đối với bệnh nhân Covid-19, nếu họ vi phạm thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Nhưng bản thân họ cũng là bệnh nhân nên cũng cần được tôn trọng về quyền riêng tư của người bệnh, tránh những hành vi phân biệt đối xử, kỳ thị, xâm phạm quyền nhân thân của họ. Việc người bị nhiễm virus bị công kích, phân biệt đối xử, kỳ thị có ảnh hưởng nhất định tới tâm lý của những người nghi nhiễm, khiến họ gặp nhiều khó khăn trong khám và điều trị bệnh”, luật sư Vũ chia sẻ thêm.
Bình luận (0)