Chúng tôi có mặt tại 245G Chu Văn An, P.12, Q.Bình Thạnh (nơi câu lạc bộ hoạt động) để theo chuyến xe buýt đi trao tặng những phần ăn cho các em nhỏ không may mắc bệnh ung thư. Anh Bùi Ngọc Huy Tùng, quản lý câu lạc bộ, cho biết: “Cứ vào 12 giờ 30 thứ 7 hằng tuần, bên mình tổ chức nấu gần 200 phần ăn và trao tặng các em ở Khoa Nhi, Bệnh viện Ung bướu. Câu lạc bộ có nhiều bạn trẻ giúp đỡ nên công tác chuẩn bị rất nhanh. Bên mình, kinh phí hoạt động cũng nhờ các bạn bán hàng gây quỹ, tổ chức các chuyến du lịch thiện nguyện hoặc được các nhà hảo tâm hỗ trợ thêm”.
Anh Tùng cũng cho biết: “Vẫn còn rất nhiều trẻ em thiếu thốn, cần lắm những tình yêu thương, sẻ chia và cảm thông của cộng đồng. Cứ mỗi chuyến đi trao quà lại có những câu chuyện buồn khác nhau. Nhìn các bé phải mang căn bệnh ung thư, cảm thấy rất đau xót. Có những lần đến trao phần ăn, bé rất vui và mong mình lại đến, mình cũng hứa sẽ quay lại và mua đồ chơi mà bé yêu thích, chỉ đơn giản là búp bê màu hồng hay siêu nhân người nhện. Mình đã tìm mua đúng ý bé, nhưng khi quay lại thì không thấy em đâu, hỏi các cô y tá thì hay tin bé đã qua đời, lúc đó chỉ biết khóc”…
Nhờ vào sự năng động, hỗ trợ hết mình của các thành viên câu lạc bộ mà các bệnh nhi cảm thấy vui và hạnh phúc hơn. Chút vật chất tuy còn ít ỏi, nhưng phần nào cũng làm giảm đi gánh nặng kinh tế và động viên tinh thần những gia đình có con em mắc bệnh đang điều trị. “Xe buýt yêu thương” tính đến nay đã hoạt động được 10 năm, mang ý nghĩa nhân văn cao đẹp, thu hút được sự quan tâm và tham gia của mọi người.
Vừa chia từng phần ăn, Vũ Ngọc Anh (sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) cho biết: “Phụ giúp ở đây vui lắm, không cực chút nào hết. Mỗi tuần nấu các món khác nhau, mình vừa học hỏi được kinh nghiệm nấu nướng, lại còn quen thêm nhiều bạn mới, giúp mình kết nối, mở rộng thêm mối quan hệ. Tuy không giúp đỡ được nhiều, nhưng góp một chút công sức mà nhìn thấy các bé ăn ngon miệng, mình cảm thấy rất ấm lòng và có thêm nguồn năng lực tích cực, học được cách cho đi để thấy có trách nhiệm hơn với gia đình và cuộc sống”.
Ngọc Anh cho biết thêm tham gia hoạt động hướng về cộng đồng không chỉ cho mà còn là nhận. Bạn trẻ có cơ hội lăn lộn với cuộc sống, có được những trải nghiệm quý giá, kinh nghiệm và kỹ năng sống tiết kiệm, hữu ích.
Còn Đỗ Thị Bình Minh, sinh viên Trường ĐH Văn Lang, cho biết: “Chứng kiến các bé ốm yếu, tóc phải cạo hết đi, đau đớn nhưng vẫn nở nụ cười trên môi... mới có dịp nhìn lại mình đôi khi hay sống bi quan. Các em đã giúp mình thay đổi được suy nghĩ và sống tích cực, có ích hơn. Đặc biệt trong xã hội hiện nay, kiến thức học được từ những vấp ngã trong cuộc sống và từ những người có hoàn cảnh khó khăn luôn cần thiết, nên mình bắt đầu học hỏi từ hoạt động thiện nguyện đơn giản và thiết thực này”.
Bình luận (0)