Phiên chợ xanh ở 87A Hàm Nghi, Q.1, TP.HCM chiều cuối tuần là nơi của những người trẻ yêu môi trường, của sản phẩm thuần tự nhiên, của người bán không dùng túi ni lông và đồ nhựa dùng một lần, của những người mua tự mang theo túi đựng để tiết kiệm và không xả rác ra môi trường...
|
Học cách để trồng rừng
Cầm thỏi xà bông tắm vừa mua được, Trịnh Thị Minh Hương, sinh viên Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, hào hứng: “Từ nay mình quay về thời xa xưa của ông bà (cười), dùng xà bông không hóa chất và chỉ hoàn toàn từ tự nhiên”.
“Mọi người thường nghĩ bảo vệ môi trường là điều gì đó lớn lao, nhưng bản thân mình thì thấy rất đơn giản. Mọi người lướt mạng để tìm kiếm nhiều thứ, nhưng mình đa phần lướt tìm các sản phẩm sống xanh, hoặc cập nhật những phiên chợ như thế này và ghé đến”, Hương tâm đắc gửi gắm.
Ngoài thích những sản phẩm sống xanh đủ các loại như: trà thảo mộc, tinh dầu, rau củ quả thuần tự nhiên, sản phẩm thủ công hay tái chế... thì những bạn trẻ đến với phiên chợ này còn thích thú khi được học cách cùng nhau trồng rừng bảo vệ môi trường sống của chính mình.
Đấy là gian hàng của những bạn trẻ đến từ Gaia, một tổ chức phi lợi nhuận để cùng nhau trồng rừng, bảo tồn thiên nhiên và môi trường sống. Tại phiên chợ, Đinh Tố Uyên (24 tuổi, thành viên của dự án) say sưa chia sẻ với mọi người về cách để cùng nhau tham gia góp một cây là góp rừng.
Uyên cho biết các dự án mà tổ chức đang làm đều hướng về bảo tồn thiên nhiên và các loại động vật hoang dã. Giúp mọi người ý thức hơn về vấn đề bảo vệ môi trường, trong đó có việc trồng cây xanh, vì đó là một giải pháp lâu dài.
“Khi các bạn đóng góp vào thì bên mình sẽ cập nhật thông tin và cập nhật liên tục trong vòng 4 năm để bạn biết cây mình được trồng ở đâu, phát triển ra sao... Bên mình sẽ phối hợp với các vườn quốc gia và người dân địa phương để theo sát quá trình chăm sóc và tiến độ phát triển của cây... Những bạn trẻ, cá nhân hay đơn vị nào muốn trực tiếp đi trồng vẫn có thể đăng ký để cùng tham gia với bên mình”, Uyên chia sẻ.
Rất tâm đắc với hình thức góp một cây là góp rừng của dự án, Đinh Mạnh Thành (cựu sinh viên Trường ĐH Quy Nhơn, đang sinh sống và làm việc tại Q.Thủ Đức, TP.HCM), bày tỏ: “Năm nay có thể nói là đỉnh điểm khi chứng kiến những gì mà thiên nhiên đáp trả lại sự tàn phá vô tội vạ của con người, khi những vụ sạt lở kinh hoàng đã diễn ra. Là người con miền Trung, mình vô cùng đau xót, hôm nay biết được dự án này mình thấy thích vô cùng. Mình cũng muốn góp hành động nhỏ để thay đổi một điều gì đó có ý nghĩa cho cộng đồng”.
|
Đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử
Một gian hàng rất hiếm hoi ở đây khi có một chàng trai đứng bán, đó là Bạch Huỳnh Hải Linh (28 tuổi), mang theo dự án Tùng Hạ Farm từ Đà Lạt về với TP.HCM. Đây là dự án mà các bạn nghiên cứu về mô hình trồng các loại cây dược liệu thuận theo tự nhiên và lấy nguồn cây này để sản xuất các loại trà hoa, tinh dầu và xà bông.
Vì canh tác thuần tự nhiên và không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên Linh cho biết quá trình trồng ra được nguồn nguyên liệu rất vất vả và cũng không dồi dào, dẫn đến giá thành sản phẩm sẽ cao hơn các sản phẩm khác trên thị trường. Thế nhưng bạn trẻ đến phiên chợ cũng rất thích và ủng hộ sản phẩm của Linh.
“Hiện tại ở vườn, tụi mình cho khách tới tham quan, cùng ngồi uống trà hoa, nghe giới thiệu về vườn, về cách tụi mình làm vườn thuần tự nhiên hoàn toàn miễn phí. Vì mong mỏi lớn nhất của tụi mình là cùng xây dựng cộng đồng và lan tỏa lối sống tự nhiên”, Linh chia sẻ.
Ngoài việc tự sản xuất các mặt hàng sống xanh, có những bạn trẻ tận dụng thế mạnh về công nghệ và sự năng động để giúp người nông dân có được đầu ra ổn định cho nông sản sạch của họ.
Đó là gian hàng của các bạn trẻ với ứng dụng Noda - ứng dụng đưa nông sản của người nông dân lên sàn thương mại điện tử.
“Dự án của tụi mình là một sàn thương mại điện tử, trong đó có tất cả nông sản sạch từ nông dân canh tác thuần tự nhiên, từ bạn trẻ khởi nghiệp và cả những sản phẩm của tổ chức hỗ trợ người yếu thế như phụ nữ bị bạo hành hay trẻ em khiếm thị...”, Phạm Tường Vân, thành viên dự án, chia sẻ.
Để có được những sản phẩm sạch và đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử, các thành viên của dự án phải lặn lội từ TP.HCM về tận vườn của người dân để được chứng kiến, trải nghiệm cách thức làm vườn, từ đó sẽ thay người nông dân kể lại câu chuyện về từng loại nông sản trên sàn thương mại điện tử.
“Các hộ nông dân có những phương thức canh tác thuận tự nhiên, nhưng lại không tiếp cận được đầu ra ổn định. Tụi mình sẽ tạo dựng thương hiệu cho họ và bán sản phẩm trên sàn thương mại điện tử”, Vân tâm đắc về những gì mà dự án có thể làm được cho từng hộ nông dân.
Chính vì thế, gian hàng mà dự án của Vân mang đến là đa dạng các loại nông sản sạch của nông dân. Trong tương lai, nhóm của Vân mong muốn sẽ phủ sóng được khắp mọi vùng miền để giúp được cho nhiều hộ nông dân hơn nữa.
Bình luận (0)