Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu: Ứng dụng công nghệ cao cho vấn đề dân sinh

22/11/2020 13:55 GMT+7

Không chỉ bàn về vấn đề khoa học mang tầm quốc gia, mà những đại biểu tham gia Diễn đàn trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu 2020 còn quan tâm giải quyết những vấn đề rất cụ thể, giúp cuộc sống cộng đồng tốt hơn.

Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu năm 2020 với chủ đề "Việt Nam 2045" diễn ra ngày 21 và 22.11 tại TP.HCM do T.Ư Đoàn tổ chức .

Giải pháp để kênh Ba Bò hết ô nhiễm 

Bàn về vấn đề môi trường, tiến sĩ Nguyễn Tiến Long (32 tuổi), Giám đốc điều hành Công ty Atixis Việt Nam, nêu thực trạng: “Kênh Ba Bò với chiều dài khoảng 2 km, nằm ở khu vực giáp ranh giữa TP.HCM và tỉnh Bình Dương. Từ những năm 1999 đến nay, kênh Ba Bò được mệnh danh là con kênh chết, điểm đen về ngập úng và ô nhiễm môi trường. Hàng ngày, người dân phải sống chung với vấn đề này đặc biệt khi trời mưa, nước lên, ô nhiễm và rất hôi thối”.
Để giải quyết vấn vấn đề này, tiến sĩ Nguyễn Tiến Long đề xuất giải pháp: “Xác định các nguồn nước thải công nghiệp và dân sinh đổ vào kinh Ba Bò chưa qua xử lý. Thiết lập lại các trạm quan trắc tại các vị trí xả thải vào kênh Ba Bò để đo lường nồng độ ô nhiểm và lưu lượng các nguồn thải. Cải tạo hồ điều tiết Ba Bò thành hồ thiên nhiên và điều tiết lưu lượng nước mưa trong mùa mưa lũ. Xây dựng mới một tuyến cống hộp ngầm hai ngăn: một để thu gom và thoát nước thải, một để thu gom và thoát nước mưa dọc theo kênh Ba Bò. Xây dựng nhà máy xử lý nước thải bằng công nghệ vi sinh được thiết kế theo công nghệ (MBBR) và sẽ được xây dựng khi trạm xử lý cơ học tại hồ điều tiết đưa vào hoạt động ổn định”.

Tiến sĩ Nguyễn Tiến Long đề xuất xử lý kênh Ba Bò tại diễn đàn

Lê Thanh

3 giải pháp tìm chỗ đứng cho nông sản Việt

Bàn về giải pháp nông nghiệp sạch, hiệu quả cao cho Việt Nam, tiến sĩ Đinh Hùng Cường Học viện hóa học nước biển Nhật Bản, nhận định: “Hiện nay, Việt Nam đã khẳng định được vị thế quốc tế nhất định. Cụ thể, Việt Nam đã ký nhiều hiệp định với các khu vực kinh tế lớn. Tuy nhiên, việc làm sao để hội nhập tốt nói chung, tìm một chỗ đứng cho các nông sản Việt Nam vẫn còn là bài toán khó với thói quen canh tác, sản xuất nông nghiệp Việt Nam”.
Để nông sản Việt Nam hội nhập và có giá trị cao, trước mắt  cần đầy mạnh sản phẩm cà phê tại Tây Nguyên, xa hơn nữa là cacao, hạt tiêu, lúa gạo….Tiến sĩ Hùng đưa ra giải pháp: “Thứ nhất, cần phát triển được nguồn nhân lực chất lượng cao. Chúng ta đang nắm tiềm năng do có cơ cấu dân số ở giai đoạn vàng nên cần đổi mới giáo dục và hướng tiếp cận của giới trẻ. Thứ hai, học hỏi và cải tiến công nghệ. Tập trung vào việc chuyển giao công nghệ từ các cá nhân đang làm việc hoặc hợp tác với các nước phát triển. Thứ ba, tập trung vào nông nghiệp xanh, nông nghiệp mũi nhọn. Đẩy mạnh các nông sản đặc trưng của từng vùng miền. Có kỹ thuật và công nghệ đột biến để cải tạo đất và hệ vi sinh vật trong đất sau mỗi đợt canh tác”.

Giúp  giảm thiểu tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra

Công tác cảnh báo, dự báo mưa lũ sớm” do tiến sĩ Trịnh Quang Toàn, Đại học California, Davis (Mỹ), nghiên cứu Một trong những vấn đề được nhiều người dân miền Trung đặc biệt quan tâm là “. Theo tiến sĩ Đinh Quang Toàn, nghiên cứu hướng đến đồng hóa dữ liệu sử dụng công nghệ mạng nơ ron nhân tạo (AI) kết hợp mô phỏng khí tượng-thủy văn. Bộ mô hình này kết hợp dự báo khí tượng và dự báo thủy văn có đồng hoá số liệu (Coupled DAHM Model). Sản phẩm hướng đến xây dựng được quy trình công nghệ dự báo mưa, lũ hạn từ 2-5 ngày để giúp người dân chuẩn bị có cách đối phó nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và của do thiên tai gây ra.

Các đại biểu thảo luận về chủ đề Vai trò của khoa học công nghệ trong phục vụ phát triển đất nước

Lê Thanh

Theo tiến sĩ Trần Lê Hưng, ĐH Cầu đường Paris (Pháp), tại nhiều quốc gia trên thế giới, vai trò của khoa học, công nghệ và mới sáng tạo (STI) rất quan trọng. Đó là ứng dụng và phát triển công nghệ hiện đại, đưa công nghệ trở thành phương tiện, công cụ chủ yếu để nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm và đặc biệt tạo ra giá trị gia tăng mới cho hàng hóa.
Để làm tốt điều này, tiến sĩ Trần Lê Hưng, đề xuất: "Nhà nước cần tạo lập và hình thành Ban STI nhằm hỗ trợ cho diễn đàn, các nhóm nghiên cứu có sự kết hợp trong và ngoài nước, các ấn bản khoa học chất lượng, các sản phẩm STI có tác động lớn cho Việt Nam và đạt tầm cỡ thế giới. Thúc đẩy việc điều chỉnh, hoàn thiện cơ chế các quỹ khoa học, công nghệ của nhà nước, các ban ngành và của các doanh nghiệp nhằm hỗ trợ cho mạng lưới, các nhà khoa học, các tổ chức nghiên cứu trong và ngoài nước thực hiện các hoạt động STI".
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.