Nhưng vài ngày sau, cháu có kết quả giành học bổng một trường ĐH ở Mỹ. Bố mẹ cháu hớn hở ra mặt, đi khoe khắp nơi, bà con họ hàng, nhưng lại lờ đi chuyện xin lỗi con trai của mình. Cháu có tổn thương không, tôi nghĩ là có, sau những lời nói lúc nóng giận, và cả những roi vọt mà cha mình dành cho cháu. Ở tuổi 18, chàng trai đó hoàn toàn xứng đáng được trò chuyện như những người đàn ông, khi ngồi cạnh ông nội, bố, chú, bác… của mình.
Nhiều gia đình ở quanh tôi, ông bà - cha mẹ không có thói quen xin lỗi con cháu, dù thực tế không phải lúc nào người lớn cũng luôn đúng. Tát con khi nóng giận, đọc trộm nhật ký của con và bị bắt gặp, la mắng con, thậm chí đánh con trước mặt đông người… với những cách thức và tần suất thể hiện khác nhau, nhiều cha mẹ làm tổn thương con, nhưng lại luôn nghĩ rằng, đang dạy con, được phép làm, không có trách nhiệm phải xin lỗi, kể cả khi sau đó ngẫm lại, họ thấy mình “quá tay”, “quá lời”, “không kiềm chế được”.
Mới đây, trên bản tin, ông cụ người Nhật, dù bị người xích lô chặt chém 2,9 triệu đồng cho một cuốc xe chưa đầy 5 phút ở TP.HCM, câu đầu tiên ông nói vẫn là “xin lỗi”. Ông nhận lỗi do mình không thỏa thuận giá trước. Văn hóa chịu trách nhiệm cá nhân, luôn thường trực hai từ “xin lỗi” - “cảm ơn” trong công việc, đời sống thường ngày, điều phổ biến ở nước Nhật không phải ai cũng tự nhiên mà có thể làm ngay được. Nhưng, tốt hơn cả, nó nên được giáo dục sớm từ ngay trong gia đình, từ khi mỗi chúng ta chỉ còn là đứa trẻ. Sẽ bất công, nếu chỉ dạy các con xin lỗi - cảm ơn, nhưng ông bà, cha mẹ thì chẳng bao giờ nói lời đó với con cháu của mình.
Trong một sự kiện mới đây về giáo dục trẻ trong thời đại số, một tiến sĩ - bác sĩ ở Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM kể với chúng tôi câu chuyện gây ấn tượng mạnh với chị. Tại một bảo tàng, người ta thấy một người đàn ông quỳ hai chân xuống sàn trong khi ngước nhìn từng bức tranh. Thấy lạ, một người hỏi thì được nghe câu trả lời: Tôi là thầy giáo dạy trẻ mầm non, ngày mai các cháu sẽ tới bảo tàng, tôi muốn xem lũ trẻ sẽ có thể nhìn thấy gì với chiều cao của chúng.
Một câu chuyện nhỏ để chúng ta hiểu rằng, trẻ em dù ở đâu, thế nào cũng cần được tôn trọng. Hãy đặt mình vào vị trí của các con để thấu hiểu và chia sẻ với chúng.
Và tôi luôn tin rằng, một đứa trẻ được tôn trọng, được xin lỗi, được cảm ơn, từ chính trong gia đình, trường học của mình, sẽ trở thành một công dân biết tôn trọng người khác, biết nhận lỗi, chịu trách nhiệm khi lớn lên, dù trở thành ai, làm bất cứ công việc gì.
Bình luận (0)