Làm việc từ xa để phòng tránh đại dịch Covid-19

Thu Hằng
Thu Hằng
21/03/2020 11:07 GMT+7

Thay vì đến văn phòng làm việc, nhiều doanh nghiệp tại Hà Nội đã cho nhân viên làm việc từ xa (telework) để phòng tránh dịch Covid -19.

Làm việc từ xa: “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”

Cuối tháng 2, khi dịch Covid-19 bắt đầu lan rộng, Công ty Aviva Vietnam - chuyên cung cấp các giải pháp về bảo hiểm, trụ sở ở phố Tây Sơn (Q.Đống Đa, Hà Nội), đã khuyến khích nhân viên làm việc từ xam nửa ngày ở nhà, nửa ngày còn lại đến công ty. Sang tháng 3, khi dịch bùng phát, công ty đã cho 340 nhân viên ở nhà, làm việc từ xa.
Chị Lê Mai Thanh, Trưởng phòng Đào tạo Công ty Aviva Vietnam, chia sẻ: “Làm việc từ xa, các nhân viên vẫn có thể ở nhà mà vẫn đảm bảo doanh số và tiến độ công việc. Đa phần nhân viên cảm thấy hào hứng, tuy có đôi lúc cũng cuồng chân và nhớ đồng nghiệp, nhớ góc làm việc quen thuộc”.
Để gắn kết và động viên tinh thần nhân viên trong đợt dịch, công ty lập “team ứng phó với dịch” cập nhật tình hình, đưa ra hướng giải quyết trong từng thời điểm; hỗ trợ toàn bộ nhân viên chi phí hằng tháng để mua khẩu trang, nước sát khuẩn dùng tại nhà
. Hằng tuần, công ty tổ chức cuộc thi qua ảnh “Góc làm việc tại nhà”… Chị Thanh cho biết: “Công ty đã chuẩn bị các phương án nếu dịch bệnh kéo dài, trong đó xây dựng hệ thống làm việc online đồng bộ, các phương tiện phục vụ cho công việc như: webex (ứng dụng họp trực tuyến), VPN (mạng riêng ảo) được sử dụng tối đa. Các trưởng bộ phận phối hợp với bộ phận nhân sự chủ động quản lý hiệu quả của nhân viên theo hiệu suất công việc. Với khẩu hiệu “Yêu nước hãy ngồi yên tại chỗ”, chúng tôi mong muốn góp phần hạn chế lây lan bệnh dịch này”.
Với những nhân viên của các công ty đa quốc gia hoặc tổ chức nước ngoài, làm việc từ xa không phải là mới, nhưng từ khi xảy ra dịch bệnh, mô hình này được áp dụng triệt để.
Chị Nguyễn Bích Hiền, làm việc cho một tổ chức quốc tế tại Hà Nội, cho hay: “Cơ quan chúng tôi có hệ thống quản lý nhân viên toàn cầu, kết nối với máy chủ ở Thụy Sĩ, trước đây hệ thống đã cho phép nhân viên làm việc từ xa, có thể tại nhà, khi đi công tác hoặc cả khi đi du lịch. Khi xảy ra dịch bệnh, ngoài cho phép nhân viên tại các vùng dịch ở nhà làm việc, cơ quan còn khuyến cáo hạn chế đi lại, hạn chế sử dụng phương tiện công cộng…”.
Theo chị Hiền, làm việc ở nhà bị chi phối bởi việc nhà… Tuy nhiên, vẫn phải đảm bảo tiến độ công việc được giao. “Chỉ cần vào máy tính là biết nhân viên có làm việc, hoàn thành nhiệm vụ hay không. Nhiều khi tôi phải thức đêm để làm bù công việc. Mặc dù một số dự án có bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, song rất mừng là cơ quan cam kết trả nguyên lương cho nhân viên”, chị Hiền bày tỏ.
Anh Nguyễn Hoàng Giang, Giám đốc Công ty CP Vườn Hoàn Thiện, chuyên thiết kế, trang trí văn phòng, có trụ sở tại Q.Cầu Giấy (Hà Nội), cho biết từ 16.3, các nhân viên khối văn phòng của công ty được làm việc tại nhà, chỉ có nhân viên trực tiếp sản xuất là đi làm luân phiên. “Tuần trước, tòa nhà của chúng tôi bị phong tỏa do có người trong diện F1 (tiếp xúc với người mắc Covid-19). Giờ chính quyền tiếp tục khuyến cáo người dân hạn chế ra đường nên chúng tôi cũng cho nhân viên làm việc từ xa. Dịch bệnh ảnh hưởng rất nhiều đến công việc kinh doanh, làm việc ở nhà cũng là cách giảm tối đa các chi phí xăng xe, thuê địa điểm…”, anh Giang nói.
Mới đây, lãnh đạo Tập đoàn Vingroup cũng quyết định cho tất cả cán bộ nhân viên đủ điều kiện làm việc từ xa tạm thời được làm việc ở nhà 2 tuần để phòng sự lây lan của dịch bệnh. Đồng thời khuyến cáo cán bộ nhân viên hạn chế tiếp xúc, hủy các cuộc họp không khẩn cấp để đảm bảo an toàn.

Xu hướng làm việc mới “lên ngôi” sau dịch

Theo PGS-TS Lê Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học - Lao động (Bộ LĐ-TB-XH), xu hướng làm việc từ xa được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng trong thời đại công nghệ 4.0. Khi dịch bệnh hoành hành, giải pháp này còn giúp giảm khí thải gây ô nhiễm môi trường, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp. Bà Hương phân tích: “Ưu điểm của cách thức làm việc này là mang lại cho nhân viên sự thoải mái và tự do sáng tạo, tránh được những áp lực tại cơ quan. Tuy nhiên, giải pháp này chỉ phù hợp với các công ty lớn, công ty đa quốc gia và một số ngành nghề, bởi nhiều doanh nghiệp tại VN chưa chuẩn bị cho hệ thống làm việc từ xa. Việc thiếu sự giám sát có thể dẫn đến nhân viên làm việc tại nhà không tự giác, thiếu tập trung trong công việc”.
Theo bà Hương, hiện tại đây là giải pháp tạm thời được các doanh nghiệp, đơn vị áp dụng trong mùa dịch, nhưng sẽ là xu thế làm việc mới trong thời gian tới tại VN. “Trong cái rủi có cái may”, các doanh nghiệp sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào đời sống tạo ra những yếu tố mới, không chỉ là có thể làm việc ở nhà kết nối toàn cầu. Bên cạnh đó, cách làm việc này cũng tạo ra sự phân công lao động mới thay cho mô hình truyền thống làm việc tại văn phòng. Quan trọng nhất là không gian làm việc mới, không gian tương tác trên mạng giúp rút ngắn các công đoạn trong quá trình làm việc, trao đổi thông tin, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội sau dịch bệnh”.
Bà Nguyễn Phương Mai, Giám đốc điều hành Navigos Search (Tập đoàn nhân sự Navigos), nhận định tình hình dịch bệnh sẽ còn rất phức tạp, khó tiên đoán, vì vậy các doanh nghiệp cần chủ động thực hiện ngay các phương án về nhân sự để duy trì hoạt động kinh doanh. “Thay vì cắt giảm nhân sự, các doanh nghiệp có thể sử dụng ngân sách dự phòng, giảm bớt các phúc lợi và các khoản đầu tư không cần thiết. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần cân nhắc chuyển đổi sang tự động hóa, số hóa, làm việc từ xa để giảm thiểu rủi ro về nhân sự trong tình trạng dịch bệnh”, bà Mai nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.