Do ai cũng đi làm
"Năm nào cũng thế, cứ đến tết là gia đình nhà nội làm rất 'đủ bài', từ đưa đến rước ông Công, ông Táo đến nghi lễ thờ cúng tổ tiên, Nguyễn Ngọc Thanh Huy, 22 tuổi, SV ngành Công tác xã hội, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, chia sẻ và cho biết mình không rành lắm về những lễ nghi ngày tết, đôi khi cũng bị người lớn trách mắng.
|
“Gia đình mình ai cũng đi làm xa, mỗi năm về một lần nên ít biết về các nghi lễ ngày tết. Mình cho rằng việc biết các nghi lễ ngày tết là một điều tốt, người trẻ nên tìm hiểu từ thế hệ trước”, Huy chia sẻ.
Còn Nguyễn Thiên Kim, 19 tuổi, SV Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho biết ba mẹ mình nói là con gái biết bếp núc là được, cho nên đến bây giờ việc nghi lễ hình như mình mù tịt. Mấy ngày tết thì chỉ biết dọn dẹp, nghi lễ nhà mình là ba mình “gánh” hết.
“Nghi lễ ngày tết mình nghĩ không biết cũng không sao, đâu có ai trách mắng gì. Khi nào cưới chồng, lập gia đình rồi mình mới tính tới chuyện đó”, Kim cho biết.
Quan trọng là lòng thành
Đối với anh Hồ Thanh Long, 36 tuổi, trú tại hẻm 154 Âu Dương Lân, P.3, Q.8, TP.HCM, cho biết theo quan điểm của mình việc thực hiện các nghi lễ ngày tết là điều hiển nhiên phải làm. Vì đó là phong tục, là một nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của ông bà ta. Nhưng công việc cúng kiến như thế nào tùy thuộc vào mỗi người, mỗi gia đình. Có người thì phải theo đúng trình tự, đúng nghi thức. Riêng mình thì suy nghĩ cũng không nhất thiết phải làm đúng tất cả hay theo từng bước.
|
“Chủ yếu là có thành tâm hay không. Mình chỉ cần cúng xong cả gia đình cùng quây quần bên nhau, ăn bữa cơm đầm ấm, trò chuyện rôm rả, tổng kết lại một năm đã qua và chuẩn bị đón một năm mới sắp tới. Vì với tôi gia đình là tất cả, cho nên dịp chuẩn bị đón tết và thực hiện lễ nghi như thế sẽ làm cho thành viên trong gia đình vui hơn, hạnh phúc hơn”, anh Long chia sẻ.
Chỉ một ít bánh mứt, dưa hấu, hoa quả cho những lần thực hiện các lễ nghi cúng kiến ông bà trong ngày tết đến, Trần Tấn Phát, 24 tuổi, cựu SV Trường CĐ Phát thanh Truyền hình II, tâm sự sau khi cúng xong sẽ lau dọn bàn thờ sạch sẽ và không đốt nhang cho đến 30 tết.
“Ngày nay mình thấy có nhiều bạn trẻ không hiểu tường tận như người xưa về sự tích ông Táo hay ý nghĩa về ngày lễ truyền thống này. Không sao cả, chỉ cần nhắc đến ông Táo là ta nhớ đến bếp lửa. Thế thì các thành viên trong gia đình làm sao phải 'giữ lửa' với nhau, phải tạo dựng được không khí ấm cúng, gần gũi, quan tâm nhau là được. Lễ nghi chỉ là hình thức, quan trọng vẫn là lòng thành và cách chúng ta biến ý nghĩa của buổi lễ thành một lối sống thiết thực trong cuộc sống hiện đại”, Tấn Phát chia sẻ.
Trong khi đó, anh Nguyễn Bảo Thái, 28 tuổi, cựu SV ngành Bảo tàng học Trường ĐH Văn hóa TP.HCM, chia sẻ mình nghĩ tùy vào từng người, có nhiều người thích tìm hiểu về văn hóa ngày tết thì sẽ hiểu rõ và ngược lại. Tuy nhiên các lễ nghi cơ bản thì nên biết vì chính các bạn sẽ lưu giữ văn hóa cho dân tộc...
“Một phần quan trọng là môi trường sống từ gia đình cho đến xã hội, ví dụ một người nào đó sống trong một gia đình luôn đề cao các giá trị truyền thống thì họ sẽ tiếp thu các lễ nghi ấy một cách tự nhiên...”, anh Thái chia sẻ.
Mỗi người nên tự tìm hiểu
Thạc sĩ Doãn Thị Ngọc, giảng viên Khoa Khoa học và xã hội Trường ĐH Hoa Sen, cho biết các nghi lễ ngày tết là nét văn hóa truyền thống tinh thần tốt đẹp và độc đáo của người Việt Nam. Chúng ta cần trao truyền ý nghĩa của những nghi lễ này cho mọi người, đặc biệt cho các bạn trẻ. Họ có hiểu thì họ mới giữ và duy trì. Mỗi người nên tự tìm hiểu và tìm cách mới để phát huy và phát triển theo xu hướng phù hợp với bối cảnh hiện đại.
“Ở người trẻ đơn giản là 'chưa hiểu thì chưa có niềm tin, chưa thấy có giá trị thì chưa theo được'. Khi thiếu hiểu biết thì sẽ có nhiều trở lực làm ta ngại, thờ ơ, né tránh, hay chối bỏ. Có lẽ do người lớn chưa có điều kiện thích hợp để trao đổi rõ ràng, rành mạch với các bạn trẻ, hay có thể chúng ta chưa có những cách tiếp cận mới phù hợp với giới trẻ. Thực tế cho thấy có nhiều nghi lễ bị biến tướng hay nặng về hình thức, mất quá nhiều thời gian và công sức không chính đáng nên giới trẻ mới ngại và nói tùy lòng thành”, thạc sĩ Ngọc chia sẻ.
Bên cạnh đó, vị thạc sĩ này cho rằng do phương pháp dạy chưa sáng tạo và thông tin chưa thực tế, rõ ràng, rành mạch. Đồng thời cách tiếp cận chưa mới, chưa sáng tạo, chưa phù hợp với tâm-sinh-xã hội cũng như tinh thần, thái độ, giá trị của giới trẻ.
“Các bạn trẻ ngày nay khá hiểu chuyện, thông minh, sáng tạo và nắm bắt vấn đề rất nhanh. Tôi nghĩ vẫn là do tầm nhìn và cách tiếp cận chưa sáng tạo, chưa hợp thời. Mình không thể nói người khác thay đổi khi mỗi cá thể không thay đổi. Nếu có sự hướng dẫn vừa đủ thì mới có thể thay đổi được. Hiểu đúng thì mới hành động đúng. Hiểu thì mới tin. Văn hóa, đặc biệt văn hóa truyền thống, cũng không ngoại lệ. Có những người hiểu lộn rằng văn hóa truyền thống là cổ hủ, lạc hậu. Hiểu như vậy là nhầm lẫn giữa các nghi lễ văn hóa với các hành vi phản văn hóa. Đã nói tới văn hóa, đặc biệt văn hóa truyền thống, là điều tốt đẹp, là bệ đỡ nâng cao tinh thần và hoài bão của chúng ta, và là niềm tự hào của dân tộc. Văn hóa truyền thống là cốt tủy hay hồn cốt của một dân tộc nên cần dược dạy từ nhỏ và cần dạy liên tục qua các cấp độ giáo dục và được cập nhật qua các buổi tập huấn của các tổ chức. Ở nước ngoài, họ có những lớp tập huấn về đa dạng văn hóa và về giao tiếp đa văn hóa thường xuyên cho các công ty từ cấp quản lý tới nhân viên. Họ cũng tổ chức các buổi chia sẻ, giao lưu văn hóa để mọi người hiểu nhau hơn, tạo ra một thế giới hòa bình, hợp tác, tôn trọng và thấu hiểu”, thạc sĩ Ngọc nhận định
|
Bình luận (0)