Rộ trào lưu biến tấu thơ, ca dao gây ‘hack não’ của giới trẻ

21/02/2020 18:36 GMT+7

Trong những ngày qua, mạng xã hội Facebook xuất hiện hàng loạt câu thơ, ca dao, tục ngữ... được giới trẻ biến tấu gây ‘hack não’ nhiều người.

Khó có thể biết chính xác xu hướng biến tấu thơ, ca dao... này xuất phát từ đâu, từ khi nào nhưng nó đã trở thành một trào lưu mới đang được giới trẻ rầm rộ chia sẻ.
Theo đó, những câu thơ, ca dao, tục ngữ rất quen thuộc với mọi người được các bạn biến tấu một cách khó hiểu. Thường cư dân mạng sẽ chọn 2 câu thơ hoặc ca dao nào đó rồi biến tấu. Giữ nguyên các dòng chữ và chỉ thay đổi 1 hoặc 2 chữ cuối của câu thơ thứ 2.  
Tuy nhiên, việc biến tấu này tạo nên những đoạn thơ hoàn toàn vô nghĩa hoặc một số câu lại trở thành “có lý” một cách tình cờ. Đôi lúc tạo sự khó chịu khi đọc vì các vần âm trong câu bị thay đổi.

Những câu thơ, ca dao, tục ngữ trở thành đề tài "đăng Face" của người trẻ

Chụp màn hình

Ví dụ như những câu “hack não” người đọc như: “Bầu ơi thương lấy bí cùng/Tuy rằng khác giống nhưng chung bí cùng. Hoặc Cái cò, cái vạc, cái nông/Ba cái cùng béo vặt lông cái nông…”.
Bạn Nguyễn Phước Huy, quản lý một trang thương mại điện tử (khu công nghệ cao, Q.9, TP.HCM), cho biết không biết trào lưu chế thơ này xuất phát từ đâu. Huy chỉ biết nhìn bạn bè đăng tải rồi bắt chước làm theo. Mặc dù huy thừa nhận hoàn toàn không hiểu nghĩa của các câu thơ mà mình đã biến tấu ra. 

Tuy nhiên, đâu đó những câu được chế lại vô tình có nghĩa

Chụp màn hình

Huy chia sẻ thêm: “Trào lưu này đã tạo thành tranh luận hai chiều. Một chiều cảm thấy vui và một chiều cho rằng làm giảm sự trong sáng của ca dao tục ngữ Việt Nam”.
Cũng theo trào lưu này, bạn Lưu Bảo Trân, ngụ đường Trần Xuân Soạn, Q.7, TP.HCM cũng “treo” 2 câu thơ: “Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong núi Thái Sơn”. Bảo Trân thừa nhận, sở dĩ viết 2 câu thơ trên dòng trạng thái chỉ “đu theo trend” cùng mọi người. Do đó, có hiểu hay không cũng không quan trọng.
Tuy nhiên, Trân cũng cho rằng, chế thơ, ca dao, tục ngữ bỗng nhiên có vài câu trở thành có nghĩa. Trân lấy ví dụ: “Có không giữ, mất đừng giữ.

Chỉ là “trend” nhất thời ?

Trần Tấn Phát, 23 tuổi cựu sinh viên Trường CĐ Phát thanh - Truyền hình II TP.HCM, cho biết: "Tôi thấy đây cũng là một trào lưu của giới trẻ thôi. Nó chỉ mang tính nhất thời, vui là chính. Tuy nhiên nghe có vẻ vui tai nhưng vô hình trung nó sẽ gây cho người xung quanh cảm thấy ca dao, tục ngữ bị "xúc phạm".

Giống như Tấn Phát, Nguyễn Quốc Khắc Huy, 24 tuổi, công tác tại số 475 Nguyễn Tri Phương P.8 Q.10, TP.HCM, cho biết: "Mình thấy việc chế như thế chỉ là trò vui hay chỉ là trend nhất thời của giới trẻ thôi. Nhưng phải có định hướng từ những người lớn vì đây đa phần đều là những câu ca dao, tục ngữ của ông bà ta, nếu cứ để như vậy thì sẽ làm mất đi những giá trị của nó. Vì những câu ca dao, tục ngữ đều là những lời khuyên, lời dạy dễ nghe, dễ hiểu, dễ nhớ và mang tính giáo dục sâu sắc cho các thế hệ".

Mất đi sự trong sáng của tiếng Việt

Anh Hồ Thanh Long, 36 tuổi, làm việc tại số 123 Võ Văn Tần, Q.3, TP.HCM, cho biết cách sửa vần, sửa chữ này của giới trẻ sẽ đem lại hệ lụy không nhỏ. Thứ nhất là sai về nguyên tắc gieo vần trong thơ ca, trong ca dao tục ngữ. Thứ 2 là những câu bị thay đổi nó chẳng mang một ý nghĩa nào. Ví dụ như câu "gần mực thì đen - gần đèn thì đen" nó sai cả về nguyên tắc gieo vần lẫn ý nghĩa của câu. Thứ 3 là nó không mang lại ý nghĩa giáo dục, gây phản cảm khó chịu. Ví dụ như câu "Muốn sang thì bắt cầu kiều - muốn con hay chữ phải yêu cây cầu".

“Nếu trào lưu này kéo dài có thể sẽ ăn sâu vào tâm trí giới trẻ cũng như trẻ con. Làm cho nhiều bạn lầm tưởng như thế là đúng là hay. Dần dần sẽ làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt, mất đi sự giáo huấn của ông bà ta trong những câu ca dao, tục ngữ...”, anh Thanh Long nhìn nhận.

Có thể ảnh hưởng không hay đến học sinh

Thầy Phạm Thanh Tuấn, giáo viên giảng dạy môn giáo dục công dân Trường THCS - THPT Diên Hồng (TP.HCM), cho rằng đây là một trong những trào lưu mới thu hút các bạn trẻ tham gia bằng việc chế lại các câu ca dao, tục ngữ. Trào lưu này đang gây "bão" mạng xã hội.

"Riêng với một người làm nghề giáo thì tôi nghĩ điều này không nên lạm dụng. Vì nếu làm như vậy sẽ mất đi tính trong sáng của ca dao, tục ngữ. Điều này có ảnh hưởng đến việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Nếu như có nhiều dị bản không chính thức lan truyền có thể ảnh hưởng rất lớn đến nhiều bạn trẻ, đặc biệt là học sinh", thầy Phạm Thanh Tuấn cho biết.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.