Tăng giá khẩu trang lúc này là hành động không nhân đạo
Là một người hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh, anh Cao Trung Hiếu (sáng lập và điều hành Dân Trí Soft) bức xúc về việc tăng giá khẩu trang lên cao ngất ngưởng, bày tỏ quan điểm: “Đó là kiểu kinh doanh Thạch Sùng như truyện cổ tích của Việt Nam. Còn theo kinh tế học thì đó là cách kinh doanh của sự hoang dại, người làm kinh doanh chỉ biết đến đồng tiền và lợi nhuận. Ai đó bảo do quy luật cung cầu mà ra, ừ thì đúng là vậy vì chẳng ai đưa dao hay súng ép bạn phải mua, nhưng nói thẳng “nơi nào có tình yêu thương nơi đó có hạnh phúc”. Thấy buồn cho văn hóa kinh doanh của một bộ phận người kinh doanh Việt Nam”.
Tỏ ra rất khó chịu trước vấn nạn này, TS-BS Phạm Lê Duy (bác sĩ tại phòng khám dị ứng và miễn dịch lâm sàng, giảng viên bộ môn sinh lý - sinh lý bệnh - miễn dịch của Trường ĐH Y Dược TP.HCM) cho rằng trong khi đại đa số chúng ta đang cố gắng tuyên truyền các thông tin có ích trong việc phòng chống sự lây lan của dịch bệnh viêm phổi do virus Corona, một số người đang nhìn nhận “thảm hoạ” CoV trước mắt như một cơ hội để có thể tìm được một lợi ích nào đó cho bản thân mình. Có người tranh thủ liên tục viết hoặc share những bài hướng dẫn cách phòng bệnh, cách tự điều trị, cách đeo khẩu trang... để tranh thủ “nổi tiếng”. Điều đáng quan ngại là các chia sẻ này không dựa vào các bằng chứng khoa học rõ ràng, có các thông tin sai lệch, sẽ gây ra những hậu quả bất lợi cho việc phòng chống dịch bệnh lây lan.
|
Cũng theo bác sĩ Duy điều đáng sợ hơn, nhiều người lợi dụng sự gia tăng đột biến về nhu cầu mua và sử dụng các trang thiết bị bảo vệ sức khỏe như khẩu trang, nước rửa tay nhanh, nước súc miệng diệt khuẩn... của người dân để thu gom nguồn hàng, rồi bán ra với mức giá bất hợp lý, thu lại lợi nhuận tăng gấp 4-5 thậm chí 10 lần so với những ngày trước.
“Mặc dù khi cung không đủ cầu thì sẽ đẩy giá cả tăng lên, nhưng khi người bán đẩy giá sản phẩm lên thêm nữa để lấy lời cao hơn là hành động thiếu tính nhân đạo, không văn minh...”, bác sĩ Duy bức xúc.
Và gửi gắm: “Trong thời điểm này, tất cả chúng ta phải hỗ trợ lẫn nhau, giúp người khác chính là giúp mình, vì chỉ cần thêm một người mắc bệnh, là sẽ lây lan thêm cho nhiều người khác nữa, mà trong số đó có thể có chính chúng ta. Hiện tại, ý nghĩa của 'miễn dịch cộng đồng' lại rõ ràng hơn bao giờ hết. Càng nhiều người được bảo hộ, thì sẽ làm tăng khả năng bảo vệ những đối tượng có nguy cơ nhiễm bệnh cao, không có điều kiện và khả năng tự bảo vệ mình. Cho nên, rất mong mọi người sẽ thực hiện một phương châm giúp người là giúp mình, giúp mình là giúp người”.
Lối tư duy nguy hiểm của một số người kinh doanh
Chàng họa sĩ trẻ Phạm Hồng Minh, cựu sinh viên Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM, kêu gọi: “Ôi nghĩ trong lúc này cộng đồng chúng ta cần chia sẻ và hỗ trợ nhau nhiều hơn là kinh doanh vì tý lợi ích cá nhân. Đại dịch corona thật sự đang rất nghiêm trọng và đáng báo động. Nhà nhà người người muốn tìm mọi cách để bảo vệ cho mình và gia đình. Và thật sự buồn vì có nhiều cửa hàng kinh doanh tăng giá khẩu trang lên cao gấp 3 đến 4 lần giá ngày thường. Nhưng nếu bạn đọc những điều này, tôi chỉ mong trong giai đoạn này hãy chia sẻ nhiều hơn là vì lợi ích cá nhân, để cùng nhau vượt qua lúc khó khăn. Để cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn. Và nếu các bạn đọc được những dòng này hãy dừng lại việc kinh doanh khẩu trang, đừng dự trữ quá nhiều khẩu trang riêng cho mình, hãy thông minh và sáng suốt để cùng nhau chống lại đại dịch này”.
|
Trên trang cá nhân của mình, chàng trai Mạc Văn Trung (cựu sinh viên Trường ĐH Luật TP.HCM) đăng những dòng trạng thái: “Bán khẩu trang y tế bình ổn giá thị trường. Tui rất ghét kinh doanh trên sự khốn khổ của người khác. Sáng mai tui bán đúng giá gốc 10.000 đồng/túi 15 cái khẩu trang 3 lớp tại 2 điểm để hỗ trợ bà con là 22 Hoàng Diệu 2 và số 13 đường 7 (Linh Chiểu, Thủ Đức, TP.HCM)”.
Trao đổi với người viết, Trung bày tỏ: “Mình làm như vậy một phần là để những người bán giá cao suy nghĩ lại, 2 là để cùng một số anh chị em kinh doanh tử tế đồng hành với người dân trong những ngày nhiều nỗi lo lắng về đại dịch này”.
|
Theo Trung việc cố gắng đẩy cao giá để kiếm lời này dựa vào sự sợ hãi của phần đông mọi người về dịch bệnh corona. Điều này không thiếu ở xã hội hiện tại thể hiện lối suy nghĩ “Ăn xổi ở thì” của một bộ phận người kinh doanh...
“Lối tư duy này rất nguy hiểm với một người kinh doanh nhất là thời đại công nghệ thông tin hiện tại. Việc kinh doanh kiểu tăng giá vô tội vạ sẽ là con dao 2 lưỡi có thể giúp họ kiếm một khoản lời trong thời gian ngắn nhưng cũng có thể bị cả xã hội tẩy chay, lên án và khả năng cũng sẽ bị cơ quan chức năng xử lý nếu đủ cơ sở. Mình cũng kinh doanh nên mình thấy việc tăng giá khẩu trang là không tử tế và sẽ gây hại cho cả người bán và người mua”, Trung chia sẻ.
Bình luận (0)