'Tết đi nhậu nhớ mang theo máy đo nồng độ cồn'

Tấn Đạt
Tấn Đạt
08/01/2020 14:03 GMT+7

Đó là viễn cảnh trong dịp Tết Canh Tý 2020 của chị Nguyễn Thụy Xuân Trinh, 22 tuổi, ngụ huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre nói về nghị định 100/2019/NĐ-CP trong việc xử phạt nồng độ cồn đối với người lái xe.

Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm luật giao thông đường bộ, đường sắt có hiệu lực từ ngày 1.1.2020, nâng mức phạt người uống rượu bia lái xe lên rất cao.
Nhiều người trẻ đã chia sẻ một số viễn cảnh trước nghị định này, cũng như việc uống rượu bia trong những ngày Tết Canh Tý 2020.

Chở vợ đi theo

Chị Nguyễn Thụy Xuân Trinh chia sẻ còn hơn 2 tuần nữa mới tới tết, nhưng mấy đứa bạn học chung phổ thông đã lên kế hoạch tụ tập ăn chơi với lớp. Mấy bạn nam nói vui rằng “tết này nhớ mua sẵn máy đo nồng độ cồn, khi nào hợp lớp thì đem theo. Nhậu xong ngủ dậy nhớ thổi thử, khi nào hết nồng độ cồn mới được chạy xe về”.
Xuân Trinh cho biết khi luật có hiệu lực thì mình rất ủng hộ, thấy tình trạng người sử dụng rượu bia lái xe giảm đi nhiều, ở mấy khu quán nhậu thì lực lượng cảnh sát giao thông cũng có những chốt kiểm tra nồng độ. Các dịch vụ taxi, Grab khá là đắt khách...
“Nhưng khi tết, lễ tâm lý người Việt uống vài ly, vài lon là chuyện bình thường, khó thay đổi, kiểu như đi chơi với bạn, vào quán ăn cũng kêu mấy lon ra uống, chủ yếu vui là chính. Mà nay luật quy định nồng độ cồn ít cũng phạt, thì tết này có vẻ bớt vui hơn một chút”, Trinh bày cách.
Còn anh Hồ Thanh Long, 36 tuổi, làm việc tại số 123 Võ Văn Tần, Q.3, TP.HCM, cho biết không uống rượu bia trong ngày tết thì rất khó, cỡ nào cũng phải có một vài ly.
“Tết nhất thường thì bạn bè hay tụ tập vui chơi, nhất là bạn bè lâu năm ít gặp nhau. Cho nên lúc hẹn hò là thường vào quán ăn uống trò chuyện, tất nhiên là không tránh khỏi những thức uống có cồn như bia rượu. Bây giờ luật mới tăng khung hình phạt thì có vẻ việc uống rượu bia trong ngày tết phải coi lại, có thể rủ nhau về nhà ăn uống rồi ngủ luôn tại nhà bạn nào đó thay vì phải ra quán. Có như thế thì sẽ an toàn cho mọi người hơn, đỡ phải mất tiền mà an toàn giao thông nữa”, anh Long chia sẻ.
Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Xuân Phương, 25 tuổi, nhân viên văn phòng một công ty trên đường Nguyễn Văn Linh, Q.7, TP.HCM cho biết tụ tập bạn bè không nhất thiết là phải có rượu bia, mình đi ăn với nhau rồi ngồi nói chuyện cũng được. Nhưng mà khi tụ tập mà có rượu bia thì vui hơn...
Chị Phương hài hước nói: “Nhậu có người chở về là được. Thay vì đi nhậu một mình, mấy anh thanh niên thử chở vợ theo, có gì vợ chở về. Với lại luật này ra cũng là một cái cớ hay cho mấy ông không uống rượu bia, thay vì hồi trước bị ép lên ép xuống, giờ không ai dám ép nữa đâu”.

Trà sữa, nước ngọt thay bia

Trần Tấn Phát, 23 tuổi, cựu sinh viên Trường CĐ Phát thanh - Truyền hình 2, cho biết lúc trước mỗi dịp tết thì mình và các bạn cũng hay ăn tất niên, họp lớp. Trong những buổi tiệc đó thì mọi người cũng có uống bia với nhau. Nhưng giờ luật mới ra thì mình và các bạn cũng lo. Chắc sẽ họp lớp ở nhà một bạn nào đó rồi ở lại chơi luôn hoặc đi xe ôm công nghệ hay taxi về cho an tâm.
“Mình thấy việc tụ tập bạn bè không hẳn là phải có bia rượu mới vui. Bản thân mình và những người bạn, đồng nghiệp lâu lâu vẫn rủ nhau đi cà phê, đi ăn uống. Đây cũng là dịp bạn bè gặp mặt, tâm sự chia sẻ với nhau. Còn những buổi tiệc rượu bia thì thường là các dịp đặc biệt như cưới hỏi, tất niên… chứ không nhất thiết lần gặp nào cũng đi nhậu”, Phát chia sẻ.
Trong khi đó, Trần Văn Nghĩa, 20 tuổi, sinh viên Trường CĐ Cao Thắng, cười khi nhắc tới luật mới về phạt nồng độ cồn. Nghĩa cho biết, chắc năm nay phải uống trà sữa, nước ngọt thay bia, chứ nhấp môi thôi hơi thở cũng có nồng độ cồn rồi, trời xui đất khiến rồi mình bị bắt rồi sao, giam xe và bị phạt tiền nữa.
“Rượu hay bia cũng đâu tốt cho sức khỏe của mình nên mỗi dịp tết bạn cũ tụ tập vui chơi, lấy nước ngọt ra uống rồi ngồi nói chuyện trên trời dưới đất chắc cũng vui, chán thì chơi lô tô, không thì kéo qua nhà đứa khác nấu ăn...”, Nghĩa chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.