Thanh xuân là những chuyến đi tình nguyện hè

16/08/2019 19:10 GMT+7

Khi được hỏi 'Thanh xuân của bạn ở đâu?', nhiều bạn trẻ trả lời rằng 'Mình dành cả thanh xuân cho những chuyến đi tình nguyện'.

“Xin trời đừng đổ cơn mưa, không phải vì sợ ướt bờ vai chiến sĩ mà chỉ sợ con đường cát đá chẳng quyện măng”, những lúc đang dãi mình dưới cái nắng hè cháy da để được đổ những mẻ bê tông làm đường nhưng trời bổng đổ cơn mưa khiến các chiến sĩ tình nguyện của Trường ĐH Bách khoa TP.HCM đã xuất khẩu thành thơ. Những câu thơ nói hết lên được tâm huyết của các chiến sĩ trong những chiến dịch thanh niên tình nguyện hè.

Cứ hè về là lại lên đường với màu áo xanh

Sắp bước qua năm thứ 4 của quãng đời sinh viên, chàng trai Võ Hồng Phước Lộc, sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, đã có 3 mùa hè đồng hành cùng chiến dịch thanh niên tình nguyện hè.

Dưới đây, người viết xin trích dẫn những chia sẻ của Lộc về quãng thời gian ý nghĩa này của mình:

“Có lẽ thanh xuân của tôi là thời sinh viên mà cụ thể hơn là Mùa hè xanh. Vào mùa hè các bạn tôi đứa thì chọn đi làm thêm, đi học hè, đi du lịch.... còn tôi chọn Mùa hè xanh. Tại sao hả? Tôi cũng không biết nữa, chắc đó cũng thể gọi là duyên nhỉ! Hiện tại, tôi vừa kết thúc mùa hè năm thứ 3 cũng là 3 mùa hè của tôi đã gắn với Mùa hè xanh. Ba năm, đối với tôi mỗi năm là một trải nghiệm khác nhau. Vào mùa hè năm nhất khi tôi mới là chàng sinh viên năm 1 còn bỡ ngỡ không biết Mùa hè xanh là gì, chỉ đăng ký vì thấy lạ. Nhưng cuối cùng để lại là những giọt nước mắt khi chiến dịch kết thúc, những giọt nước mắt vì tiếc nuối vì tình cảm của những hộ nuôi quân dành cho chiến sĩ chúng tôi.

Đến mùa hè năm 2, chiến dịch tình nguyện hè của tôi không đứng ở vai trò chiến sĩ nữa mà trở thành đội trưởng của đội hình trực thuộc mặt trận của trường, lúc này tôi đã trải nghiệm công việc ở một vị trí có thể nói là khó khăn. Nhưng với tôi dù có khó khăn đến mấy thì các thành viên trong đội hình vẫn luôn là động lực, là chỗ dựa cho tôi mỗi khi khó khăn.

Đến năm 3 không nghĩ tôi lại tiếp tục chọn Mùa hè xanh, không biết tại sao nhưng chiến dịch cứ thế lại tiếp tục thôi thúc đăng ký tham gia. Mùa hè năm nay chúng tôi chọn Bến Tre là nơi dừng chân tiếp theo. Thanh xuân của tôi và các bạn ở đây là xây nhà, kéo điện, trồng cây, là ngày hội môi trường, là các buổi sinh hoạt thiếu nhi, là dạy học… là những giọt nước mắt vào ngày hội tổng kết, là những giọt nước mắt khi chia tay với người dân... Vậy là thanh xuân 3 năm đại học của tôi đã qua. Qua mỗi năm tôi học tập được thêm nhiều thứ, trải nghiệm được thêm nhiều thứ, trưởng thành hơn. Bởi lẽ đối với tôi và các bạn chiến sĩ khác, Mùa hè xanh là một điều kỳ diệu mà không thể diễn tả được bằng lời. Và cứ thế, cứ hè về là lại lên đường với màu áo xanh tình nguyện”.

Hãy một lần tham gia các hoạt động tình nguyện

Câu nói được đúc kết từ Phan Thị Minh Nguyệt, cựu sinh viên Trường ĐH Khoa học Huế, người đã từng gắn bó thời sinh viên của mình với các hoạt động tình nguyện, và cô ấy thấy thanh xuân đó thật ý nghĩa vô cùng.

Tuổi trẻ, ai cũng có lúc sẽ tự nhìn nhận lại mình và bạn có tự hỏi mình đã làm được những gì cho xã hội ở thời điểm mình đang còn trẻ ấy chưa? Tôi sẽ nói, thời gian 4 năm đại học của tôi là 4 năm có ý nghĩa nhất, bởi ở đó tôi không chỉ được học kiến thức, phục vụ cho nghề nghiệp bây giờ, mà ở đó tôi còn học được vì cộng đồng mà sống”, Nguyệt khẳng định.

Theo Nguyệt, cơ duyên đưa cô nàng đến với các hoạt động tình nguyện cũng khá đơn giản, ngay ngày đầu tiên làm thủ tục nhập học, cô được các anh chị tình nguyện của Câu lạc bộ Công tác xã hội Trường ĐH Khoa học Huế giúp đỡ từng đường đi nước bước trong trường cũng như cách mua hồ sơ làm thủ tục… Sau đó, thì cô sinh viên năm nhất còn nhiều bỡ ngỡ ấy đã được các anh chị khuyến khích tham gia câu lạc bộ (CLB).

Với một đứa trước đó khá là nhút nhát, nhưng từ khi tham gia CLB, các hoạt động vì cộng đồng, tình nguyện đã mang lại cho Nguyệt sự năng động, và cô nàng luôn biết ơn về điều đó rất nhiều.

“Chuyến đi tình nguyện Mùa hè xanh năm 2012, năm đó, chúng tôi đi xã Hồng Thủy, huyện miền núi A Lưới làm các công trình dân sinh giúp cho người dân. Sinh viên mà, ai cũng làm vất vả nhưng lương thực thì chỉ có hạn, có bạn thì bảo ăn ít, nhường cho các bạn khác ăn, có bạn lại được dân quý cho trái mít hay mấy trái bắp nướng ăn… Năm đó, tôi vẫn nhớ như in, lần đầu tiên đi rừng để đốn cây làm hàng rào cho trường mầm non, tôi đã bị con vắt cắn. Thực ra, đó là một trải nghiệm nhớ đời, bởi nó cắn ở bụng, mà tôi thì la toáng, còn mấy anh con trai thì chỉ biết nhìn, mấy chị con gái ai cũng sợ. Rồi những ngày đi bộ, băng rừng, lội suối, có bạn không quen đi hai ngày về nằm vật vã. Tôi thì may mắn, vẫn đi hết được chuyến tình nguyện. 4 năm đại học của tôi đã có 3 năm tham gia các hoạt động tình nguyện Mùa hè xanh, 3 năm với muôn vàn kỷ niệm”, Nguyệt nhớ lại.

“Nếu bạn là người trẻ, bạn hãy một lần tham gia các hoạt động tình nguyện hè, tôi cá chắc là rất thú vị, hạnh phúc, ý nghĩa và sẽ nhớ đến già”, Nguyệt gửi gắm.

5 năm sinh viên chưa vắng một mùa hè tình nguyện nào

Là câu chuyện của Hoàng Bá Tùng, sinh viên Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM, 5 năm sinh viên là 5 mùa hè gắn liền với chiến dịch thanh niên tình nguyện hè. Tùng cũng không biết tại sao, nhưng cứ đến hè, cái tình của người dân qua mỗi mùa chiến dịch cứ thúc giục Tùng xách ba lô và lên đường.

“Ai đã từng một lần đi mùa hè xanh mới hiểu. Cái cảm giác lần đầu bỡ ngỡ với một cuộc sống mới, với một gia đình mới. Cũng khó quen lắm. Cái khó quen đó mới kích thích mình tham gia chiến dịch tình nguyện mùa hè xanh. Khi lần đầu mới xuống, đó là sự chào đón thân tình của bà con. Cái thân tình dù chưa quen mà như đã quen từ lâu ấy. Vui lắm, thích lắm”, Tùng phấn khởi kể lại.

Theo mạch cảm xúc, Tùng kể tiếp: “Rồi bắt đầu thích nghi với cuộc sống mới. Sáng ra công trình, chiều vẫn lại công trình, tối về tâm sự với nhau. Thế mới biết những người đồng đội của mình có nhiều điều thú vị, có bạn gần 20 tuổi đầu rồi vẫn không biết rửa chén giặt đồ là gì, có bạn học rất là giỏi, tiếng Anh tiếng em như người bản xứ ấy, vậy mà ăn canh bí lại khen canh đu đủ ngon quá. Lần đầu thấy cây ớt, cây đu đủ, thế mà như lạ lẫm cười đến chết cơ chứ…”.

Anh chàng cũng hài hước khi ví những chiếc máy trộn xi măng cũng thất thường như con gái: “Rồi ra công trình, nắng lắm... mà đôi khi cũng mưa tầm tã, có gần 1 km đường mà phải mất cả tháng mới xong. Mọi việc đâu phải lúc nào cũng theo kế hoạch, vật tư cát đá lúc thiếu lúc thừa, xi măng thì hụt lên hụt xuống, máy trộn thì thất thường như con gái ấy… Đi tình nguyện là vậy đó. Nắng thì nắng cháy da cháy thịt, mà đang nắng bỗng mưa, phải lật đật tủ mấy tấm bê tông mới đổ mà mưa xong cát đá ướt đóng trong xô khó đổ gấp trăm lần. Rồi phải canh nước lại sao cho không bị nhão. Em nhớ mãi câu thơ của một bạn chiến sĩ khoa môi trường “Xin trời đừng đổ cơn mưa, không phải vì sợ ướt bờ vai chiến sĩ mà chỉ sợ con đường cát đá chẳng quyện măng”.

Điều khiến Tùng không thể nào quên trong các chiến dịch thanh niên tình nguyện hè đó chính là cái tình mà bà con ở mỗi vùng miền đã dành cho các chiến sĩ tình nguyện. “Đi đến đâu, người dân cũng cho từng bữa ăn, cứ sợ tụi mình ăn không đủ no, không có sức làm nên cho nhiều đến nỗi mà tụi mình ăn không hết luôn. Tụi mình gọi các cô chú là ba má, và cô chú cũng xem tụi mình như con. Đến ngày chia tay, những cái ôm thắm thiết, những giọt nước mắt lúc chia ly… Nó cứ thôi thúc em mãi, năm nào cũng đi, mỗi năm có những bài học và trải nghiệm khác nhau, và quý nhất là tình người qua mỗi mùa chiến dịch”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.