Ngày 31.5, TP.HCM giãn cách theo chỉ thị 15: Việc nên làm bây giờ là gì?

31/05/2021 14:51 GMT+7

Ngày 31.5, TP.HCM chính thức thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng, riêng Q.Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (Q.12) thực hiện Chỉ thị 16. Vậy việc bạn trẻ nên làm gì trong thời gian này?

Nhiều người trẻ hiến kế những việc cần làm khi TP.HCM chính thức thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15.

Tăng cường phòng, chống dịch, không kỳ thị người khác

Phan Phương Phương (30 tuổi, chủ hệ thống Phương Spa, Q.Bình Tân) hiến kế: "Tự mỗi người nên tăng cường thêm một số biện pháp phòng, chống dịch. Có thể là không những áp dụng 5K (khẩu trang, khử khuẩn, không tụ tập, khai báo y tế, khoảng cách) mà nâng lên 10K, thêm: Không nên hoang mang, lo lắng, sợ hãi dịch bệnh quá mức để bảo sự sức khỏe tâm thần của bản thân. Không đăng tải, loan thông tin sai sự thật khiến dư luận hoang mang. Khu cách ly là an toàn, hãy nghĩ như vậy nếu rơi trường hợp bị cách ly. Không ra khỏi nhà khi không có việc cần thiết. Không đến các cơ sở khám chữa bệnh nếu không rơi vào trường hợp thật sự cấp bách, thực nghiêm giãn cách theo Chỉ thị 15".
Theo Lê Đức Hùng (34 tuổi, chủ cửa hàng cơm tấm trên đường Tân Hương, Q.Tân Phú), một trong những điều cần làm nhất mà mọi người lưu ý hiện nay là đừng lơ là giãn cách theo Chỉ thị 15. "Đừng vì những thú vui của bản thân mà rủ nhau tụ tập quá 5 người ở những nơi công cộng như cùng chạy bộ công viên, tập trung ăn uống ở những bãi đất trống... Đặc biệt phải thực hiện việc giãn cách theo Chỉ thị 15 tối thiểu 2m khi giao tiếp.không lơi lỏng những chỉ dẫn phòng, chống dịch để giữ an toàn cho bản thân, gia đình, người thân và cộng đồng".
Trên mạng xã hội Facebook suốt từ đêm qua, nhiều thành viên đã gắn hashtag #doanketkhongkythi. Theo đó, mọi người khuyên nhủ nhau thông điệp, rằng bất cứ ai đều có thể bị nhiễm Covid-19. Covid-19 không phân biệt chủng tộc, giới tính, độ tuổi, hoặc các phẩm chất cá nhân khác. Thế nên khi có những người thân, bạn bè nghi nhiễm hoặc nhiễm Covid-19 không được kỳ thị. Thay vào đó, hãy động viên họ lạc quan và thực hiện các quy định việc giãn cách theo Chỉ thị 15 đề ra.

Coi chừng bị cách ly và bị phạt!

Hiện nay, có những tỉnh như Khánh Hòa, Quảng Ngãi đã ban hành công văn áp dụng biện pháp cách ly đối với người về từ TP.HCM. Cụ thể, người từ quận Gò Vấp, Q.12 về Khánh Hòa phải cách ly tập trung. Với những người ở các quận, huyện khác tại TP.HCM đến Khánh Hòa phải cách ly tại nhà trong 14 ngày. Còn tại Quảng Ngãi đã áp dụng biện pháp cách ly tại nhà 21 ngày đối với người trở về từ TP.HCM.
"Chính vì thế, khi TP.HCM thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15, nếu không có việc cần thiết, thì "đang ở đâu hãy ở yên đó", đừng vì tâm lý lo sợ dịch ở TP.HCM mà vội tìm cách về quê, kẻo bị cách ly. Đối với những địa phương khác, dù chưa áp dụng biện pháp cách ly thì khi về phải khai báo y tế chính xác, trung thực. Đặc biệt, đừng nghĩ đến việc đi du lịch đến nơi khác trong thời điểm này", Nguyễn Lê Thảo Nguyên, sinh viên Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, nói.
Cũng theo Nguyên, nếu có thói quen đi lại, di chuyển bằng xe buýt, có thể thay đổi phương tiện bằng xe ôm công nghệ. Bởi lẽ giờ đây, khi thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15 một số tuyến xe buýt đã tạm ngưng vận chuyển hành khách như: 03, 32, 50, 52, 58, 59, 86, 103...
Dẫn chứng câu chuyện mới đây quán internet 101-2 Gaming trên đường Bình Long (Q.Bình Tân, TP.HCM) vẫn lén lút hoạt động bất chấp lệnh cấm, đã bị công an Q.Bình Tân ập vào bắt quả tang, Hoàng Văn Quý (nhân viên công ty TNHH thương mại dịch vụ Phát Đạt, Q.Bình Tân) khuyến cáo: "Đừng ngó lơ lệnh giãn cách theo Chỉ thị 15. Những người kinh doanh trên cần thực hiện nghiêm túc các quy định phòng chống dịch Covid-19. Nhất là đối với quán ăn, quán cà phê, tiệm hớt tóc, gội đầu... đừng vì ham kiếm thêm tiền mà phớt lờ lệnh cấm, tìm cách che mắt lực lượng chức năng để mở chui đón khách sử dụng dịch vụ tại chỗ. Vì cái giá phải trả rất đắt, ngoài việc bị phạt, có thể bị rút giấy phép kinh doanh, thậm chí bị xử lý hình sự nếu làm lây lan dịch".

Để những ngày cách ly, giãn cách theo Chỉ thị 15 trở nên ý nghĩa...

Chuyên gia tâm lý Trương Văn Nghị, Trung tâm tư vấn tâm lý An Nam cho rằng "trong nguy có cơ". Những ngày cách ly, giãn cách theo Chỉ thị 15 sẽ là cơ hội để người trẻ có thể "khai phá bản thân".
"Nếu chưa từng vào bếp nấu ăn, hãy thử tập tành nấu ăn. Nếu chưa từng giúp bố mẹ dọn nhà, đây là cơ hội thể hiện bản thân là đứa con chăm chỉ, tháo vát. Nếu còn thiếu kiến thức ở mảng nào đó, hãy tìm kiếm tư liệu trên mạng để bổ sung kiến thức. Nếu chưa có thói quen gọi điện thoại bày tỏ tình cảm với người thân yêu, thì thời gian này chính là cơ hội để tạo thói quen đó. Nếu đã từng lười đọc sách, hãy đọc trong những ngày giãn cách. Nếu cảm thấy chữ viết ngày càng xấu hơn, hãy dành thời gian rèn luyện lại... Đừng bi quan, buồn bã. Hãy để những ngày cách ly, giãn cách trở thành những ý nghĩa với những việc làm ý nghĩa", ông Nghị hướng dẫn những việc cần làm trong những ngày giãn cách theo Chỉ thị 15.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.