1 năm bùng phát lửa đạn Trung Đông

07/10/2024 06:00 GMT+7

Sau 1 năm kể từ khi lực lượng Hamas (Palestine) bất ngờ tấn công Israel vào ngày 7.10.2023, xung đột ở Trung Đông chưa bùng nổ thành chiến tranh toàn diện, nhưng vẫn liên tục leo thang và gây nhiều bất ổn không chỉ ở khu vực này.

Phá vỡ nhiều giới hạn

Trong chưa đầy 6 tháng qua, Iran đã 2 lần tấn công trực tiếp vào lãnh thổ Israel (vào đêm 13.4 và đêm 1.10). Đây là điều chưa từng xảy ra dù hai bên từng có không ít căng thẳng cũng như suốt nhiều năm Israel giao tranh quyết liệt với các lực lượng thân Iran.

1 năm bùng phát lửa đạn Trung Đông- Ảnh 1.

Dải Gaza bị tàn phá nặng nề sau 1 năm bùng nổ xung đột

Ảnh: Reuters

Cũng từ việc Iran phóng tên lửa và máy bay không người lái (UAV) tấn công Israel vào đêm 13 rạng sáng 14.4 đã cho thấy chiến sự khu vực đang khiến nhiều nước liên đới. Trong cuộc tấn công vừa nêu, thông qua mạng lưới dày đặc mà Mỹ đã thiết lập, nước này cùng đồng minh đã hỗ trợ tích cực cho Israel để đánh chặn tên lửa và UAV của Iran.

Cụ thể, các hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao (THAAD) và phòng thủ tên lửa tầm xa Patriot đã được triển khai ở Iraq, Kuwait, UAE, Qatar, Ả Rập Xê Út, Jordan và tại căn cứ bí mật mang mã 512 mà Mỹ đặt ở Israel. Các tàu chiến Mỹ ở khu vực, mạng lưới phòng thủ tên lửa trên cùng các chiến đấu cơ Mỹ đồn trú ở Kuwait, Jordan, UAE, Qatar và Ả Rập Xê Út phối hợp thành một mái vòm phòng thủ bao trùm Israel (và các căn cứ khu vực của chính Mỹ với các nước). Anh cũng gắn bó mật thiết với mạng lưới này, hay Bahrain đã mua tên lửa Patriot để trở thành một phần của mạng lưới. Chính vì thế, nếu cộng thêm các bên trực tiếp can dự như Iran, Hezbollah (Li Băng), Houthi (Yemen), các tay súng ở Syria, Hamas (Palestine), thì xung đột của Israel ở Trung Đông đang có sự can dự từ không dưới 15 quốc gia.

Không những vậy, chỉ 1 năm xung đột đã khiến cả Hezbollah lẫn Hamas bị thiệt hại chưa từng có về lực lượng lãnh đạo. Không chỉ nhiều chỉ huy cấp cao thiệt mạng, ông Ismail Haniyeh là lãnh đạo cao nhất về chính trị của Hamas cũng đã bị giết hại ngay tại Iran khi đến thăm nước này. Tel Aviv được cho là đứng sau cái chết của ông Haniyeh. Tương tự, gần như toàn bộ cấp lãnh đạo cao nhất của Hezbollah cũng đã thiệt mạng. Chỉ trong 2 tháng, phó tướng Fuad Shukr rồi lãnh đạo tối cao Hassan Nasrallah lần lượt mất mạng trong các cuộc tập kích của Israel.

Sau khi tiến quân vào Dải Gaza, Israel cũng đã lần đầu tiến quân vào Li Băng kể từ sau cuộc chiến tranh vào năm 2006. Cứ thế, tình hình khu vực không có dấu hiệu lắng dịu.

Bế tắc kéo dài

Trong khi đó, khủng hoảng nhân đạo ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn ở Dải Gaza. Từ khi bùng nổ chiến sự đến nay, các vụ tấn công và xung đột ở Gaza đã khiến gần 42.000 người thiệt mạng và hầu như 2,3 triệu dân Gaza bị mất chỗ ở. Nhiều hoạt động nhân đạo đã được tiến hành nhưng không thể đủ sức giải quyết.

1 năm bùng phát lửa đạn Trung Đông- Ảnh 2.

Đồ họa: Hoàng Đình

Cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Gaza đã khiến Israel gặp nhiều chỉ trích đồng thời làm cho Washington ngày càng khó khăn hơn trong việc hỗ trợ đồng minh Tel Aviv.

Chuyên gia Mark C. Schwartz (thuộc tổ chức RAND, Mỹ) đánh giá: "Chính quyền Mỹ đã chuyển từ sự ủng hộ rõ ràng đối với Israel, sang sự thất vọng và thất vọng thực sự về cách Israel đang tiến hành cuộc chiến ở Gaza".

Tương tự, GS Michelle Grisé (cũng thuộc tổ chức RAND) đánh giá: "Trong năm qua, Mỹ đã tìm cách cân bằng việc cung cấp hỗ trợ cho Israel - dưới hình thức viện trợ quân sự và chia sẻ thông tin tình báo, ủng hộ bằng ngoại giao và hỗ trợ đàm phán - đồng thời giảm thiểu thiệt hại dân sự và ngăn chặn sự leo thang thù địch hơn nữa trong khu vực. Sự cân bằng này ngày càng trở nên khó duy trì khi chiến sự vẫn tiếp diễn ở Dải Gaza, đặc biệt là khi các hoạt động quân sự của Israel đã dẫn đến thương vong dân sự đáng kể ở Gaza. Trong khi đó, Iran và các lực lượng thân Iran tấn công Israel và tập kích vào tàu thương mại lẫn lực lượng Mỹ trong khu vực". Không những vậy, theo GS Grisé, cuộc chiến ở Trung Đông - mà cụ thể là từ các hành động của Israel - còn gây chia rẽ ngay trong lòng nước Mỹ.

Chuyên gia Schwartz dự báo chiến sự Trung Đông có thể khó hạ nhiệt trước giữa năm 2025. Mọi chuyện chỉ có thể xuống thang khi Israel ngừng chiến dịch quân sự ở Dải Gaza và vấn đề con tin Do Thái đang bị Hamas bắt giữ được giải quyết.

Trong khi đó, khi xung đột còn tiếp diễn thì không chỉ khó giải quyết khủng hoảng nhân đạo ở Dải Gaza, mà kinh tế thế giới cũng chịu thiệt hại nghiêm trọng vì các tuyến hàng hải xung quanh khu vực Trung Đông đóng vai trò quan trọng trong giao thương toàn cầu.

Một năm sau ngày Hamas tấn công Israel: Người sống sót chưa nguôi nỗi đau

Israel tăng cường tấn công, Iran đẩy mạnh phòng thủ

Hôm qua (6.10), quân đội Israel thông báo mở chiến dịch trên bộ mới tại khu tị nạn Jabaliya ở miền bắc Gaza nhằm đối phó việc Hamas đang tái xây dựng lực lượng, theo AFP.

Song song đó, Israel những ngày qua duy trì cường độ oanh tạc các mục tiêu của Hezbollah tại Li Băng trong lúc chuẩn bị cho màn trả đũa Iran, sau khi hứng chịu đợt tấn công tên lửa của Tehran vào ngày 1.10 vừa qua. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nói rằng không nước nào có thể chấp nhận bỏ qua sau cuộc tấn công như vậy và nhấn mạnh Tel Aviv có quyền và bổn phận đáp trả Tehran. Quân đội Israel tuyên bố Israel sẽ đáp trả Iran theo cách thức, thời gian và địa điểm do Tel Aviv lựa chọn.

Đáp lại, Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi cảnh báo bất kỳ cuộc tấn công nào của Israel cũng sẽ gặp phản ứng mạnh hơn nữa. Reuters hôm qua dẫn thông tin từ truyền thông Iran cho biết Bộ trưởng Dầu mỏ Mohsen Paknejad đã đến thăm các cơ sở dầu khí trên đảo Kharg giữa lúc rộ tin đồn Israel sẽ tấn công vào địa điểm quan trọng này. Iran xuất khẩu khoảng 1,7 triệu thùng dầu thô mỗi ngày và 90% số đó được xử lý thông qua các cơ sở trên đảo Kharg.

Bảo Vinh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.