Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và nghề công tác xã hội Việt Nam, Hiệp hội các trường cao đẳng, trung cấp kinh tế - kỹ thuật ngày 26.3 đã gửi công văn lên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc “kêu cứu” về việc giảng dạy văn hóa THPT cho học sinh tốt nghiệp THCS học trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đang bị ách lại do Bộ GD-ĐT chậm ban hành thông tư quy định liên quan.
Theo các hiệp hội nói trên, luật Giáo dục nghề nghiệp, luật Giáo dục năm 2019 quy định người học tốt nghiệp THCS đi học nghề trình độ trung cấp có thể học thêm văn hóa THPT để được liên thông lên trình độ cao hơn.
Trách nhiệm ban hành thông tư quy định về khối lượng kiến thức văn hóa THPT mà người học cần tích lũy thuộc về Bộ GD-ĐT, Thủ tướng Chính phủ cũng đã yêu cầu Bộ GD-ĐT ban hành nội dung này trong quý 3 năm 2020, nhưng cho đến nay Bộ GD-ĐT vẫn chưa thực hiện được.
Trong khi đó, theo quy định của Bộ GD-ĐT ban hành tháng 6.2019, việc thực hiện chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT để học sinh theo học chương trình có thể tham dự kỳ thi lấy bằng tốt nghiệp THTP phải do các trung tâm giáo dục thường xuyên chủ trì.
Thực tế thì ở nhiều địa phương, trong những năm gần đây, số học sinh tốt nghiệp THCS vào học các trường nghề ngày càng đông. Phần lớn (hơn 80%) các em có nhu cầu học văn hóa THPT để tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT và lấy bằng. Dù nhiều nơi (Bắc Giang, Lạng Sơn, Thái Nguyên…), UBND tỉnh đã có văn bản kiến nghị nhưng Bộ GD-ĐT vẫn trả lời chỉ có các trung tâm giáo dục thường xuyên mới được dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT. Các trường cao đẳng, trung cấp nếu muốn dạy văn hóa THPT thì phải liên kết với trung tâm giáo dục thường xuyên để dạy.
Tháng 11.2020, Bộ GD-ĐT đã đồng ý để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được thực hiện giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa THTP cho học sinh theo học trình độ trung cấp để liên thông lên trình độ cao đẳng, chứ không đồng ý để các trường này giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT cho người học.
Hệ lụy của việc này là ảnh hưởng tới quyền lợi chính đáng của gần 1 triệu học sinh tốt nghiệp THCS đang học tại các trường nghề, có nguyện vọng học và thi lấy bằng tốt nghiệp THPT. Trở thành học sinh các trường nghề khi mới chỉ có bằng tốt nghiệp THCS, ngay lập tức các em đối mặt với nguy cơ bị tước mất quyền lợi được học lên đại học cho dù đã được dạy học kiến thức văn hóa THPT.
Công văn của các hiệp hội nêu: “Quan điểm này chưa đúng với quy định của luật Giáo dục năm 2019 và chỉ đạo của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tại hội nghị trực tuyến toàn quốc ngành giáo dục năm 2020 tổ chức vào ngày 31.10.2020, gây khó khăn cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp và nhất là cho người học”.
Các hiệp hội kiến nghị Thủ tướng có ý kiến để Bộ GD-ĐT cho phép các trường trung cấp, cao đẳng đã được sở GD-ĐT các địa phương đồng ý cho giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT (từ năm 2019 trở về trước - PV) thì tiếp tục giảng dạy chương trình này cho người học đến khi có quy định mới.
Bộ GD-ĐT sớm ban thành thông tư quy định khối lượng kiến thức văn hóa THPT và việc giảng dạy văn hóa THTP trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Trong đó cần quy định rõ: khối lượng kiến thức THPT để giảng dạy trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, điều kiện để cơ sở giáo dục nghề nghiệp được tham gia giảng dạy văn hóa THPT; nơi nào đủ điều kiện thì được dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT; người học có bằng tốt nghiệp trình độ trung cấp (nghề nghiệp), được tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT hàng năm, được học liên thông lên trình độ đại học sau khi hoàn thành khối lượng kiến thức văn hóa THPT…
Bình luận (0)