1 triệu nhân viên ngân hàng đình công trên khắp Ấn Độ

Thu Thảo
Thu Thảo
31/05/2018 14:52 GMT+7

Khoảng 1 triệu nhân viên nhà băng trên toàn Ấn Độ vừa đình công hôm 30.5. Họ đòi lương bổng khá hơn và yêu cầu chính phủ mạnh tay với các doanh nghiệp cố tình vỡ nợ trên số tiền đã vay.

Theo AFP, khoảng 5.000 người lao động vừa hô vang khẩu hiệu và cầm biểu ngữ tại một cuộc biểu tình ở thủ đô tài chính Mumbai, người đứng đầu công đoàn Devidas Tuljapurkar cho hay. Những người biểu tình cho rằng họ chính là người phải trả giá cho núi nợ xấu của đất nước.
Các ngân hàng khốn khó của nước này đang gánh nợ thuộc hàng cao nhất trong số các thị trường mới nổi. Họ cõng trên lưng hàng tỉ USD nợ xấu. Cuộc đình công kéo dài hai ngày kết thúc vào hôm nay 31.5. Hàng chục nghìn chi nhánh của các ngân hàng thương mại và ngân hàng nhà nước đóng cửa, làm tê liệt hoạt động ở một số vùng của đất nước.
Những người đi biểu tình không hài lòng với mức tăng lương 2% được đề xuất. Mức tăng lương trên còn thấp hơn lạm phát 4,5% của Ấn Độ. Chuyện nợ xấu thì được cả nước chú ý từ tháng 3.2016, khi tài phiệt bia và hàng không Vijay Mallya trốn sang Anh để không phải trả khoản nợ gần 1 tỉ USD với ngân hàng. Đầu năm nay, chính phủ cho biết các khoản nợ xấu đã lên đến hơn 120 tỉ USD.
Nợ cao đồng nghĩa với việc các nhà băng gặp rủi ro trong việc tiếp tục cho vay đến các khoản đầu tư, kiềm chân tăng trưởng kinh tế. Chính phủ đang cố gắng giúp các ngân hàng nhà nước làm sạch sổ sách.
Tháng 10.2017, chính phủ phê duyệt kế hoạch tái cấp vốn 32 tỉ USD cho các nhà băng gặp khó. Ngân hàng trung ương Ấn Độ cũng có nhiều quyền hạn hơn. Họ có thể can thiệp vào các khoản nợ xấu, yêu cầu các ngân hàng đối phó với các khoản nợ theo luật phá sản mới.
Ông Tuljapurkar cho hay: "Chúng tôi đã và đang tích cực yêu cầu chính phủ mạnh tay với những công ty lớn, các hãng không có khả năng thanh toán nợ. Nếu không làm điều này, ngân hàng Ấn Độ không thể hồi sinh”. Ông này cho biết thêm khối lượng công việc của nhân viên ngân hàng tăng lên kể từ khi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nhận chức cách đây bốn năm và khởi động một số sáng kiến kinh tế.
Một trong số các động thái tài chính của ông Modi là việc bất ngờ đổi tiền năm 2016, vô giá trị 86% tiền mặt trong lưu thông, khiến nhiều người phải xếp hàng dài ở các cây ATM và ngân hàng để đổi tiền cũ, nhận tiền mới. Nhiều dân Ấn Độ nghèo hơn vốn phụ thuộc vào tiền mặt đã phải tất tả đi mua nhu yếu phẩm vì sợ tiền tiết kiệm ít ỏi của họ “bốc hơi”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.