10 dấu ấn của điện thoại thông minh trong thập kỷ qua

24/12/2019 12:58 GMT+7

Khi chiếc iPhone đầu tiên của Apple được tung ra thị trường vào năm 2007, không phải ai cũng tin rằng nó sẽ thay thế điện thoại nắp gập. Hay khi hệ điều hành Android của Google xuất hiện, không ai tin rằng nó sẽ thành công.

Kể từ khi chiếc iPhone 4 ra mắt vào năm 2010 với màn hình độ phân giải cao, thiết kế ấn tượng và tích hợp camera trước, số phận những chiếc điện thoại phổ thông dựa trên các nền tảng Symbial và cả hàng loạt smartphone lừng lẫy một thời của các nền tảng BlackBerry hay Windows Phone (Windows Mobile) đã lần lượt bị phong ấn, dần trở thành viên gạch trên bia tưởng niệm với số phận khắc nghiệt mà nhiều người chưa từng nghĩ tới.
Dưới đây là 10 cách mà điện thoại thông minh đã tạo ra dấu ấn trong thập kỷ qua:

Truy cập Internet mọi lúc mọi nơi

Theo số liệu của Canalysis Research, hiện nay có khoảng 5 tỉ điện thoại thông minh (smartphone) đang được sử dụng trên toàn thế giới. Trong đó, tổng số thuê bao internet đã tăng vọt từ 1,3 tỉ trong năm 2010 lên 7,2 tỉ trên phạm vi toàn cầu, phần lớn trong số đó là thuê bao internet di động. Dữ liệu trên của Liên minh Viễn thông Quốc tế đã cho thấy sự bùng nổ về kết nối đang diễn ra mạnh mẽ hơn bao giờ hết, đặc biệt là ở các nước đang phát triển - nơi hiện có số mật độ kết nối đông hơn cả dân số.

Phất lên nhờ nền tảng di động

Apple từng là một công ty thuần về máy tính và ít người để ý, giờ đây họ trở thành một trong những công ty có giá trị lớn nhất thế giới chủ yếu nhờ vào… iPhone. Theo số liệu của GSMA, 5 trong số các công ty công nghệ lớn nhất thuộc top Fortune 500 bao gồm Apple, Amazon, Google, Microsoft và Facebook hiện đang tự hào với mức tổng vốn hóa thị trường vào khoảng 4,7 nghìn tỉ USD, một con số cao chót vót so với mốc 800 tỉ USD của họ vào đầu năm 2010.
Không phải tất cả họ đều có được thành tựu hiện nay là nhờ điện thoại thông minh, nhưng các công nghệ và dịch vụ liên quan hiện nay của họ liên quan đến điện thoại di động đang chiếm gần 4 nghìn tỉ USD trong hoạt động kinh doanh năm 2018.

Ứng dụng hóa mọi thứ

Dù bạn muốn gọi taxi, đồ ăn, mua sắm, chơi game, xem phim hoặc nghe nhạc, bạn sẽ luôn có tùy chọn ứng dụng cho nhu cầu của mình - những ứng dụng smartphone này hầu như chưa từng tồn tại vào năm 2010. Theo App Annie - một công ty phân tích ứng dụng di động cho biết, nhiều ứng dụng phổ biến nhất hiện nay là miễn phí, nhưng dự kiến trong năm 2019 này người tiêu dùng vẫn sẽ chi hơn 120 tỉ USD cho các ứng dụng ở Apple App Store hay Google Play Store.

Feed khắp nơi

Theo Nielsen, tính năng cuộn để di chuyển vô tận trên Facebook, Instagram, Twitter và các ứng dụng mạng xã hội khác đã tiêu tốt trung bình 34 phút mỗi ngày của một người trưởng thành ở Mỹ. Ngày càng ít người ngồi trên ghế sofa để xem truyền hình trực tiếp vào các khoảng thời gian định sẵn và các quảng cáo ăn theo, thay vào đó các nhà quảng cáo đang nhắm vào nền tảng di động khiến trong năm 2018 các chi tiêu cho quảng cáo trên nền tảng di động lần đầu tiên đã vượt truyền hình. Có thể chúng ta sẽ phải nhìn lại những mặt trái của smartphone khi chúng là nơi để bạn sống ảo, lan truyền tin giả (fake news), các xu hướng bạo lực và trở thành môi trường câu khách của những người có ảnh hưởng (KOL).

Thời của nhiếp ảnh di động

Theo Hiệp hội Sản phẩm Máy ảnh & Hình ảnh (CIPA), doanh số máy ảnh kỹ thuật số trên toàn cầu đã sụt giảm mạnh sau khi smartphone chiếm lĩnh thị trường, khiến doanh số thời đỉnh cao là 121 triệu chiếc vào năm 2010 nay giảm xuống chỉ còn 19 triệu chiếc trong năm 2018, nhất là các dòng máy ảnh du lịch (PnS). Ở phía ngược lại, các điện thoại mới nhất có tới bốn ống kính máy ảnh và các phần mềm nhiếp ảnh điện toán tiên tiến giúp việc chụp ảnh trở nên dễ dàng hơn ở mọi hoàn cảnh. Trong khi đó, camera trước cũng được nâng cấp bởi nhu cầu “tự sướng” (selfie) ngày càng cao. Theo Google, có tới 93 triệu ảnh selfie trên các thiết bị Android mỗi ngày.

Cụm camera trên điện thoại ngày càng được đầu tư và “phình to”

Ảnh: AndroiPIT

Theo dõi vị trí mọi nơi mọi lúc

Công nghệ định vị vệ tinh GPS hiện nay được kết hợp với các thông tin từ tháp di động và mạng WiFi đã biến chiếc điện thoại thông minh trở thành thiết bị theo dõi vị trí rất mạnh mẽ. Ứng dụng bản đồ của Google (Google Maps) và Apple (Apple Maps) hay Nokia (Here Maps) cho phép ai cũng có thể định hướng và tìm đường đi ở bất cứ nơi đâu một cách dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, đối với những người quan tâm đến quyền riêng tư thì đó là một thảm họa: Các công ty điện thoại và nhà sản xuất ứng dụng thường xuyên ghi lại nhật ký hoạt động (di chuyển) của người dùng và rao bán dữ liệu hành vi/thói quen đó cho các nhà quảng cáo hoặc các bên thứ ba, một mảng kinh doanh béo bở trị giá khoảng 20 tỉ USD mỗi năm.
Dù về lý thuyết các dữ liệu này là ẩn danh, nhưng một số nghiên cứu và một cuộc điều tra gần đây của New York Times tiết lộ rằng, việc xác định ai đó đang đứng sau các dấu chấm trên bản đồ là một vấn đề đơn giản, nói cách khác chúng ta không hoàn toàn ẩn danh trên mạng như nhiều người vẫn nghĩ. Gần 50% các công ty được Verizon khảo sát trong năm nay đã sử dụng hoặc đang lên kế hoạch sớm sử dụng các công cụ quản lý điện thoại thông minh để theo dõi nhân viên của họ, một thực trạng đáng lo ngại về quyền riêng tư ở mức tối thiểu.

Bạn có thể tra cứu gần như mọi thứ trên mạng

Phiên bản năm 2010 của bách khoa toàn thư Britannica đáng kính có tất cả 32 tập và nặng tới 58 kg, hóa ra là những ấn bản in giấy cuối cùng. Dù những tranh luận về sách giấy và sách điện tử vẫn chưa kết thúc, nhưng giờ đây bạn có thể tra cứu thông tin bách khoa toàn thư mọi nơi mọi lúc miễn là có internet. Theo thống kê, hiện có tới 240 triệu lần truy vấn bách khoa toàn thư trực tuyến Wikipedia mỗi ngày.

Nhiều người mất mạng vì mất tập trung do sử dụng điện thoại

Theo Cục Quản lý An toàn Giao thông Mỹ (NHTSA), chỉ riêng trong năm 2018 tại Mỹ đã có tới 2.628 vụ tai nạn nghiêm trọng liên quan đến thói quen lái xe mất tập trung, trong số những vụ tai nạn chết người này có khoảng 13% vụ liên quan đến sử dụng điện thoại trong lúc đang lái xe.

Sự bùng nổ của ví điện tử cho phép bạn có thể bỏ quên ví truyền thống ở nhà

Apple Pay và Google Pay đã dần ăn sâu vào tiềm thức hầu hết người tiêu dùng Mỹ, nhưng Trung Quốc mới là quốc gia tận dụng tối đa các kênh thanh toán điện tử tốt nhất hiện nay. Theo một nghiên cứu của Bain, các dịch vụ chấp nhận thanh toán Alipay và WeChat - hai dịch vụ thanh toán qua điện thoại thông minh lớn nhất của Trung Quốc, đã đạt tỷ lệ được người dùng nước này chấp nhận sử dụng trong hơn 80% giao dịch kể từ khi chúng được ra mắt vào khoảng đầu thập kỷ này.
Ở Trung Quốc, thanh toán qua mã QR phổ biến tới mức các giao dịch mua bán hằng ngày và ngay cả người ăn xin trên phố cũng sử dụng mã QR, thậm chí một số dịch vụ còn từ chối thanh toán tiền mặt và yêu cầu khách chuyển qua WeChat Pay hoặc Alipay.

Các cuộc gọi và SMS truyền thống đang dần trở nên xa xỉ

Một trong những nạn nhân “thảm hại nhất” của thời đại smartphone chính là dịch vụ gọi điện và nhắn tin SMS truyền thống. Hiện nay, chúng đang dần bị thay thế bởi các ứng dụng OTT (nhắn tin đa phương tiện), bao gồm các dịch vụ chat và gọi video/thoại miễn phí, không những vậy người dùng còn có thể chèn thêm các hình động GIF hoặc các biểu tượng cảm xúc thú vị.
Chẳng hạn, theo thống kê của cơ quan truyền thông Anh (Ofcom), tổng số phút các cuộc gọi trên điện thoại tại nước này đã giảm từ 254 tỉ phút vào năm 2013 xuống còn 204 tỉ phút so với cùng kỳ năm 2018, số tin nhắn SMS giảm từ 129 tỉ tin nhắn vào năm 2013 xuống còn 74 tỉ tin nhắn trong năm qua. Trong khi đó, việc sử dụng dữ liệu di động đã tăng lên gần gấp 9 lần so với cùng mốc thời gian từ năm 2013 đến 2018, số lượng biểu tượng cảm xúc có sẵn (được bổ sung tăng lên gần 3.000 kể từ năm 2010.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.