10 lo ngại cho thị trường bất động sản năm 2019

Đình Sơn
Đình Sơn
05/01/2019 20:51 GMT+7

Ngày 5.1, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành trước những lo ngại về thị trường bất động sản năm 2019.

Tinh thần cán bộ sụt giảm

Theo đó, HoREA đưa ra cảnh báo về 10 lo ngại có thể tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản năm 2019. Theo đó, lo ngại đầu tiên là quy mô thị trường bất động sản bị sụt giảm khá lớn trong năm 2018 sẽ tác động tiêu cực đến thị trường trong năm 2019.
Thể chế hành chính và hệ thống quy phạm pháp luật chưa thật thống nhất, chưa đồng bộ; tinh thần làm việc của một số cán bộ, công chức có liên quan đến dự án bất động sản bị sụt giảm; thủ tục hành chính có liên quan đến dự án bất động sản bị trì trệ.
Thị trường bất động sản TP.HCM tiếp tục tình trạng lệch pha cung - cầu. Tỷ lệ nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp trong phân khúc bất động sản cao cấp trên địa bàn thành phố tăng mạnh so với năm 2017 sẽ tác động tiêu cực đến thị trường trong năm 2019.
Hàng tồn kho của 65 doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên sàn chứng khoán có tổng giá trị rất lớn, trong đó, có một số doanh nghiệp của TP.HCM. Điểm nghẽn do chưa có Nghị định của Chính phủ về việc dùng quỹ đất để thanh toán hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT).
Tranh chấp tại chung cư gia tăng và diễn biến phức tạp. Sốt ảo giá đất nền vẫn diễn ra khắp nơi và có thể tiếp tục trong năm 2019. Vấn đề đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy tại chung cư cao tầng và cuối cùng là lo lắng nguồn thu ngân sách từ đất, từ tiền sử dụng đất dự án bất động sản trên địa bàn TP.HCM bị sụt giảm khá lớn trong năm 2018, từ đó TP sẽ có các chính sách “thu bù” trong năm 2019.
Nguy cơ thị trường sụt giảm nguồn cung trong năm 2019 Sơn Sơn

Nhiều giải pháp

Từ các lo lắng trên, HoREA đã đề xuất hàng loạt giải pháp giúp thị trường phát triển bền vững, ổn định trong năm 2019. Theo đó UBND TP.HCM cần có văn bản chỉ đạo các sở, ngành tháo gỡ khó khăn đối với các dự án nhà ở thương mại có quỹ đất hỗn hợp, bao gồm đất ở và các loại đất khác cần phải chuyển mục đích sử dụng đất. UBND TP.HCM cần chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính có giải pháp để rút ngắn thời gian làm thủ tục xác định tiền sử dụng đất dự án; Sở Xây dựng đơn giản hóa công tác lựa chọn chủ đầu tư, cấp phép xây dựng nhà ở xã hội, nhất là dự án sử dụng thiết kế điển hình nhà ở xã hội... UBND TP.HCM không cấm hẳn việc phát triển dự án chung cư cao tầng tại khu vực trung tâm thành phố đến năm 2020, mà cần quy định chặt chẽ tiêu chí chỉ lựa chọn dự án và nhà đầu tư có năng lực, có giải pháp góp phần xử lý tình trạng kẹt xe, ngập nước trong khu vực này.
Để khắc phục tình trạng lệch pha cung - cầu, giảm lượng hàng tồn kho và tái cấu trúc thị trường bất động sản theo hướng bền vững, HoREA khuyến nghị các doanh nghiệp chuyển hướng mạnh sang đầu tư, phát triển các dự án xanh, các dự án nhà ở thương mại có giá bán vừa túi tiền, nhà ở xã hội và tham gia các chương trình xây dựng lại chung cư cũ và chương trình chỉnh trang, di dời nhà trên và ven kênh rạch của thành phố. Để giải quyết hàng tồn kho, xử lý nợ xấu các doanh nghiệp phải có giải pháp cơ cấu lại sản phẩm, giảm giá bán, thậm chí phải chấp nhận cả giải pháp bán lỗ để cắt lỗ.
Trong tình hình hiện nay, lãnh đạo Trung ương và thành phố cần gặp gỡ, động viên tinh thần làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức thành phố để tiếp tục cống hiến, xây dựng và phát triển thành phố xứng đáng với vai trò đầu tàu của nền kinh tế cả nước.
Đề nghị sớm ban hành Nghị định của Chính phủ về việc dùng quỹ đất để thanh toán hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) để tháo gỡ điểm nghẽn đối với các dự án BT nhằm thực hiện hiệu quả chủ trương xã hội hóa đầu tư, phát triển hệ thống hạ tầng của đất nước. Sớm xây dựng luật về hợp tác công - tư (PPP) để đảm bảo tính ổn định của hệ thống pháp luật, tạo sự yên tâm cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Trong quá trình xây dựng các văn bản pháp quy, đối với quỹ đất dự án do doanh nghiệp tự thỏa thuận, thương lượng, bồi thường cho người sử dụng đất là quỹ đất hỗn hợp, bao gồm đất ở, đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp, xen lẫn đất lối đi, đường mòn, đất kênh mương... thì cho phép doanh nghiệp được làm chủ đầu tư dự án và nộp tiền sử dụng đất vào ngân sách nhà nước theo phương pháp tính giá đất cụ thể phù hợp với giá đất thị trường theo quy định của luật Đất đai 2013.
Để thị trường bất động sản theo hướng minh bạch, lành mạnh, ổn định và bền vững, Nhà nước tiếp tục sử dụng công cụ về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, phát triển đô thị, nhà ở, đặc biệt là công cụ về thuế để điều tiết thị trường bất động sản, phòng chống đầu cơ, sốt giá ảo và kiểm soát hiệu quả hoạt động đầu tư, kinh doanh thứ cấp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.